Một trong những chiến công vang dội của lực lượng tình báo cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ là đã thiết lập được một mạng lưới “lót ổ” trong Bộ Tổng tham mưu (BTTM) Quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Từ đây, những thông tin mật thuộc tầm chiến lược đặc biệt quan trọng đã được chuyển kịp thời và chính xác về Hà Nội.
Những người làm nên điều kỳ diệu ấy chính là mạng lưới tình báo A3 mà người chỉ huy ít ai ngờ tới lại là một “ liễu yếu đào tơ” - nữ sĩ quan tình báo Hai Kim.
Từ nữ giao liên đến nhà tình báo
Bà Hai Kim, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Vân, sinh năm 1931 tại huyện Bình Chánh, Sài Gòn (cũ) trong một gia đình cách mạng. Cuộc đời cách mạng của bà bắt đầu từ năm 1946 bằng việc làm giao liên cho Ủy ban kháng chiến ở xã, sau đó gia nhập các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ cứu quốc, đi tuyên truyền vận động thanh niên, phụ nữ gia nhập hội.
Năm 1948, cô thôn nữ 17 tuổi Thanh Vân phải đối mặt với những cú sốc lớn: Trong gia đình liên tục có người bị địch bắt và bắn chết. Đến bây giờ bà vẫn nhớ như in khoảng thời gian ấy:
- Ngày 17 tháng Chạp năm đó má tui bị địch bắt. Ông nội tui vì thương và lo cho các con nên đổ bệnh và 10 ngày sau thì ông qua đời. Chưa đầy một tháng sau, chồng của dì Mười làm công an xã bị địch bắn chết. Một thời gian ngắn sau đó đến lượt cậu ruột tui là Bùi Văn Quới làm Công an huyện Nhà Bè cũng bị địch giết hại. Bọn giặc Tây đến nhà tui phá hết nhà cửa, cướp hết đồ đạc. Bà ngoại tui phải trốn về huyện Cần Giuộc (nay thuộc tỉnh Long An) mới thoát được. Còn tui thì được các đồng chí trong tổ chức đưa lên huyện Cần Giuộc hoạt động, thoát li gia đình để tránh bị lộ.
 |
Nữ tình báo Hai Kim. |
Năm 1954, cô theo đoàn cán bộ tập kết ra Bắc. Sau một thời gian được tổ chức cho đi học tập văn hóa, nghiệp vụ, Thanh Vân được đưa đi “thử lửa” ở nhiều địa phương phía Bắc, làm công tác vận động, tập hợp, giáo dục phụ nữ, thanh niên. Nhận thấy những khả năng và triển vọng phát triển của cô gái miền Nam, năm 1961 tổ chức giới thiệu cô vào học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tham gia công tác trong Hội Thanh niên toàn quốc. Tốt nghiệp, cô được nhà trường giữ lại làm công tác tổ chức cán bộ. Cuộc kháng kháng chiến chống Mỹ diễn ra ngày càng ác liệt, nhiều lần Thanh Vân viết đơn gửi Ban Tổ chức Trung ương xin được đi B, nhưng chưa có cơ hội. Đầu năm 1966, Cục Tình báo cử cán bộ về trường tuyển người để bồi dưỡng, đưa vào miền Nam hoạt động. Với thân hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, đôi mắt sáng, thông minh, lập luận sắc sảo và một bản lý lịch “con nhà cách mạng nòi”, cô cán bộ tổ chức của trường lọt vào “mắt xanh” của cán bộ Cục Tình báo Mai Vĩnh. Sau 8 tháng học tập chính trị và nghiệp vụ, ngày 1-4-1967 Nguyễn Thị Thanh Vân với bí danh Hai Kim rời Hà Nội và đến ngày 19-4 thì vào đến Sài Gòn, chính thức bước vào thực hiện nhiệm vụ của một nữ tình báo thuộc Phòng tình báo chiến lược (J22) - Bộ tham mưu Quân giải phóng miền Nam..
Hành trình đi tìm người “lót ổ”
Hai Kim được người của tổ chức đưa về căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh). Cô đề xuất phương án với cấp trên, bắt liên lạc với những cơ sở cũ của gia đình ngày trước để sàng lọc, xây dựng một mạng lưới cung cấp thông tin từ nội thành Sài Gòn về căn cứ. Tuy nhiên, do xa Sài Gòn đã lâu nên khi tiếp cận những địa chỉ cũ thì phần lớn các gia đình đều đã chuyển đi nơi khác, hoặc không đủ độ tin cậy để triển khai nhiệm vụ. Hai Kim tạm thời hoạt động vòng ngoài, chờ cơ hội thuận tiện sẽ thâm nhập nội thành Sài Gòn xây dựng cơ sở. Vào thời kỳ này, việc ra vào nội thành rất khó khăn vì địch kiểm soát nghiêm ngặt. Giấy tờ giả do tổ chức của ta thiết kế không qua được mắt địch.
