Cuối năm 1953, vào khoảng giữa tháng 11, đồng chí Thư ký tòa soạn Hồ Dưỡng cùng một vài lãnh đạo Ban Tuyên huấn khu được cử ra Việt Bắc để tham quan cải cách ruộng đất hay nghiên cứu kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, báo chí gì đó. Chỉ còn hơn một tháng rưỡi nữa là đến Tết Giáp Ngọ 1954. Chúng tôi hỏi đồng chí Hồ Dưỡng nên chuẩn bị số báo Tết sắp tới như thế nào. Vốn có tính cẩn trọng, anh suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời chậm rãi: “Nếu có thư chúc Tết của Bác Hồ thì đăng toàn văn lên trang nhất là đủ. Còn nội dung bên trong cứ chuẩn bị như bình thường”. Thấy chúng tôi hơi ngơ ngác, anh giải thích: “Với cách mạng chúng ta, những kỷ niệm lớn như Ngày thành lập Đảng, Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9... mới thật sự là những ngày lễ lớn. Còn Tết ta, Tết âm lịch, chừng nào đó vẫn là cái tết có tính chất phong kiến, làm vừa phải thôi”.

leftcenterrightdel

Nhà báo Hà Đăng (thứ hai, từ phải sang) và các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khai trương Chương trình Video-Audio của Báo Quân đội nhân dân, tháng 6-2019. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Tôi rất băn khoăn, thầm nghĩ, phải chăng anh ấy vừa dự lớp chỉnh huấn do Liên khu ủy mở, được rèn luyện về lập trường giai cấp cho nên mới nói như thế? Dẫu sao đó vẫn là ý kiến của thủ trưởng, cần phải chấp hành nghiêm chỉnh. Mấy anh em trong tòa soạn cũng bàn bạc và phân công mỗi người viết một bài. Về sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, giảm tô, giảm tức; về tình hình quân sự; có cả bình luận về tình hình quốc tế nữa… Độ một tuần, việc chuẩn bị đã xong. Chúng tôi gửi toàn bộ bản thảo lên Thường vụ Liên khu ủy duyệt. Do đồng chí Trần Tống, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy, Trưởng ban Tuyên huấn khu đang trên đường ra Bắc nên đồng chí Bùi San, Phó bí thư Liên khu ủy trực tiếp duyệt.

Tưởng có thể kê gối ngủ yên, nào ngờ, bản thảo vừa gửi buổi sáng, buổi chiều đã được thủ trưởng gọi đến cho ý kiến. Chắc có chuyện chẳng lành gì đây.

Tôi vừa đến nơi thì đồng chí Bùi San đã mời ngồi bên bàn làm việc và nói ngay:

- Nếu đây là một số báo thường, các anh cứ lấy về dùng. Còn nếu là số báo Tết thì tôi chẳng thấy có gì là Tết cả!

Tôi liền thưa lại với đồng chí toàn bộ ý kiến anh Hồ Dưỡng đã dặn lại trước khi lên đường ra Bắc. Đồng chí Bùi San bỗng nghiêm sắc mặt và giọng nói có phần gay gắt:

- Phong kiến à. Tại sao Tết lại là phong kiến?

Rồi đồng chí Bùi San gặng hỏi tôi:

- Thế Tết năm nay ông có định về quê ăn Tết không?

Từ anh hay đồng chí chuyển sang ông là nghiêm trọng lắm rồi. Tôi biết nhưng vẫn bình tĩnh:

- Thưa đồng chí, có. Chúng tôi định sau khi chuẩn bị xong số báo Tết này, anh em sẽ chia nhau về.

Đồng chí dịu giọng:

- Thế đấy! Ai trong chúng ta cũng vậy, cứ mỗi lần Tết đến đều muốn được về nhà. Ai bận việc cơ quan thì việc ăn Tết cũng được tổ chức tại cơ quan. Tết là truyền thống, là tinh hoa của dân tộc. Nếu Tết là phong kiến thì sao năm nào Bác Hồ cũng có thư chúc Tết? Tại sao cả dân tộc ta ai cũng hào hứng đón mừng? Chỉ có điều là cách đón Tết sao cho phù hợp, không rườm rà, tốn kém, cần tiết kiệm, chống lãng phí và có nhiều trò chơi vui vẻ. Tết là văn hóa đấy!

Rồi đồng chí an ủi: Thôi, anh về nói lại tinh thần tôi đã nói về Tết, cùng anh em trong tòa soạn chuẩn bị cho báo có sắc màu và hấp dẫn hơn.

Để xoay chuyển tình thế, chúng tôi nháo nhào đi mời một số nhà văn, nhà thơ tham gia viết. Nhưng đã muộn quá rồi, ít người cộng tác. Dẫu sao, chúng tôi cũng chạy được, hoặc tự mình xoay xở để có một vài bài văn, bài thơ có sắc xuân, cả câu đối nữa.

leftcenterrightdel
 

Rất tiếc, Báo Nhân Dân Liên khu 5 số Tết năm đó có phần nghèo nàn, không gây được ấn tượng gì mấy. Vì báo phải ra trước Tết nên không đăng được thư chúc Tết của Bác Hồ. Thật đáng buồn. Nhưng cũng có điều đáng mừng là chúng tôi đã được một bài học để đời về cách làm báo Tết.

Đêm Giao thừa, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi nghe được bài thơ chúc Tết của Bác:

Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,

- Cải cách ruộng đất là công việc rất to.

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn,

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.

Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông

Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều.

Ra Giêng được ít lâu thì Chiến dịch Điện Biên Phủ mở. Ở Liên khu 5, quân dân ta tiến lên đập tan chiến dịch Át-lăng của địch nhằm lấn chiếm vùng tự do của ta. Tháng 5-1954, ta thắng lớn ở Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

Năm 1955, tôi tập kết ra Bắc. Được điều về nhận công tác ở Báo Nhân Dân Trung ương. Anh Hồ Dưỡng đã về đó trước tôi, đang là Trưởng ban Thống nhất của báo. Hai anh em gặp nhau, hàn huyên câu chuyện, tôi có nhắc đến bài học làm báo Tết năm 1953, anh cười trừ.

Hơn 30 năm sau, năm 1987, tôi làm Tổng biên tập Báo Nhân Dân, anh, thủ trưởng cũ, nay lại làm phó của tôi. Anh đã giúp chỉ đạo xây dựng thành công nhiều số báo Tết. Chúng tôi không bao giờ quên bài học làm báo Tết ở Báo Nhân Dân Liên khu 5 năm xưa.

Về đồng chí Bùi San, xin nói thêm một chút: Đồng chí là nhà hoạt động cách mạng lão thành, từng là đại biểu tham dự Đại hội Tân Trào, cũng từng là người cầm bút viết Báo Tiếng Dân, gần gũi với cụ Huỳnh Thúc Kháng, điều mà hồi làm Báo Nhân Dân Liên khu 5 tôi không hề biết.

Tết Canh Tý 2020

 

Nhà báo HÀ ĐĂNG