Từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi đây an nghỉ ngàn thu, Vũng Chùa như được tiếp thêm linh khí, trở thành địa chỉ thiêng liêng chạm đến trái tim, cảm xúc của mọi người dân Việt Nam, là nơi mọi tấm lòng thành kính hướng về.
Đất thiêng đón Người về
Vũng Chùa-đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tên gọi Vũng Chùa xuất phát bởi vùng biển nơi đây yên bình như vũng; và từ hàng trăm năm trước, tại đây có một ngôi chùa rất linh thiêng, nhưng qua bao bể dâu nay chỉ còn lại nền móng. Theo “Đại Nam dư địa chí ước biên”, Vũng Chùa là vùng đất có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra Biển Đông thoáng đãng nhưng kín gió. Nơi đây thế núi hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển với đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây-bắc, biển trời hiền hòa.
|
|
Đại tướng về thăm quê nhà tại An Xá, Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, năm 2004. Ảnh: TRẦN HỒNG. |
Có địa thế cong hình cánh quạt, Vũng Chùa được bao bọc bởi các đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (còn có tên là đảo Yến vì trên đảo có nhiều chim yến về làm tổ). Đảo Yến rộng khoảng 10ha, cách bờ 1km, vẻ đẹp hoang sơ như bức bình phong nổi lên giữa biển, giữ Vũng Chùa tránh bão to, gió lớn nên tàu, thuyền thường vào đây neo đậu tránh trú.
Những ngư dân ngàn đời bám biển mưu sinh kể cho nhau nghe những câu chuyện về vùng đất Vũng Chùa kỳ bí. Rằng ngày xưa nơi đây hoang vu, vắng vẻ, được bao bọc bởi rừng cây âm u, rậm rạp, không có dấu chân người.
Vũng Chùa-đảo Yến vẫn “ngủ yên” trong những trang sách và lời kể của các bậc cao niên trong vùng cho đến khi trở thành địa danh gắn với tên tuổi vị tướng của nhân dân: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngày 4-10-2013, trái tim Đại tướng ngừng đập. Di nguyện của Đại tướng là được trở về với quê hương, về với dải đất miền Trung nghèo khó và gian lao. Đại tướng đã chọn Vũng Chùa-đảo Yến-quê mẹ Quảng Bình làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Về đất mẹ như muôn vàn người lính/ Áo vải chân đất đánh giặc ngoại xâm/ Về với những mạch nguồn Người đã thấm/ Điệu hò khoan vượt sóng lưu truyền/ Về với mẹ như thuyền về với bến/ Giản dị vậy thôi, đâu phải thánh thần gì/ Đại tướng của dân-binh nhì của dân, chan hòa tri kỷ/ Cát bụi linh thiêng lấp lánh bên trời… là những câu thơ nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã xúc động viết ngày nhân dân cả nước tiễn đưa Đại tướng về yên nghỉ tại quê mẹ Quảng Bình, trên ngọn núi Thọ thuộc quần thể Vũng Chùa-đảo Yến.
