Tuy nhiên, sau đó biết địch đã phát hiện và chuẩn bị tổ chức đi càn nên lớp học phải sơ tán về lại Thường Tín. Do đêm tối, lại gặp giông bão, chiếc thuyền chở số chiến sĩ cách mạng này bị đắm, khiến 17 người tử nạn, nhiều ngày sau mới tìm thấy thi thể. Từ sau năm 1954, đã có 3 trong số 17 người tử nạn được công nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công. Những trường hợp còn lại, mặc dù gia đình và địa phương, cụ thể là các xã Thống Nhất, Tô Hiệu đều thuộc huyện Thường Tín, đã nhiều lần hoàn thiện hồ sơ đề nghị các cấp suy tôn liệt sĩ nhưng chưa có kết quả.

Sau khi báo đăng, đông đảo bạn đọc đã viết thư, gọi điện về tòa soạn bày tỏ sự quan tâm và đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xem xét, giải quyết những vấn đề đặt ra từ bài viết.

Vừa qua, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về sự việc này. Ông Đào Ngọc Lợi cho biết, cơ quan chức năng đã nhận được hồ sơ của UBND TP Hà Nội đề nghị công nhận liệt sĩ cho các trường hợp gặp nạn trong vụ đắm đò nói trên. Gần đây, tại phiên họp Chính phủ do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì đã kết luận các trường hợp trên chưa đủ cơ sở đề nghị công nhận liệt sĩ. Tại Công văn số 677/LĐTBXH-NCC của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi UBND TP Hà Nội cũng dẫn quy định về trường hợp được công nhận liệt sĩ trong Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ. Đó là “những người trực tiếp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá, tải đạn, cứu thương, tải thương, bảo đảm thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp bảo đảm chiến đấu hoặc với những trường hợp hy sinh khi dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh”. “Các trường hợp chết do đắm đò trên đường đi dự tập huấn trở về địa phương không phù hợp với quy định trước đây cũng như quy định hiện hành về “trường hợp hy sinh”. Do đó không đủ cơ sở đề nghị công nhận liệt sĩ” (trích Công văn số 677/LĐTBXH-NCC).

SKNC