“Cái nhìn mới” chỉ là chiêu trò nhào nặn thông tin cũ từ các công trình nghiên cứu của các sử gia nước ngoài, hoặc những “nhân chứng” trong nước từng là tay sai của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Một trong những “cái nhìn mới” được họ khuếch trương trên các diễn đàn là quan điểm của Trần Trọng Kim trong hồi ký “Một cơn gió bụi”. Trần Trọng Kim vốn là “Thủ tướng” của cái gọi là “Đế quốc Việt Nam”, thực chất là chính phủ bù nhìn, tay sai của phát xít Nhật dựng lên từ tháng 4 đến tháng 8-1945. Là một tên tay sai bù nhìn, nhưng Trần Trọng Kim đã viết hồi ký kể lại về 4 tháng nỗ lực “đem lại nền độc lập” cho Việt Nam từ “thiện chí” của phát xít Nhật. Trần Trọng Kim còn ra sức kể công mình đã nỗ lực thuyết phục Bảo Đại chấp nhận thoái vị, nhường quyền quản lý đất nước cho Việt Minh. Mặc dù thừa nhận sức mạnh to lớn của Việt Minh (vì không thể nói khác) và vai trò không thể phủ nhận được của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhưng bằng giọng điệu “cáo già” của một tên tay sai cho phát xít, lại vốn là một học giả, Trần Trọng Kim đã xuyên tạc rất thâm độc về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, xuyên tạc bản chất cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/ Nguồn:chinhphu.vn

Tiến sĩ Phan Sỹ Phúc (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) nhận định: Dù trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau, có tài liệu từ trong nước, có tài liệu ở nước ngoài, nhưng những quan điểm sai trái về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9 do các thế lực thù địch với Việt Nam tung ra trong thời gian gần đây tựu trung lại là: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự "ăn may" của thời thế, khi phát xít Nhật thất bại, đầu hàng Đồng minh, rệu rã hàng ngũ trong khi lực lượng Đồng minh vào giải giáp quân Nhật chưa tới. Một số khác thì cho rằng, ở Việt Nam lúc đó xuất hiện “khoảng trống quyền lực” nên Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Mặt trận Việt Minh thừa cơ “cướp” được chính quyền đang “trống ghế”. Từ đó, họ dẫn dắt, xuyên tạc các vấn đề khác có liên quan, như: Đảng Cộng sản Việt Nam thực ra chẳng có hoạt động lãnh đạo nào; lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang không có vai trò gì trong Cách mạng Tháng Tám; những dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời cơ khởi nghĩa chỉ là sự tuyên truyền “thần thánh hóa” của Đảng ta...

Có thể thấy, cái gọi là “cái nhìn mới” của các thế lực thù địch thực ra không có gì mới. Vẫn là những luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận tính chất cách mạng triệt để của Cách mạng Tháng Tám. Một số quan điểm, góc nhìn trích dẫn từ các công trình nghiên cứu của sử gia nước ngoài thực ra cũng không mới. Đó là những kết quả nghiên cứu từ thế kỷ trước, khi mà những người nghiên cứu chỉ được tiếp xúc với những nguồn tài liệu không đầy đủ, lại bị ý thức hệ tư sản của thời kỳ Chiến tranh lạnh chi phối; các tác giả lúc đó lại không có điều kiện vào chứng kiến và khảo sát thực tiễn Việt Nam nên dù có cố tỏ ra khách quan thì cũng không thể nào phản ánh đúng về tính chất sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cùng với đó, những người trích dẫn với tâm địa đen tối lại cố tình xuyên tạc, cắt xén hòng dẫn dụ bạn đọc đến chỗ hoang mang, nghi ngờ các tài liệu lịch sử chính thống; phủ nhận những giá trị, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đương thời, nhà cách mạng lão thành, Giáo sư sử học Trần Văn Giàu (1911-2010) đã nhận xét: “Có người hoặc thiếu hiểu biết lịch sử, hoặc có dụng ý xuyên tạc lịch sử, cho rằng năm 1945, Việt Minh gặp một cái may hiếm có là Pháp thì bị Nhật lật đổ, rồi Nhật thì lại bị Đồng minh đánh bại, tình hình chính trị giống như một trái chín cây đang rơi, Việt Minh mau tay, lẹ chân chìa ra hứng trái đang rơi chớ chẳng có tài ba, công trạng gì. Trái lại, người hiểu biết một chút lịch sử cận-hiện đại Việt Nam biết rằng ở xứ ta, trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, chỉ có hai đảng cách mạng, Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản chủ trương giành độc lập dân tộc bằng khởi nghĩa vũ trang. Nhưng Quốc dân đảng chết sớm từ năm 1930 sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Sau Yên Bái, ngoài Đảng Cộng sản không còn đảng nào chủ trương cách mạng. Từ năm đầu thành lập (1930), Đảng Cộng sản đã ghi công khai chương trình hành động của mình là sẽ nhân thời cơ chiến tranh đế quốc làm cách mạng giải phóng dân tộc... “Nhất hô bá ứng” là kỳ lạ đối với những ai không ở trong phong trào, còn “nhất hô bá thiên vạn ứng” là chuyện dễ hiểu đối với những ai biết rằng Đảng Cộng sản đã từ năm 1930 liên tục chuẩn bị không mỏi mệt cho ngày tháng tổng khởi nghĩa”.