Đầu năm 1970, cơ hội đến với Hai Kim khi cô móc nối được với một số Việt kiều ở Cam-pu-chia về nước. Có được tấm thẻ căn cước Việt kiều và lọt vào nội thành không mấy khó khăn, Hai Kim tiếp cận được một số địa chỉ đưa vào “tầm ngắm”. Một trong những cơ sở Hai Kim đặt nhiều niềm tin là một gia đình ở bến Hàm Tử (quận 5 bây giờ). Sau khi xây dựng được cơ sở này, thực hiện kế hoạch của J22, Hai Kim bàn giao cho đồng chí khác, còn mình thì được tăng cường cho trạm B52, hoạt động từ Sài Gòn về địa bàn Quân khu 9. Năm 1973, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra phải tìm mọi cách “lót ổ” được một cơ sở vững chắc nằm sâu trong lòng địch. Người nhận nhiệm vụ này là Sáu Chi, một cán bộ nữ trong Cụm tình báo A33 đóng tại Cần Thơ do đồng chí Ba Phấn chỉ huy. Sáu Chi có một người cháu là đại úy không quân, rất có cảm tình với cách mạng. Tuy nhiên, khi Sáu Chi đặt chân đến Sài Gòn thì nhận được tin đứa cháu đã bị tử nạn do rơi máy bay. Buồn bã nhưng không nản chí, Sáu Chi nhắm đến Ba Minh, một người em bên chồng hiện là thượng sĩ nhất, công tác tại Phòng quản lý, lưu trữ hồ sơ thuộc BTTM Quân lực VNCH. Ba Minh tên thật là Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1933. Trước năm 1954, anh đã tham gia hoạt động cách mạng, sau đó đi học nghiệp vụ đánh máy, văn thư, nhờ đó sau khi đi lính, Ba Minh được điều về BTTM làm nhân viên đánh máy, quản lý hồ sơ. Nhận thông tin từ Sáu Chi, thủ trưởng Ba Phấn nhận định Ba Minh chính là người mà mạng lưới tình báo của ta đang cần. Ba Minh có con trai tên Hoàng, vừa tròn 17 tuổi. Sáu Chi bàn với Ba Minh để chị đưa cháu về căn cứ nhằm trốn lính. Rời Sài Gòn, Sáu Chi dặn Ba Minh: Khi nào có người đến tìm, mang theo tấm thẻ học sinh của Hoàng thì đó là người của cách mạng. Mọi đường đi nước bước sẽ do người này trao đổi trực tiếp. Người lãnh trọng trách thiết lập, xây dựng một mạng lưới tình báo mới với sự “lót ổ” của Ba Minh trong BTTM Quân lực VNCH là Hai Kim.
Khoảng đầu tháng 7-1973, mạng lưới tình báo A3 được thiết lập, bao gồm: Hai Kim, bí số T2 (tổ trưởng); Ba Minh, bí số H3; Nguyễn Thị Nguyệt, em gái Ba Minh, mang bí số H4; Nguyễn Văn Chí, em trai Ba Minh, không mang bí số; 2 cô giao liên từ căn cứ lên; 1 giao liên ở khu vực cửa ngõ Sài Gòn kiêm nhiệm vụ đưa đón, hộ tống cho T2. Lưới điệp báo hoạt động xoay quanh nguồn tin mật được H3 lấy từ BTTM Quân lực VNCH. Mọi người thề với nhau tuyệt đối trung thành với nhiệm vụ, nếu lỡ bị bắt, bị tra tấn hay thậm chí bị giết hại cũng không khai báo nửa lời. Hai Kim lựa chọn hai khu vực trú thân an toàn ở quận 2 và quận 8, trong đó địa điểm chính là nhà bà Phạm Thị Thương (quận 2) và Nguyễn Thị Bảy (quận 8). Đây là những gia đình làm nghề buôn bán, mở tiệm uốn tóc... nên khách khứa ra vào đông, dễ ngụy trang. Thời gian đầu, hai tháng một lần, rồi mỗi tháng một lần, Hai Kim và Ba Minh bí mật gặp nhau trao đổi tin tức. Về sau, do lượng tin tức nhiều, cứ 5 ngày một lần tin tức của H3 được chuyển tới T2. Bà Hai Kim nhớ lại:
- Tất cả tin tức được H3 chép vào những tờ giấy pơ-luya, gấp nhỏ. Mỗi lần ít nhất anh ấy cũng chép đến 4-5 tờ, có khi gần 10 tờ. Khi tiếp nhận, tôi đem về sàng lọc, lấy những tin tức quan trọng, viết gọn lại chuyển về căn cứ. Mọi tài liệu sau đó phải đốt hết. Những lần H3 đem tài liệu về nhà chép, anh phải lấy chăn màu đen trùm kín người, sử dụng đèn pin ngồi thu lu trong chăn chép cả đêm”.
