Sau gần 3 năm dừng bút vì đau ốm, tôi có bài viết đầu tiên đăng trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng số đặc biệt kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Xuân này, nhớ lại kỷ niệm với vợ chồng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch với những chi tiết mới, tôi hy vọng bài viết về tình yêu đẹp ấy đăng trong số báo Xuân Canh Tý 2020 sẽ được bạn đọc yêu thích.

Hôm ấy, chị Phúc-vợ cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, đưa tôi vào phòng khách của gia đình. Trước khi đến thăm chị, tôi hình dung một phòng khách sang trọng với những đồ đạc, nội thất cầu kỳ, đắt tiền. Tôi bất ngờ khi được vào một phòng khách giản dị, ấm cúng nhưng rất đẹp. Quen nhau từ khi còn rất trẻ, tôi và chị Phúc cùng ở Đội Thanh niên Hoàng Diệu thời kỳ đầu khởi nghĩa. Nhưng rồi do hoàn cảnh, mỗi người một lĩnh vực công tác, rất bận nên cũng ít gặp nhau. Nụ cười thật đẹp của người phụ nữ một thời hoa khôi Hà Nội, chị mơ màng nhắc lại chuyện ngày xưa:

- Mình sống với gia đình bên nội ở Thái Hà ấp, gặp anh Thạch lần đầu tiên trong cuộc họp ở nhà chú mình. Hồi ấy, anh Thạch làm Bí thư cho anh Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Mình 18 tuổi, là Bí thư Phụ nữ cứu quốc Hoàng Diệu khu Hoàn Kiếm.

- Anh Thạch đẹp trai thế, chắc cậu yêu ngay lần gặp đầu tiên?

Chị Phúc tủm tỉm cười:

- Lúc gặp mình, anh ấy vừa ở tù ra, trông gầy, xanh chứ không đẹp như sau này đâu. Anh ấy tham gia cách mạng năm 1936, bị Pháp bắt khi mới 17 tuổi. Anh bị kết án 5 năm tù khổ sai ở Sơn La. Anh Thạch tốt nghiệp thành chung ở Nam Định nên nói tiếng Pháp rất giỏi. Sau khi ra tù, tổ chức đưa anh về làm Bí thư cho anh Giáp. Câu chuyện của bọn mình lúc đầu thật buồn cười. Tổ chức định giới thiệu chị Bắc, bạn thân của mình cho anh Nguyễn Văn Trân (sau này là Bí thư Thành ủy Hà Nội). Chị Bắc nói khi nào Phúc lấy chồng, tôi mới đi lấy chồng. Thế là anh Trân giới thiệu anh Thạch cho mình. Thật lòng lúc đầu gặp mình không ưng lắm. Tuy nhiên, sau nhiều lần gặp gỡ, mình thấy nói chuyện với anh Thạch rất hợp. Càng ngày mình càng thấy mến anh ấy. Rồi mình yêu anh ấy lúc nào không biết. Cho nên mình nhận lời khi anh ấy đặt vấn đề.

Chị Phúc thong thả rót nước cho tôi, rồi kể về đám cưới của mình:

- Đầu năm 1947, gia đình mình sơ tán về thị xã Sơn Tây. Pháp chiếm Hà Nội và đánh ra các vùng lân cận. Nhiều gia đình có con gái lớn lo sợ. Mọi người khuyên cha mình: “Con gái lớn như vậy nên gả chồng cho nó đi, không nhỡ xảy ra chuyện gì lại ân hận”. Thế là bố mình đành phải đồng ý cho bọn mình tổ chức lễ cưới. Cưới buổi sáng thì buổi chiều, chú rể lên đường làm nhiệm vụ ngay. Vợ chồng chưa ở với nhau ngày nào đã chia tay. Mười ngày sau, anh Thạch mới về đón mình lên Việt Bắc. Tuần trăng mật của chúng mình là ban ngày tránh máy bay, ban đêm luồn rừng, lội suối.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và vợ Phan Thị Phúc. Ảnh tư liệu

Năm 1947, chị Phúc vào quân đội. Cơ quan anh chị cách nhau mấy chục cây số. Khi mang bầu, chị về Vĩnh Yên sinh con. Anh Thạch làm Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương đóng ở Tuyên Quang. Suốt thời gian chống Pháp, anh chị sống xa nhau. Mỗi tối nghe xa xa tiếng vó ngựa, chị lại hy vọng anh về nhưng nhiều khi lại là tiếng vó ngựa của chồng các cô bạn sống trong khu. Chỉ khi hòa bình lập lại, chị Phúc sang Ấn Độ với tư cách là phu nhân của Tổng lãnh sự Việt Nam, anh chị mới có được thời gian dài sống bên nhau.

