Chúng tôi tìm về Khu dân cư Nội (KDC) giữa những ngày hè nắng như đổ lửa. Khi chúng tôi đến nơi, bà con KDC Nội đã tập trung rất đông ở nhà văn hóa KDC. Những nhân chứng trực tiếp tham gia trận chiến đấu năm xưa nay đã qua tuổi 80, nhưng hầu hết còn minh mẫn. Qua lời kể của họ, những ngày tháng đấu tranh kiên gan nơi vùng địch hậu của nhân dân nơi đây hiện lên rõ ràng, chi tiết.

Ký ức máu đào   

Trong kháng chiến chống Pháp, xã Tân Dân gồm có 9 thôn, nằm ở phía đông nam huyện Chí Linh. Bao bọc 3 mặt bắc, đông, tây của xã là sông Kinh Thầy và sông Thiên rất thuận lợi cho giao thông đường thủy. Hệ thống đường bộ nơi đây cũng thuận tiện cho giao thương và buôn bán, nối liền các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, như bao vùng quê khác, người dân xã Tân Dân cũng phải sống trong sự đàn áp, kìm kẹp của địch.

Ở Chí Linh, chúng tiến hành các cuộc càn lớn để dồn dân, lập tề, xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc, lấn chiếm các vùng tự do theo kiểu “vết dầu loang”. Đến đầu năm 1950, xung quanh xã Tân Dân đều có đồn, bốt địch. Chuyện thực dân Pháp tổ chức các cuộc càn vào làng đánh phá, cướp bóc, bắt lính, dồn dân xảy ra như cơm bữa. Không nao núng, bộ đội và du kích xã đã tổ chức phục kích, đào hầm chông, chôn mìn trên đường, phối hợp nhiều trận chống càn gây cho địch những tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, để bảo vệ vòng trong, địch vẫn liều lĩnh tổ chức các cuộc càn quét vào các thôn hòng “cất vó” lực lượng ta. “Thời điểm ấy, phong trào du kích tại địa phương diễn ra rất sôi nổi. Cùng với luyện tập quân sự, bộ đội và du kích thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, học tập chính trị, làm tốt công tác tư tưởng, giữ vững hoạt động ở vùng địch hậu”, ông Nguyễn Văn Duy, 97 tuổi, một du kích của xã Tân Dân thời kỳ đó nhớ lại.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Duy (bên trái) trên con đường nơi giặc Pháp tiến vào thôn Nội trong trận đánh ngày 21-1-1953.  

Ngày 21-1-1953, tại thôn Nội diễn ra Hội nghị tập huấn về phong trào chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích. Tham dự hội nghị có hai trung đội của Đại đội 911 và những du kích tiêu biểu của huyện, tổng số là 140 đồng chí. Hội nghị đang diễn ra thì đồng chí Hãn, du kích thôn, đi chợ về qua bốt Thiên vào báo địch đang tập trung rất đông. Ngay lập tức, đồng chí Cương, Chính trị viên Đại đội 911 đã tổ chức họp tổ Đảng để bàn bạc kế hoạch chống càn. “Buổi sáng hôm ấy, cuộc họp diễn ra tại nhà bà Trân. Tôi và những đảng viên cốt cán trong thôn được trực tiếp nghe đồng chí Cương phổ biến tình hình. Nhà tôi, vì có hai anh em cùng tham gia du kích (em trai ông là Nguyễn Văn Hinh, Tiểu đội phó du kích thôn-PV), tôi cũng không có vũ khí nên được lệnh rút theo bà con”, ông Nguyễn Văn Duy kể tiếp.

Trận đánh nổ ra vào lúc 15 giờ. Khoảng 250 tên từ bốt Thiên chia làm hai mũi đồng loạt đánh vào phía bắc và đông thôn Nội. Nhiều nhân chứng kể lại, ngoài bộ binh yểm trợ, địch còn sử dụng phi pháo ở đồn Phả Lại, bốt Linh Khê, cầu Thiên và hai máy bay quần thảo suốt mấy tiếng đồng hồ. Do ta có sự chuẩn bị từ trước nên khi địch tiến đến đầu thôn đã bị bộ đội, du kích phát hiện chặn đánh. Ông Nguyễn Văn Hãn, 83 tuổi, du kích thôn Nội nhớ lại: “Lúc ấy, tôi mới 15 tuổi, được giao nhiệm vụ gác ở đầu làng. Khi phát hiện địch vào làng, tôi hô to: “Nhà nào có trâu thả ra đồng ăn hết lúa rồi” rồi chạy về vị trí phục kích. Tinh thần chiến đấu của chúng tôi khi đó rất cao. Chúng tôi xác định không ai được lùi bước và thống nhất với nhau “mỗi viên đạn đổi lấy một quân thù, cách địch 15m mới được bắn”. Tổ của chúng tôi được bố trí tập kích trên đường địch đi vào thôn. Tôi nấp tại ao cạn nước bên đường, gần khu vực hội trường nhà văn hóa thôn bây giờ, chờ tên quan ba và lính đến gần thì bắn. Thấy tên quan ba và một tên vệ binh bị bắn chết ngay, địch chạy dạt ra chỗ cổng làng”.

Về diễn biến trận đánh, trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Dân” (1930-1995) xuất bản năm 1997 có ghi như sau: “Đến 17 giờ, chúng vào được thôn Nội. Một cuộc chiến đấu giáp lá cà diễn ra rất ác liệt giữa ta và địch... Mặc dù quân ta chiến đấu rất dũng cảm, nhiều đồng chí đã lăn xả vào địch để diệt chúng, nhưng do lực lượng quá chênh lệch, ta bị tổn thất lớn, hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh...”.

