Năm 1975, sau khi đất nước vừa thống nhất, ông Nguyễn Văn Ninh (lúc bấy giờ là Phó trưởng phòng Quân binh chủng, Cục Tác chiến) là một trong những cán bộ đầu tiên của cục được cử ra Trường Sa nghiên cứu, tiếp quản và giải quyết các vấn đề biển, đảo. Suốt 15 năm (1975-1990), máu, mồ hôi, nước mắt của ông cùng đồng đội đã hòa với cát trắng và sóng gió Trường Sa.

Tay run run chỉ tấm ảnh đã phai màu trên trang báo được ông cắt dán trong cuốn nhật ký, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói: “Là tôi đấy, hơn 40 năm rồi. Lính Trường Sa truyền tai nhau, đi biển say sóng chỉ ăn cháo loãng nên bụng teo, má hóp, nhưng tôi thì ngược lại, chả say sóng bao giờ. Vậy mà có lần tôi bị ho ra máu vì làm việc quá sức”. Những năm ở đảo, ông rất thấm thía nỗi nhọc nhằn, vất vả của bộ đội. Khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Rau xanh là thứ rất xa xỉ. Bộ đội thường ăn tảo biển cho đỡ xót ruột. Nhưng khó khăn nhất là nước ngọt... Theo ông Ninh, đời sống của anh em ở nhà giàn DK1 cũng gian khổ không kém. Anh em nhà giàn thường bám trụ trên biển cả năm, thậm chí vài năm mới được vào đất liền. “Thời gian đầu mới xây dựng, khoa học công nghệ chưa tiến bộ như bây giờ, gặp bão lớn là nhà giàn khó đứng vững, đe dọa tới tính mạng của anh em. Nguy hiểm là thế nhưng anh em vẫn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh tâm sự.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể chuyện Tết ở Trường Sa. Ảnh: PHẠM KIÊN

Cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp Đại tướng Lê Đức Anh (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và đoàn công tác trên đảo Trường Sa, ông Ninh xúc động nhớ lại lễ tuyên thệ nhân kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân diễn ra vào ngày 7-5-1988. Sáng hôm ấy, trên đảo Trường Sa, khi tất cả hàng ngũ chỉnh tề, giây phút trang nghiêm, Đại tướng Lê Đức Anh đọc lời thề. Từng câu, từng lời của Đại tướng được ông Ninh ghi lại trong cuốn nhật ký của mình: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa-một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

15 năm, mỗi năm Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh ra đảo từ 3 đến 4 lần nhưng với ông những chuyến tàu ra khơi ngày Tết thăm cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa luôn chất chứa nhiều cảm xúc. Ông Ninh nhớ mãi cái Tết đầu tiên của mình cùng đón xuân với cán bộ và chiến sĩ đảo Song Tử Tây. Chiều Ba mươi Tết, anh em trên đảo tất bật chuẩn bị gói bánh chưng. Bánh chưng ở đảo rất đặc biệt, bên trong là lá dong cho xanh bánh, bên ngoài là lá bàng quả vuông vì lá dong ở đất liền mang ra không đủ. Đêm Ba mươi Tết, nồi bánh chưng sôi sùng sục, cán bộ, chiến sĩ quây quần hát ca, chuyện trò rôm rả. Lúc ấy, để biết được thông tin ở đất liền chủ yếu là qua sóng phát thanh từ chiếc đài cassette. Chiếc đài nào bắt tín hiệu tốt nhất sẽ được sử dụng phục vụ đón Giao thừa. Giữa biển khơi, tín hiệu rất chập chờn, lúc được lúc không. Chiến sĩ ta tụm năm tụm bảy, chăm chú, ghé sát tai vào đài. Lúc nào nghe được tiếng nói của đồng bào ta thì cùng hò reo sung sướng. Có đồng chí quê Nghệ An, ra đảo gần 3 năm trời, khi đi vợ vừa mang bầu, từ đó chưa trở về nhà. Nghe được giọng phụ nữ, giọng trẻ con trên đài, đồng chí ấy cứ rưng rưng...

Đêm Giao thừa của bộ đội đảo thường kết thúc rất muộn. Sau khi nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước, cán bộ đảo sẽ đi một vòng kiểm tra và chúc mừng, động viên các đồng chí đang làm nhiệm vụ canh gác. Có lần, gặp một chiến sĩ gương mặt trẻ măng đang gác trong đêm, ông Ninh liền hỏi thăm quê hương và cảm xúc của chàng lính trẻ khi thời khắc Giao thừa đến. “Dạ, cháu quê Hà Tĩnh. Cháu nhớ nhà lắm nhưng cháu hứa với bố mẹ sẽ làm tròn nghĩa vụ người lính đảo”, câu trả lời ấy khiến ông xúc động và nhớ mãi đến tận bây giờ!

THÙY NGÂN