QĐND - Tôi gặp anh giữa thành phố Ninh Bình, ở Bệnh viện Quân y 5 (Cục Hậu cần, Quân khu 3) nơi anh đang giữ cương vị đầu tàu chèo lái. Người Giám đốc Bệnh viện, Đại tá, Tiến sĩ trước mặt tôi có nước da trắng trẻo, ánh mắt sáng và nụ cười hiền hậu. Anh tên Nguyễn Vân Giang, tên con sông đã đi vào nhạc, vào họa, vào thi ca sử sách, nơi để mỗi người con Ninh Bình xa quê nhắc đến như một niềm nhớ, niềm tự hào về mảnh đất cố đô ngàn năm. Gật đầu chào tôi cùng với nụ cười, anh vội cất tấm Bằng khen của Bộ tư lệnh Quân khu tặng trong phong trào “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” mà anh vừa nhận thưởng. Chúc mừng anh với bảng thành tích cá nhân ngày một dày thêm, tôi được anh chia sẻ: “Thành tích của tôi ngày hôm nay có được là do sự ủng hộ và tinh thần làm việc không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ trong bệnh viện. Những người lính Bệnh viện Quân y 5 luôn tâm niệm, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng không ngừng nỗ lực, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đem cả tâm, trí và lực để phục vụ quân và dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận. Từ suy nghĩ đó, ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn ở bệnh viện, chúng tôi còn đến với nhân dân những vùng sâu, vùng xa để khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí. Những chuyến đi ấy, chúng tôi được sống trong tình cảm quân dân cá nước, được mang hết sức mình chăm lo cho sức khỏe nhân dân… Đó là niềm hạnh phúc dung dị nhưng vô cùng thiêng liêng với những người lính khoác áo blu trắng”.
Nhấp ngụm trà thơm, thong thả trong nhịp câu chuyện, tôi được hiểu hơn về chặng đường binh nghiệp của anh. Anh sinh ra ở mảnh đất Gia Phú, Gia Viễn, Ninh Bình, nơi cách nhà tôi chỉ mấy cánh đồng. Thời thơ ấu của anh gắn với triền đê Hoàng Long, nơi bao lần bị cắt khúc bởi bom đạn kẻ thù, quanh anh nhiều người ở thế hệ cha, chú đã lên đường tòng quân chiến đấu. Nhiều người trở về làng với hình hài không trọn vẹn, nhiều người đã nằm lại mãi mãi nơi chiến trường, chứng kiến điều đó, anh muốn cầm súng giáp mặt quân thù. Nghiệp lính và nghề y đến với anh từ ước mơ thời còn thơ bé đó.
 |
Đại tá Nguyễn Vân Giang tặng quà thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên (Hà Nam). |
Thông minh từ nhỏ, anh thi đỗ Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy và tiếp đó là Học viện Quân y là điều mọi người không quá bất ngờ. Học hệ dài hạn bác sĩ đa khoa, Nguyễn Vân Giang kiên trì, chịu khó để thực hiện bằng được ước mơ của đời mình. Ra trường năm 1987, anh được điều động về Trung đoàn 159, Mặt trận 779, Quân khu 7 và nhận nhiệm vụ chiến đấu ở Cam-pu-chia. Từ nhà trường đến chiến trường là cả một chặng đường đầy gian khó, nhưng với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, bác sĩ trẻ Nguyễn Vân Giang đã cho thấy sự chín chắn về tay nghề. Ngoài làm tốt nhiệm vụ cứu chữa đồng đội, anh còn chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cách ăn ở hợp sinh hoạt cho nhân dân bằng vốn tiếng bản địa ngày càng tốt của mình. Hơn 2 năm cùng đơn vị diệt quân Pôn Pốt, anh cùng đơn vị về Việt Nam, đóng quân ở huyện biên giới Mộc Hóa, tỉnh Long An, đến tháng 9-1991, anh ra Bắc nhận công tác tại khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Quân y 5. Chưa đầy năm công tác tại khoa, anh được chỉ huy bệnh viện tin tưởng, giao nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho quân và dân trên đảo Cô Tô. Sau một năm sống và làm việc nơi đầu sóng, anh trở về lại đại bản doanh của Bệnh viện Quân y 5 ở thành phố Ninh Bình, sau đó học cao học, phát triển lên chủ nhiệm khoa, Phó giám đốc rồi Giám đốc Bệnh viện.
Bản lĩnh người lính từng qua chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ ở cả biên giới và hải đảo xa xôi luôn được anh phát huy. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở bệnh viện, anh đã mày mò, nghiên cứu cho ra những đề tài, sáng kiến rất hữu ích, chính vì thế mà anh đã từng hai lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen lao động, sáng tạo. Là giám đốc của một bệnh viện tuyến cuối của quân khu, anh luôn lăn mình vào công việc, không kể sáng-tối, đêm-ngày. Nhìn anh khám, chữa bệnh, nghe cách anh gieo thêm ý chí chiến đấu với bệnh tật cho các thương binh, bệnh binh và nhân dân đến điều trị bệnh, đội ngũ y sĩ, bác sĩ bệnh viện luôn thấy nể phục và đó là tấm gương sáng cả về tài và tâm để noi theo.
Bài và ảnh: TRẦN NGỌC