Nghe tôi trình bày muốn viết một bài báo về bà, bà từ tốn:

- Tất cả hoạt động của tôi được in trong cuốn sách anh đã đọc, có lẽ anh chẳng cần viết thêm nữa. Còn nếu như anh muốn nghe những chuyện cụ thể trong công tác và sinh hoạt của anh em cán bộ và cuộc sống chiến đấu, lao động, sản xuất, ủng hộ cách mạng của nhân dân Rạch Giá trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì cứ hỏi, tôi sẽ trả lời.

Rồi bà nói tiếp:

- Hồi hoạt động, thỉnh thoảng tôi có ghi nhật ký, nhưng rồi bị thất lạc, đến nay chỉ còn một quyển. Tôi đưa anh xem.

Đó là một cuốn sổ bìa các tông màu sẫm được bọc bằng bao ni lông để chống lại ảnh hưởng bởi mưa nắng khắc nghiệt ở miền Tây Nam Bộ. Cuốn nhật ký đã ố vàng theo thời gian. Tôi lật bìa cuốn nhật ký và không khỏi xúc động khi gặp dòng chữ viết bằng mực đỏ: “Hồ Chủ tịch chúc mừng năm mới!” ngay trang đầu tiên. Dưới đó là toàn bộ nội dung thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước của Bác, Xuân Kỷ Dậu 1969, được viết bằng mực xanh với nét chữ nắn nót.

Tôi hỏi bà Điểm:

- Thưa bà, Tết năm nào bà cũng ghi thư chúc Tết của Bác Hồ ạ?

Bà nói:

- Nhiều năm không có điều kiện. Năm 1968, tôi mới dành dụm được ít tiền sinh hoạt phí mua lại cái đài nhỏ để nghe tin tức hằng ngày. Đến Tết Kỷ Dậu 1969, tôi nghĩ mình phải nghe đài để chép thư chúc Tết của Bác Hồ làm phương hướng công tác và tuyên truyền tới nhân dân.

Bà Điểm ngừng nói giây lát, như để hồi tưởng lại kỷ niệm. Tôi giở tiếp nhật ký của bà. Bà ghi: Mới sáng ra mà máy bay trực thăng đã quần thảo, bắn phá ở hướng Đông Yên, Tây Yên. Tụi đế quốc, tay sai thật dã man. Ở nhà một mình, Hg (tên tắt của bà Điểm để giữ bí mật-NV) nhớ lại những ngày Tết tại quê hương, và tự hỏi: Giờ này mẹ ta đang làm gì? Gia đình ra sao? Mấy chị và cháu ta có được vui xuân không? Chắc là nghèo khổ lắm. Ngày ta còn ở nhà, có thêm sức lao động mà còn bữa cháo, bữa rau, ba ngày Tết không có chén cơm ăn cho no bụng, huống gì bây giờ... Tất cả đều do lũ đế quốc Mỹ và bọn tay sai ngoan cố gây nên... Kẻ thù đã làm gia đình ta ly tán, đói nghèo. Kẻ thù đã giết chết anh Tư (anh trai bà Điểm-NV). Con hứa với mẹ, sẽ biến đau thương thành căm thù, thành sức mạnh, góp sức cùng bộ đội, nhân dân tiêu diệt giặc Mỹ và tay sai để sớm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để gia đình ta sum họp (6-2-1969 - tức 20 tháng Chạp).

leftcenterrightdel
Bà Trần Thị Điểm năm 1958.

 

Bà Điểm kể tiếp: “Chiều Ba mươi Tết Kỷ Dậu, anh chị em trong cơ quan tôi nếu không phải trực chiến, ai nhà ở gần thì được tranh thủ về vui Tết với gia đình. Còn tôi chỉ có hai mẹ con, quê thì xa nên đón Tết cùng người dân”.

Gọi là đón Tết nhưng nơi bà công tác là xã Đông Hòa, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), một vùng quê giàu truyền thống cách mạng nhưng rất nghèo. Sau năm 1960, Đông Hòa được giải phóng. Tuy vậy, quân Mỹ-ngụy thỉnh thoảng lại tổ chức càn quét, đốt phá, giết hại dân lành. Rồi máy bay trực thăng Mỹ cũng quần thảo, bắn phá không cho dân yên ổn sản xuất, nên cái nghèo vẫn đeo đẳng. Tết đến, chỉ có một số gia đình gói được mươi chiếc bánh tét, có chút thịt heo, còn cán bộ địa phương thì dường như chẳng có thứ gì ăn khác ngày thường, nghĩa là chỉ cơm rau với mắm. Một vài anh chị em ngày làm việc, đêm đi giăng câu kiếm con cá, con lươn để ăn trong ba ngày Tết. Vì vậy, đối với cán bộ thoát ly thời ấy, Tết tinh thần là chủ yếu nên ai ai cũng háo hức chờ đến Giao thừa để được nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết và nghe tin chiến thắng của quân, dân miền Nam, tin xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

leftcenterrightdel
Trang đầu nhật ký của bà Trần Thị Điểm. Ảnh do nhân vật cung cấp.

 

Để chuẩn bị cho việc chép thư chúc Tết của Bác, chiều Ba mươi Tết, bà Điểm lấy một quyển sổ mới, đổ đầy dầu vào chiếc đèn cá nhân tự tạo, giống như đèn Hoa Kỳ trước đây. Tối đến, hai mẹ con lên giường, giăng màn chống muỗi, bật đài nghe tin tức. Gần Giao thừa, bà thắp đèn lên, lấy ba lô làm bàn, chuẩn bị chép. Khi giọng nói của Bác Hồ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bà xúc động ứa nước mắt.

Bà nghe thư Bác và cẩn thận chép từng câu, từng chữ. Chép xong, bà đọc đi đọc lại cho thật thuộc, rồi mới nằm nghỉ và miên man suy nghĩ. Bác đã 79 tuổi mà vẫn lo cho dân, cho nước, vẫn đau đáu mong ngày Bắc-Nam sum họp. Mình còn trẻ, phải công tác, chiến đấu thế nào để xứng đáng là con cháu của Người. Sáng Mồng Một Tết Kỷ Dậu ấy, trong bữa cơm với gia đình nhà dân cho mẹ con bà Điểm ở nhờ, bà đã nói lại nội dung thư chúc Tết của Bác Hồ để mọi người nghe và khuyên họ nhớ học thuộc 6 câu thơ lục bát mừng xuân của Người: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc-Nam sum họp, Xuân nào vui hơn.

DUY THỦY