Về luận điệu của Trần Trọng Kim trong hồi ký “Một cơn gió bụi”, theo ông Phạm Khắc Hòe (1901-1995), nguyên Đổng lý Ngự tiền văn phòng của triều Nguyễn, trong hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” đã viết: "Rõ ràng là Trần Trọng Kim đã hạ quyết tâm phục vụ quan thầy Nhật đến cùng... Ngày 17-8 (năm 1945-PV), Chính phủ họp. Ông Trần Đình Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu: "Toàn dân thắt chặt đoàn kết chung quanh tổ chức mạnh nhất, hăng hái nhất, tức là Việt Minh, làm cho nước ngoài không thể giở thủ đoạn "chia để trị" ra được nữa. Vậy, tôi đề nghị chúng ta rút lui ngay, nhường hẳn quyền bính cho Việt Minh. Theo tôi nghĩ thì cả Hoàng đế cũng nên rút lui". Câu nói này làm cho Trần Trọng Kim nhảy dựng người lên, nghiêm khắc lên án Trần Đình Nam dám đòi nhà vua bỏ ngôi báu. Một cuộc tranh luận sôi nổi dấy lên. Các bộ trưởng có thiện chí đều xin từ chức. Chính phủ Trần Trọng Kim không thể tồn tại được. Ông Trần Trọng Kim có muốn duy trì nó cũng không được. Ông đành ấm ức chấp nhận thực tế phũ phàng chứ không phải tự nguyện nhường quyền cho Việt Minh. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, đầy hy sinh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Pháp, Nhật và tay sai, chứ đâu phải là một chính phủ chuyển tiếp êm thấm. Càng không phải là nhờ thiện chí của ông Thủ tướng Trần Trọng Kim!”.

Những luận điệu được xem là “cái nhìn mới” về Cách mạng Tháng Tám, dù có trích dẫn từ tài liệu nào cũng không thể phủ nhận được rằng, Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thành công triệt để; là quá trình chuẩn bị gian khổ, lâu dài, liên tục của Đảng và nhân dân Việt Nam, nên khi nổ ra đã thành công nhanh gọn phi thường trên toàn quốc. Đó thực sự là “ngày hội của quần chúng”, được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với sự chủ động và sáng suốt vô song. Trong điều kiện liên lạc vô cùng khó khăn, lệnh Tổng khởi nghĩa chưa về đến Hà Nội thì Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội đã bám chắc vào Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng ban hành từ tháng 3-1945 để chủ trương khởi nghĩa kịp thời. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội vô cùng sáng tạo ở chỗ đã biết vận động, vô hiệu hóa quân đội phát xít Nhật để chúng không can thiệp vào công cuộc giành chính quyền về tay nhân dân, tránh phải đối đầu với một lực lượng quân đội nhà nghề hùng mạnh, nhờ đó mà khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công mà không phải đổ máu. Cách mạng thành công ở Hà Nội có sức cổ vũ lớn lao, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta, lật đổ mọi xích xiềng của đế quốc, phong kiến. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(*).

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là trang sử vàng chói lọi của dân tộc, xua tan những tâm địa đen tối và bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong 76 năm qua và mãi mãi về sau.

HỒNG HẢI

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.25