Lần đầu tiên ra nước ngoài, chị rất bỡ ngỡ. Bài học ngoại giao đầu tiên của vợ chồng Tổng lãnh sự Việt Nam là tập cầm dao, dĩa để ăn theo đúng lễ nghi. Một lần, Đại sứ Pháp mời anh chị dùng bữa. Họ mang ra món thứ nhất. Không biết dùng dao, dĩa, anh Thạch tìm cách “hoãn binh”: “Tôi không ăn đâu”. Đại sứ Pháp ngạc nhiên: “Tôi chỉ có hai món để mời ông thôi”. Thấy anh Thạch không ăn, chị Phúc cũng không ăn. Anh chị quan sát Đại sứ Pháp ăn món thứ nhất rồi vui vẻ dùng món thứ hai. Trong kháng chiến, anh chị được phát quân phục giản dị theo mùa đông, hè. Sang Ấn Độ, anh chị phải chú ý ăn mặc theo lễ nghi ngoại giao: Comple, áo dài, giày da... Những việc tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả với cán bộ kháng chiến. Môi trường ngoại giao thật xa lạ với chị Phúc. Với vốn kiến thức tiếng Pháp và tiếng Anh của một nữ sinh Hà Nội, chị Phúc cố gắng học hỏi để làm tròn nhiệm vụ phức tạp của một phu nhân Tổng lãnh sự. Chị tranh thủ học thêm tiếng Anh cùng anh Thạch. Anh học về chính trị, ngoại giao, chị học về giao tiếp. Do có điều kiện tiếp xúc đời thường, chị Phúc biết nhiều từ tiếng Anh thông dụng. Trong các buổi chiêu đãi, có lúc anh Thạch phải quay sang hỏi vợ con cá này, con lươn nọ tiếng Anh là gì? Các nhà ngoại giao xung quanh cười, nói đùa: “Bà ấy là gia sư của ông à?”.

Thời gian này, chị Phúc đang mang thai con trai thứ ba. Vừa có con nhỏ, vừa mang bầu, chị rất vất vả. Thông cảm với chị, dù rất bận công việc, anh Thạch vẫn dành thời gian làm việc nhà, trông con và chăm sóc vợ.

Suốt thời gian chiến tranh chống Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tham gia vào các cuộc đàm phán trên mặt trận ngoại giao. Anh có nhiều sáng kiến, chuẩn bị tốt những phương án đấu tranh cho các cuộc họp hai bên và bốn bên khi mở cục diện “đánh và đàm”. Các đồng nghiệp gọi anh là “Pele” trong Hội nghị Paris kéo dài 5 năm. Thời kỳ anh Thạch đi Hội nghị Paris 1968-1973 cũng là thời kỳ Mỹ ném bom ác liệt Hà Nội. Anh Thạch viết thư cho chị: “Em thay anh làm công việc cả của bố và mẹ, giáo dục, động viên các con học tập, rèn luyện để phục vụ đất nước. Anh bận quá, hay đi công tác xa, em giúp anh. Anh làm được việc, một phần là vì em đã lo toan cho anh mọi việc gia đình, con cái, anh an tâm”.

Hồi ấy, chị Phúc là Chủ nhiệm Khoa Dược, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-CHDC Đức. Chị liên tục được công nhận là Chiến sĩ thi đua của bệnh viện. Vừa công tác, chị Phúc vừa lo nuôi dạy các con ở nơi sơ tán. Sau kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù đã ở tuổi 50, chị Phúc vẫn tiếp tục đi học trường ngoại giao. Từ đây, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có thêm một đồng nghiệp tin cậy, thân thiết để trao đổi công việc. Con gái đầu của anh chị, Tiến sĩ Vật lý Lan Phương cũng trở thành nhà ngoại giao có tài dưới sự dìu dắt của bố. Chị từng là Bí thư thứ ba đại diện nước ta ở Tây Đức, sau làm Vụ trưởng Vụ Tây Bắc Âu. Con trai út Phạm Bình Minh của anh chị đang đương nhiệm là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Trong 40 năm gắn bó với ngành ngoại giao, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một trong những người có công xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao tài giỏi để chuẩn bị cho sự hòa nhập của Việt Nam với thế giới. Trong thời gian khó khăn của ngành ngoại giao, bên cạnh những cộng sự tâm huyết, bộ trưởng còn có sự ủng hộ, trợ giúp của người vợ, người bạn đồng nghiệp. Năm ấy, sau khi đi mổ tim ở Pháp về, anh Thạch lại phải vào bệnh viện. Chị Phúc túc trực bên giường bệnh của anh. Biết chắc anh không thể qua khỏi, chị rất đau lòng. Nhưng để giấu anh, chị luôn phải tươi cười, vui vẻ trước mặt anh. Anh Thạch biết rõ bệnh của mình, tưởng chị không biết nên cũng giấu. Trước lúc đi xa, do bệnh nặng, anh Thạch không nói được. Anh chỉ nắm tay chị và hôn nhiều lần lên tay vợ như một lời cảm ơn và vĩnh biệt...

Nhà văn NGUYỆT TÚ