 |
Bà Hai Kim (thứ hai từ bên phải sang) và đồng đội trong mạng lưới tình báo A3 |
Ròng rã từ mùa thu năm 1973 đến khi đại quân ta tiến công vào giải phóng Sài Gòn, mạng lưới tình báo A3 đã bí mật thu thập và chuyển trót lọt hàng ngàn trang tài liệu chứa những nội dung quan trọng và cực kỳ quan trọng. Một trong những thông tin quan trọng đầu tiên sau khi thiết lập mạng lưới này là thông tin về toán biệt kích được Mỹ đào tạo tung về Việt Nam phá hoại cách mạng. Nhờ đó, chúng ta đã phát hiện, bắt gọn. A3 đã sao chép được những thông tin mang tầm chiến lược như: Kế hoạch hoạt động của Hải quân Quân lực VNCH giai đoạn 1974–1975, kế hoạch Quân đội Sài Gòn tiến hành “triệt hạ các vùng lõm của Cộng sản”, thư của Văn phòng tùy viên quân sự Mỹ (DAO) gửi BTTM quân đội Sài Gòn về kế hoạch sử dụng viện trợ quân sự của Mỹ, người Mỹ trả lời về việc Mỹ không thể cho máy bay can thiệp theo đề nghị của VNCH khi Bắc Việt giải phóng hoàn toàn Phước Long; thông tin về việc năm 1974, VNCH không thể có đủ lính quân dịch trên 1 triệu quân theo kế hoạch vì mức độ viện trợ của Mỹ giảm sút.
H3 và T2 hẹn gặp nhau không theo một quy luật nào. Khi thì ở quán nước, khi thì H3 đóng vai anh lính chạy xe kiếm thêm thu nhập. Những lần không thể gặp trực tiếp, H3 sử dụng em trai, em gái đưa tài liệu cho T2. Mọi việc diễn ra rất khẩn trương, nóng bỏng... Bằng tài ngụy trang khéo léo, Hai Kim đã che giấu bản thân một cách ngoạn mục, giữ vững đường dây liên lạc, bảo đảm an toàn, bí mật đến phút chót. Đến đầu năm 1975, thông tin từ A3 cho thấy Mỹ không thể can thiệp, viện trợ để cứu nguy cho quân đội Sài Gòn trong bất cứ tình huống nào... Đó là những thông tin mang tầm chiến lược hết sức quan trọng, kết hợp với các nguồn tin tình báo khác giúp Trung ương Đảng, Bộ Chính trị hạ quyết tâm và lên phương án cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Khoảng lặng sau những chiến công
Sau ngày đất nước thống nhất một thời gian, Đại úy Hai Kim chuyển ngành sang công tác ở Ban tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày chồng bà tiễn vợ tập kết ra Bắc cũng là lần vợ chồng gần nhau cuối cùng. Năm 1966, chồng bà hy sinh, mãi đến sau này mới tìm được phần mộ. Giờ đây sống trong một căn nhà nhỏ ở một con hẻm chật chội trong một thành phố đông dân nhất cả nước, nhưng không gian trong căn nhà ấy, với bà vẫn quá rộng. Bà sống một cuộc sống an lành, bình dị của một đảng viên, cán bộ hưu trí với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Tiễn chúng tôi ra về, bà nắm tay cười hiền hậu:
- Tui già rồi, chẳng có đòi hỏi, kiến nghị gì cho riêng mình. Tui cảm thấy hạnh phúc khi mình đã góp công sức nhỏ bé vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ. Được các cấp các ngành và anh chị em đồng chí đồng đội thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, vậy là tui vui lắm...
Phan Tùng Sơn