Ông Nhạ rút từ trong túi áo ra cuốn “Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương” in thạch, nhỏ xíu, trao cho Văn Tiến Dũng cùng lời đề nghị: “Đồng chí hãy đọc nó với tất cả sự nghiêm chỉnh và thực hiện với tất cả tấm lòng mình”. Văn Tiến Dũng cất nhanh cuốn sách vào túi áo ngực. Trái tim ông xao xuyến. Một niềm vui sướng, xúc động thiêng liêng làm ông nghẹn lại...
Đồng chí Văn Tiến Dũng sinh năm 1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm), TP Hà Nội trong một gia đình nghèo. Cha ông làm gác cổng ở nhà thương Phủ Doãn. Mẹ mất sớm, Văn Tiến Dũng phải theo cha vào nội thành Hà Nội ở một thời gian, sau đó quay về làng đi học.
Năm 14 tuổi, cha qua đời, Văn Tiến Dũng phải thôi học, ở nhà giúp anh trai làm may. Là người ham học, ông đã tích cóp tiền, tự mua sách về nhà học vào lúc rảnh rỗi và ban đêm. Một thời gian sau, do công việc buôn bán của anh chị gặp khó khăn, sưu thuế cao, Văn Tiến Dũng xin anh trai vào nội thành Hà Nội kiếm việc làm.
|
|
Giây phút Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp Đại tướng Văn Tiến Dũng sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1975. Ảnh tư liệu. |
Văn Tiến Dũng trải qua công việc ở các xưởng dệt Hàng Đào, sau đó chuyển sang xưởng Đức Xương Long, rồi xưởng Cự Chung. Tại đây, được gặp gỡ trò chuyện với những người có chí hướng cách mạng, được tiếp xúc với những tư tưởng cách mạng tiến bộ, ông đã giác ngộ và tự nguyện đứng vào hàng ngũ cách mạng, bí mật tham gia tổ chức các cuộc bãi công, đưa ra yêu sách tập thể nhằm phản ứng lại sự bóc lột của chủ xưởng đối với anh em lao động.
Tiếp đó, Văn Tiến Dũng chuyển sang làm việc tại xưởng dệt Cự Hiển ở phố Thuốc Bắc. Thời điểm này, Đảng ta đang thực hiện chủ trương tiếp tục đấu tranh đòi thành lập các nghiệp đoàn, dưới danh nghĩa là Hội Ái hữu. Mục tiêu của hội là tăng cường đoàn kết, giáo dục và tổ chức quần chúng công nhân đấu tranh.
Từ khi tham gia Hội Ái hữu với tư cách Thư ký hội, Văn Tiến Dũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với đồng chí Đinh Xuân Nhạ. Đồng chí Nhạ lúc đó là cán bộ của Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Để che mắt kẻ địch, đồng chí mở một cửa hàng sửa xe đạp ở gần Bến Nứa. Đồng chí Nhạ được phân công phụ trách về tổ chức, chuyên đi xây dựng lại và tổ chức mới những chi bộ đảng trong công nhân và người lao động.
Theo quy định của tổ chức, Văn Tiến Dũng nhiều lần tìm gặp đồng chí Nhạ để xin ý kiến về việc tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho hội viên, hoặc bàn về các chủ trương phối hợp đấu tranh giữa các ngành… Vì phải giữ bí mật nên họ không gặp ở nhà riêng mà chủ yếu hẹn nhau lên vườn Bách Thảo, ra hồ Bảy Mẫu hoặc xa hơn nữa như Trầm, Cổ Loa…
Vào một buổi sáng chủ nhật cuối năm 1937, đồng chí Nhạ hẹn gặp Văn Tiến Dũng tại vườn Bách Thảo. Mưa bụi như phấn bay đầy trời. Vườn Bách Thảo vắng vẻ, hai người thong thả đi bên nhau. Họ nói với nhau về phong trào cách mạng, về mơ ước một ngày mai nước nhà độc lập, ấm no. Đột nhiên, đồng chí Nhạ rút từ trong túi áo ra cuốn “Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương” in thạch, nhỏ xíu, trao cho Văn Tiến Dũng cùng lời đề nghị: “Đồng chí hãy đọc nó với tất cả sự nghiêm chỉnh và thực hiện với tất cả tấm lòng mình”. Văn Tiến Dũng cất nhanh cuốn sách vào túi áo ngực. Trái tim ông xao xuyến. Một niềm vui sướng, xúc động thiêng liêng làm ông nghẹn lại...
Hai người tiếp tục đi bên nhau. Sau mấy phút im lặng xúc động, đồng chí Nhạ thay mặt Thành ủy phổ biến nhiệm vụ của người đảng viên và động viên Văn Tiến Dũng tin tưởng, nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Văn Tiến Dũng không bao giờ quên được những lời của đồng chí Nhạ khi nói về cách mạng, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với sự tin tưởng và xúc động. Trong đầu ông thầm nghĩ, con thuyền cách mạng Việt Nam có Đảng lãnh đạo, có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chèo lái, nhất định đi đến bến bờ.
“Lễ” kết nạp đảng viên của đồng chí Văn Tiến Dũng diễn ra giản dị và đặc biệt như thế. Sau này, trong hồi ký của mình, ông viết: “Tôi muốn nói lên tất cả những lời hứa hẹn của mình đối với Đảng… Nhưng tôi vẫn không sao thốt lên được đầy đủ vì quá xúc động”.
Đêm ấy, ông gần như thức trắng. Ông nghĩ, cuộc đời mình đã sang một bước ngoặt. Từ đây, trách nhiệm của ông sẽ nặng nề gấp bội. Một con đường rất rộng lớn nhưng cũng đầy chông gai đang mở ra trước mắt. Sẽ phải có những nỗ lực sao đây? Sẽ phải làm gì nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc?
Ông đã không phụ lòng tin của Đảng. Gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng (ông mất năm 2002), Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nắm giữ nhiều trọng trách, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch quan trọng, đặc biệt, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975 mà ông là Tư lệnh đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau này, Đại tướng Văn Tiến Dũng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Sinh thời, Đại tướng Văn Tiến Dũng là người có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, tâm trong, trí sáng; nghiêm khắc trong công việc nhưng bình dị, khiêm nhường, gần gũi trong đời thường. Ông đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng đồng đội. Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chia sẻ: “Tôi về Tổng cục Chính trị công tác khi Đại tướng Văn Tiến Dũng đã nghỉ hưu. Tuy ít có dịp gặp gỡ nhưng trong tôi, ông luôn là người thủ trưởng, người anh mà tôi nhất mực yêu quý, kính trọng và nể phục. Chuyện về “Lễ kết nạp Đảng” đặc biệt của Đại tướng Văn Tiến Dũng, chính ông đã kể lại cho tôi nghe trong buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ Tổng cục Chính trị nhân dịp đầu xuân. Cũng vào một buổi sáng mưa bụi như bay quấn vào giai điệu bài hát “Đảng là cuộc sống của tôi” vang lên từ chiếc loa truyền thanh. Tôi nhận rõ niềm xúc động trên khuôn mặt và đôi mắt của ông khi nhắc lại kỷ niệm thiêng liêng ấy”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng đã để lại trong Đại tướng Văn Tiến Dũng nhiều kỷ niệm sâu sắc nhưng có lẽ “Lễ kết nạp Đảng” tại vườn Bách Thảo năm 1937 là kỷ niệm đặc biệt khó quên. Ông xem đó như “mùa xuân đầu tiên” của cuộc đời mình. Mùa xuân ấy mở ra cho ông một con đường-con đường đi theo Đảng, đi theo cách mạng...
LÊ MINH SƠN