Cây bồ đề giờ đây đã mang hình cổ thụ, gốc cây bề thế như cột đình, vươn cành tỏa bóng sum sê. Vị tướng già một thời xông pha trận mạc rưng rưng gọi tên ân nhân trong tiếng nấc nghẹn...

leftcenterrightdel
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bên cội bồ đề.

Tướng quân ngồi bên gốc bồ đề ấy là Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông trở lại mảnh đất Lái Thiêu (Bình Dương) gặp lại đồng đội cũ và tri ân bà má Nam Bộ từng giúp ông và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27, Sư đoàn 320, Quân đoàn 1 tìm con đường nhanh nhất, an toàn nhất từ Lái Thiêu tiến quân vào nội đô giải phóng Sài Gòn đêm 29-4-1975. Bà má ân nhân ấy là Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu). Sau sự kiện đêm 29-4-1975, má Sáu Ngẫu được cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 tôn vinh là “bà má tham mưu”. Tấm bản đồ quý giá và sự chỉ dẫn tận tình của má Sáu Ngẫu giúp Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy Trung đoàn 27 tiến quân vào nội đô Sài Gòn bảo đảm yêu cầu thần tốc, táo bạo, quyết thắng, bảo toàn lực lượng, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng, vừa tránh cho bộ đội khỏi thương vong lớn.

Có mặt cùng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tại buổi họp mặt, tri ân má Sáu Ngẫu còn có đông đảo cựu chiến binh (CCB) trong Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 khu vực phía Nam. Những chiến sĩ trẻ măng, xông pha trận mạc, trước thời khắc quyết định nghe theo lời chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu chọn con đường tắt tiến quân vào Sài Gòn gần 45 năm trước, giờ đây ai nấy đều đã vào ngưỡng “cổ lai hy”.

Khi đông đảo đại biểu đã có mặt tại khoảng sân rộng trước nhà anh Huỳnh Văn Đức, con trai má Sáu Ngẫu, để chuẩn bị cho buổi lễ họp mặt, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đứng lên, với thái độ nghiêm trang, tình cảm, ông nói:

- Tôi đề nghị tất cả các đồng chí, chúng ta cùng ra mộ má Sáu dâng hương, thỉnh anh linh má về đây họp mặt với chúng ta.

Từ nhà anh Đức, chúng tôi men theo con đường nhỏ lúp xúp những đám cây xanh ngằn ngặt đến khu mộ má Sáu. Trời nắng nóng nhưng nơi an nghỉ của “bà má tham mưu” lại rất mát mẻ, khuôn viên được tỏa che bởi những tán lá bồ đề như chiếc ô xanh trên cao. Bầu không khí linh thiêng bao trùm trong khói nhang lan tỏa. Bên cội bồ đề, người Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 năm xưa chắp tay thành kính, giọng rưng rưng:

- Má ơi! Chúng con đã về đây. Đồng đội con ngày ấy, nhiều đồng chí đã đi theo các anh hùng liệt sĩ về thế giới bên kia. Những người còn sống, đến hôm nay lưng cũng đã còng, tóc đã bạc. Trước anh linh của má, chúng con một lần nữa thành kính nhớ ơn má, tưởng nhớ các đồng chí của mình. Quân đội nhân dân Việt Nam, CCB Việt Nam, dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi ơn những bà má Việt Nam can trường, mưu lược, dũng cảm, đã hiến dâng trọn đời mình, hiến dâng cả chồng, con mình cho cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

leftcenterrightdel
Các cựu chiến binh Trung đoàn 27 trở lại mảnh đất nơi có căn nhà của má Sáu Ngẫu năm xưa. Ảnh: ĐỨC TRỌNG

Những CCB Trung đoàn 27 hàng ngũ chỉnh tề, đứng im phăng phắc, thành kính chắp tay trước ngực nhập tâm những lời khấn của Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu. Trong ký ức của các CCB, hình ảnh gương mặt phúc hậu, ánh mắt cương nghị cùng những lời nói ngắn gọn như mệnh lệnh của má Sáu Ngẫu và tấm bản đồ bí mật dưới ánh sáng ngọn đèn dầu năm xưa lại hiện về rõ mồn một như vừa mới đêm qua…