Câu chuyện về những người cận vệ
Sau lễ Quốc tang Đại tướng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thành lập một lực lượng đặc biệt. Đó là Đội công tác bảo vệ Vũng Chùa thuộc Đồn Biên phòng Roòn. Trong ký ức của Thiếu tá Đồng Thanh Hải, nguyên Đội trưởng Đội công tác bảo vệ Vũng Chùa thì những ngày quân, dân Quảng Bình đón Đại tướng về yên nghỉ tại quê nhà là những ngày nước mưa hòa nước mắt. Anh tâm sự: “Chúng tôi nhận tin Đại tướng từ trần khi đang phải đối phó với cơn bão số 10. Xác định vinh dự và trách nhiệm lớn lao trước Đảng, quân đội, nhân dân và gia đình Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
|
|
Vũng Chùa-đảo Yến trở thành điểm dừng chân ý nghĩa của nhân dân cả nước. Ảnh: BÍCH TRANG. |
Đội bảo vệ gồm 34 đồng chí, với ý nghĩa 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Đội công tác thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và hướng dẫn, đón tiếp cán bộ, nhân dân đến thăm viếng, dâng hương khu mộ Đại tướng. 24/24 giờ hằng ngày, trong bất kỳ hoàn cảnh, thời tiết khắc nghiệt nào, các anh vẫn thực hiện nhiệm vụ canh gác, tiêu binh, hướng dẫn đội hình dâng hương bảo đảm trật tự, thống nhất; giúp đỡ các cựu chiến binh, thương binh, người tuổi cao sức yếu từ khắp mọi miền đất nước về thăm viếng Đại tướng. Công tác tiếp đón, hướng dẫn các đoàn, cá nhân đến thăm viếng được thực hiện chặt chẽ, khép kín từ khâu sắp xếp xe vào khu bãi đỗ, thông báo các quy định, nội quy ứng xử, vị trí gửi tài sản, tư trang cá nhân, đăng ký danh sách vào dữ liệu, hướng dẫn đường lên khu mộ bảo đảm trật tự, thống nhất, trang nghiêm.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đội công tác bảo vệ Vũng Chùa, Đồn Biên phòng Roòn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ và nhân dân đến thăm viếng khu mộ Đại tướng về sự tận tình, chu đáo, lịch sự. Đồng thời qua công tác hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ được gần gũi với anh linh Đại tướng, được chứng kiến tình cảm tôn kính, biết ơn sâu nặng của cán bộ, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với Đại tướng.
Tri ân, tưởng nhớ
Hơn 6 năm qua, nơi Đại tướng yên nghỉ bốn mùa thơm ngát hương hoa. Không chỉ vào các dịp lễ, tết mà quanh năm, bất kể mưa nắng, những dòng người về thăm viếng nối nhau không dứt. Trong dòng người đó, có những cựu chiến binh suốt một thời tuổi trẻ theo Đại tướng đánh giặc, giữ nước; có những người vì ngưỡng mộ tài năng và nhân cách đức độ của Đại tướng mà tìm về; có những người dân cả đời lam lũ chưa một lần được nhìn thấy Đại tướng khi còn sống, nay chỉ mong được một lần đến nơi Đại tướng yên nghỉ...
Cứ mỗi lần về thăm chiến trường xưa, cựu chiến binh, thương binh Trần Ngọc Huyên, nguyên chiến sĩ đặc công Mặt trận 44 Quảng Đà, đều ghé Vũng Chùa viếng mộ Đại tướng. Câu chuyện của người cựu chiến binh, thương binh ấy phản ánh phần nào lịch sử đau thương, nhiều hy sinh, mất mát nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, của quân đội. Trong gia đình ông, không chỉ mình ông là người lính trong hàng quân của Đại tướng, đã chiến đấu anh dũng và để lại một phần thân thể nơi chiến trường, mà ông còn hiến dâng người con trai của mình cho Tổ quốc. Người chiến sĩ đặc công năm xưa dạn dày trận mạc, vào sinh ra tử, nay tóc đã bạc, đứng trước mộ Đại tướng không kìm được nỗi xúc động, ông thầm hứa với Đại tướng: “Về với đời thường luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sống giản dị, chân thành, gần gũi, kính trọng nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng đội”.
Với Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân, mỗi lần được về Vũng Chùa, nơi Đại tướng yên nghỉ là ông như được trở về “cõi thiêng”, rất xa xăm mà vô cùng gần gũi. Đại tá Trần Hồng bảo rằng, may mắn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình là được gần gũi Đại tướng. Gia tài của ông là những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi của một vị tướng tài ba, một nhân cách lớn lao. Ông tâm sự: “Nơi yên nghỉ của vị Đại tướng “võ công truyền quốc sử” lại không phải là đền đài, thành quách, mà chỉ là một nấm mộ cỏ mọc xanh nằm trên sườn núi, nhưng đây là nơi mà tấm lòng thành kính của nhân dân mãi mãi hướng về”.
HÀ THU