Việc xuất hiện các loại “nhà” tự xưng và được các thế lực thù địch tự phong cho nhau chính là cách chúng dựng lên tấm bình phong háo danh, tạo giá trị ảo để phỉnh nịnh nhau, lòe bịp dư luận. Luận điệu của các “nhà” này sặc mùi thù địch, cấu kết xuyên tạc, bôi đen tình hình đất nước, kích động hận thù, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đi ngược lại chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta...

Loạn danh, ngoa ngôn, kích động thù hận

Vào mùa xuân hằng năm, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và đông đảo kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới lại cùng hòa chung niềm vui hướng về “ngày hội non sông”, kỷ niệm ngày đất nước thống nhất. Mùa xuân năm nay, hào khí non sông được bồi đắp, tỏa sáng thêm nhờ sự cộng hưởng của các sự kiện chính trị-văn hóa lớn, đặc biệt là thành công rất tốt đẹp của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nâng uy tín, vị thế của đất nước và của Đảng ta lên một tầm cao mới trong môi trường hội nhập quốc tế. Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2021) cũng là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước trên thế giới đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, chuẩn bị thật tốt và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phòng, chống dịch Covid-19 thành công, khôi phục, phát triển đời sống kinh tế-xã hội...

Tuy nhiên, một bộ phận cá biệt người Việt Nam ở nước ngoài mang tư tưởng cực đoan, hận thù lại nhân cơ hội này tiếp tục cấu kết với một số đối tượng trong nước đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tư tưởng thù địch, kích động, xuyên tạc chống phá. Trên một số kênh truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và một số mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết, hình ảnh, video clip được thực hiện dưới dạng phỏng vấn trực tuyến, bàn tròn, bình luận về cái gọi là “tháng tư đen”, “ngày quốc hận”... Bám vào những diễn biến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội trong nước sau Đại hội XIII của Đảng, chúng lồng ghép các nội dung giữa cũ và mới, giữa lịch sử với đời sống đương đại, giữa tình hình trong nước với khu vực và thế giới theo kiểu cắt xén, gán ghép, bóp méo, bôi đen... để xuyên tạc, kích động hận thù dân tộc. Thậm chí, một số đối tượng còn lấy chuyện đảo chính tại Myanmar để liên hệ, mong muốn tình trạng tương tự xảy ra ở nước ta nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ miệng lưỡi của những “nhà” tự xưng, những luận điệu xuyên tạc, ngụy tạo có kẻ mớm người cung, có kẻ tung người hứng, thật mà giả, giả mà như thật... nhằm gây nhiễu thông tin, đánh lừa, dẫn dắt dư luận.

Đất nước đã thống nhất 46 năm. Hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi kiều bào là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Thế nên những luận điệu lạc lõng về cái gọi là “ngày quốc hận”, “tháng tư đen”... nhằm kêu gọi, tập hợp lực lượng để “chuyển lửa về quốc nội”, kêu gọi biểu tình, bạo loạn, lật đổ... thực sự rất cá biệt và lạc lõng. Việc tuyên truyền, kích động thông qua miệng lưỡi của các “nhà” tự xưng và tự phong kiểu như “nhà nghiên cứu”, “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh”, “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà phản biện”... là biểu hiện của thói loạn ngôn, ngoa ngôn. Những chiêu bài này đã xuất hiện từ lâu và cứ đến dịp tháng 4 hằng năm thì “bổn cũ soạn lại”. Bên cạnh những thứ “nhà” đã nhàm tai dư luận như đã nêu trên, thời gian gần đây, bám vào một số điểm “nóng” về giải quyết tranh chấp đất đai và tình hình an ninh trật tự, môi trường, chúng còn ký sinh vào một số hoạt động của các tổ chức phi chính phủ để đẻ thêm danh xưng một số “nhà” mà thoạt nghe đã thấy sặc mùi phỉnh nịnh, bốc thơm nhau. Đó là “nhà hoạt động môi trường”, “nhà bảo vệ dân oan”, “nhà đấu tranh vì công lý”...

Sau khi không ít đối tượng nằm trong nhóm các “nhà” này bị cơ quan điều tra các cấp khởi tố, bắt tạm giam vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 109, Bộ luật Hình sự thì dư luận mới vỡ lẽ, các “nhà” ấy chỉ là thứ danh ảo. Đặc tính chung của các loại “nhà” này là bất mãn, vụ lợi, cực đoan, hiếu thắng. Đáng chú ý, bên cạnh những đối tượng từng ít nhiều có chút tiếng tăm, công trạng, vì bất mãn mà sinh ra công thần, trở mặt, suy thoái... là sự xuất hiện của một số “nhà” trẻ tuổi. Đây là những đối tượng có chút ít kiến thức nhưng non kém bản lĩnh, mơ hồ về lập trường nên đã bị các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, lợi dụng, làm quân cờ cho chúng sai khiến.