“Tôi được giao một khẩu súng trường cùng hai đồng chí nữa cố thủ ở nhà ông Tổng Tễu. Vừa nổ súng, một đồng chí đã bị trúng đạn địch hy sinh ngay. Còn tôi bị ngã vào bụi dứa nên chứng kiến chi tiết sự việc!”, ông Nguyễn Văn Tùng, 88 tuổi, nguyên chiến sĩ Đại đội 911, tham gia trận đánh kể lại. Sau khi vào được làng, địch ra sức đốt phá. Chúng đốt nhà ông Chanh, ông Xê, giành giật với ta từng căn nhà, ngõ xóm. Bộ đội và du kích cố thủ trong các nhà bắn ra. Nhưng do lực lượng không cân sức, cuối cùng ta phải cụm lại tại nhà ông Sàng. Cuộc chiến giáp lá cà diễn ra hết sức quyết liệt. Hết đạn, súng được vứt xuống ao để tránh bị địch tịch thu, các chiến sĩ ta đập vỡ vỏ chai dùng làm vũ khí đánh giặc. Không vào được nhà, chúng phải dùng súng cối bắn từ nhà ông Thiệu ở đối diện sang. Khi không còn thấy lực lượng ta chống trả, chúng mới dám vào nhà ông Sàng. 20 giờ hôm đó, địch mới rút về bốt Thiên, bỏ lại 68 xác chết của đồng bọn.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Văn Tùng (thứ hai, từ trái sang) kể lại kỷ niệm chiến đấu tại thôn Nội năm xưa. Ảnh: NGUYÊN VŨ

Mong mỏi một tấm bia ghi dấu lịch sử

Cho đến bây giờ, ấn tượng về hàng chục người đổ gục tại sân nhà ông Sàng tối 21-1-1953 vẫn còn lưu lại trong tâm trí ông Nguyễn Văn Duy. Sau khi vào được nhà ông Sàng, địch bắt chiến sĩ ta xếp hàng trước sân rồi bắn từng người một. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đại đội 911, trong đó có Chính trị viên Cương, hai du kích thôn Nội và nhiều du kích ở các xã lân cận về họp đã anh dũng hy sinh. Trong những người bị địch bắn hôm đó có em trai ông là Nguyễn Văn Hinh. Anh Hinh mới cưới vợ được 21 ngày, hằng ngày thường cùng chị dâu (tức vợ ông Duy) gánh muối, dầu đi chợ bán. Nhưng hôm ấy, ông nhất quyết không đi “vì có nhiệm vụ ở làng”. Là một người rất gan dạ, dũng cảm, ông Hinh đã cùng ông Duy chiến đấu hàng chục trận diệt đồn bốt, phục kích quân địch.

Người thứ hai của thôn Nội hy sinh là du kích Trần Văn Việt. Chia sẻ về cha mình, ông Trần Văn Vinh cho biết: “Khi cha hy sinh, tôi mới hơn 1 tuổi. Lớn lên, được nghe người thân kể về trận đánh và sự hy sinh của cha, tôi thấy rất cảm phục, tự hào. Tôi mong muốn trong thôn có một nơi để thắp hương tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc”.

Cùng tâm nguyện với ông Vinh, nhiều người dân KDC Nội bày tỏ mong muốn có một nơi tưởng niệm, tri ân những liệt sĩ đã hy sinh trong trận chống càn năm xưa. Dẫn chúng tôi đi thăm địa điểm chiến đấu năm xưa, ông Nguyễn Văn Bổng, người dân KDC Nội nói: “Hiện nay, nơi diễn ra trận đánh chỉ còn là khu đất trống, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để xây dựng bia di tích tưởng niệm các liệt sĩ”.

Theo ông Nguyễn Xuân Sắc, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Dân: Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đại diện cho chính quyền xã đi thu thập các tư liệu để hoàn thành cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Dân” (1930-1995), ông đã được nghe nhiều nhân chứng lịch sử kể lại trận đánh ác liệt nhất của xã thời kỳ đó. Ông cũng như nhiều người dân mong muốn nơi đây được xây dựng bia di tích ghi dấu tấm gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội và du kích. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Dân thì chia sẻ với chúng tôi về mong muốn phối hợp với các cấp, ngành chức năng để tìm tư liệu, căn cứ xác thực minh chứng về trận đánh ngày 21-1-1953. Từ đó có cơ sở để đề xuất chính quyền tỉnh, thành phố công nhận, vinh danh những tấm gương chiến đấu dũng cảm, quên mình vì Tổ quốc tại thôn Nội năm xưa.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Dân” (1930-1995).

Qua tìm hiểu câu chuyện lịch sử trên đây, chúng tôi rất đồng cảm với nguyện vọng của cán bộ, nhân dân địa phương và đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND TP Chí Linh. Lắng nghe tâm tư của nhân dân phường Tân Dân, ông Nguyễn Văn Kiên rất đồng tình và khẳng định: “Nếu có đủ căn cứ, sự công nhận của các cơ quan chức năng, tới đây, thành phố sẽ tổ chức hội thảo về sự kiện lịch sử trên. Trên cơ sở đó, xây dựng hồ sơ chi tiết, tiến hành các thủ tục cần thiết để xây dựng bia di tích”. Kết quả ra sao, Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

THU THỦY - TUẤN VŨ