Đấu tranh thức tỉnh những cái đầu mông muội

Trước những phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch thông qua hoạt động của các loại “nhà” tự phong, một số ý kiến cho rằng, đó là những âm thanh lạc lõng trong dàn đồng ca, không đáng để quan tâm. Chúng ta không cần phải đôi co, tranh luận, bởi với không ít đối tượng, việc tranh luận không những không mang lại kết quả mà còn giúp chúng có cơ hội đánh bóng tên tuổi, thu hút sự chú ý của công luận, tạo điều kiện cho đối tượng kinh doanh bằng chiêu trò trên không gian mạng.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, nhất là trên không gian mạng, chúng ta không thể im lặng, bàng quan trước những âm mưu, hành động lợi dụng tự do ngôn luận để bóng gió, ám chỉ “thọc gậy bánh xe”, “đâm bị thóc, chọc bị gạo”. Sự im lặng, bàng quan đồng nghĩa với việc tạo môi trường cho cái xấu độc sinh sôi, phát triển, nguy hại khôn lường. Với tinh thần lấy xây để chống, việc tuyên truyền lẽ phải, đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc, ngả nghiêng, dao động về tư tưởng là vô cùng cần thiết, là trách nhiệm, bổn phận của cán bộ, đảng viên và mỗi công dân. Chúng ta không cần phải đôi co theo kiểu đốp chát, “ăn miếng trả miếng” trên mạng xã hội, mà cái chính là đấu tranh để trường lẽ phải trở thành dòng chủ lưu, thức tỉnh những cái đầu đã và đang bị âm u, mê muội.

GS, TS, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Trần Đông A, một tấm gương điển hình về thúc đẩy hòa hợp dân tộc, từng có những năm tháng phục vụ trong ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975, cho rằng: Đất nước thống nhất đã 46 năm nhưng tư tưởng thù địch vẫn còn nặng nề trong một bộ phận người Việt Nam ở hải ngoại. Nó là thứ đã ăn sâu bám rễ bởi khi trong đầu bố mẹ, ông bà mang nặng tư tưởng thù hận thì con cháu của họ ở mức độ nào đó sẽ bị ảnh hưởng. Đây chính là môi trường để các thế lực thù địch lợi dụng, gieo rắc tư tưởng chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong đời sống kiều bào, cấu kết với các đối tượng bất mãn, cực đoan, cấp tiến trong nước tạo nên ma trận nội công, ngoại kích trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.

Việc tạo nên những kênh thông tin, tương tác lành mạnh, mang tinh thần xây dựng giữa đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, nhất là trên mạng xã hội, chính là cách để giúp một bộ phận lớp trẻ kiều bào có tư tưởng cực đoan thay đổi quan niệm, đổi mới tư duy, điều chỉnh hành vi ứng xử với quê hương, cội rễ của mình. Đây là việc làm đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết, bắt đầu từ sợi dây liên kết giữa người trong và ngoài nước, đánh thức nền nếp gia phong, củng cố nền tảng văn hóa phong tục yêu nước thương nòi từ mỗi gia đình, dòng họ. Còn đối với những kẻ rắp tâm phá hoại đất nước, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì nhất định phải xử lý kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật. Việc cơ quan điều tra các cấp khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thời gian qua đã thể hiện rõ tinh thần ấy. Chỉ vì hám lợi trước những đồng tiền tội lỗi do các tổ chức phản động mua chuộc mà một số bạn trẻ đã tự hủy hoại tương lai, sự nghiệp của mình, trở thành những kẻ phản bội đất nước, quê hương, bị pháp luật trừng trị. Đây là bài học đắt giá cho những đối tượng đang có biểu hiện dao động, ngả nghiêng, đi theo vết xe đổ của những kẻ phạm tội. Đừng mơ hồ, ảo tưởng với những danh xưng tự phong, đừng lóa mắt bởi những đồng tiền dơ bẩn. Phía sau miệng lưỡi của cái gọi là các “nhà” ấy là vực thẳm được tạo ra từ chính sự mơ hồ, ảo tưởng của bản thân và bàn tay đạo diễn của các thế lực thù địch.

Box: Việc tạo nên những kênh thông tin, tương tác lành mạnh, mang tinh thần xây dựng giữa đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, nhất là trên mạng xã hội, chính là cách để giúp một bộ phận lớp trẻ kiều bào có tư tưởng cực đoan thay đổi quan niệm, đổi mới tư duy, điều chỉnh hành vi ứng xử với quê hương, cội rễ của mình.

LỮ NGÀN