Tâm sự với chúng tôi, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói rằng, sự xuất hiện của má Sáu Ngẫu đêm hôm đó như “vị thần hộ mệnh” của ông và đồng đội. Dọc đường tiến quân từ Bắc vào Nam, vào đến miệt vườn Sông Bé thì trời nhá nhem. Được sự phối hợp của LLVT địa phương, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cho đơn vị ém quân ở một khu rừng cao su cách Lái Thiêu khoảng 3km. Ông nhớ lại:

- Trước khi tiến quân vào Sài Gòn, nhiệm vụ của Trung đoàn 27 là chọc thủng tuyến phòng ngự ở huyện lỵ Lái Thiêu ngay trong đêm 29-4-1975. Đây là tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch ở hướng xa lộ Đại Hàn, Quốc lộ 13 từ Sông Bé vào Sài Gòn. Sau khi ổn định đội hình trú quân tạm thời, tôi trực tiếp chỉ huy lực lượng đi trinh sát. Ám hiệu và mật khẩu để bắt liên lạc với cơ sở cách mạng của ta là miếng vải đỏ trên ngực, hỏi “Hồ Chí Minh”, đáp “muôn năm”. Chúng tôi men theo bìa rừng cao su tiến vào trung tâm huyện lỵ. Đi qua khu nghĩa địa ở ấp Búng, chúng tôi thấy một ngọn đèn leo lét trong căn nhà lá lụp xụp. Linh cảm mách bảo tôi đây chính là một cơ sở của cách mạng. Tôi bố trí lực lượng cảnh giới rồi trực tiếp dẫn theo mấy anh em tiến lại gõ cửa. Bên trong có tiếng người phụ nữ Nam Bộ đã luống tuổi hỏi vọng ra:

- Ai đó?

- Dạ! Bộ đội Cụ Hồ - chúng tôi nói khẽ.

Bà má bước ra mở cửa với thái độ rất thận trọng. Dưới ánh sáng ngọn đèn, má liếc nhanh xuống miếng vải đỏ trước ngực áo chúng tôi rồi nói nhỏ:

- Hồ Chí Minh.

- Muôn năm! - chúng tôi đáp khẽ.

- “Zdô lẹ đi. Má đợi các con lâu rồi”-má nói rồi ngay lập tức kéo nhanh chúng tôi vào nhà. Má vặn to ngọn đèn, lấy ra tấm bản đồ được giấu kỹ trong nhà, trải ra bàn. Tấm bản đồ đã được đánh dấu mũi tên, khoanh tròn ở các vị trí bằng bút chì. Má vừa chỉ dẫn trên bản đồ vừa cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin đặc biệt quan trọng. “Các con phải tấn công ngay khi lực lượng địch chưa kịp ổn định trận địa phòng ngự của lực lượng tăng cường. Càng chậm tiến công, chúng ta càng bất lợi. Các vị trí đóng quân, bố trí hỏa lực của địch đều được má đánh dấu cụ thể trên bản đồ”, má nói.

Thông tin má Sáu Ngẫu cung cấp quý hơn vàng. Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu hội ý nhanh với chính ủy, ban chỉ huy trung đoàn lên phương án chiến đấu ngay. Thay vì đánh từ ngoài vào theo kiểu “bóc hành” như dự định ban đầu, trung đoàn quyết định bí mật thọc sâu vào trung tâm huyện lỵ, đánh úp các trận địa hỏa lực khiến địch không kịp trở tay. Chỉ sau hai giờ nổ súng, Trung đoàn 27 đã làm chủ hoàn toàn huyện lỵ Lái Thiêu. Theo chỉ dẫn của má Sáu, rạng sáng 30-4-1975, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cho đội hình tiến quân thần tốc từ huyện lỵ Lái Thiêu vượt cầu Vĩnh Bình (thay vì cầu Lái Thiêu như dự định ban đầu) vào trung tâm Sài Gòn từ hướng Gò Vấp. “Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo toàn lực lượng của ta, sự giúp đỡ của má Sáu Ngẫu còn bảo đảm cho gần 2.000 sĩ quan, binh lính địch tránh được thương vong. Theo tư vấn của má Sáu, sau khi làm chủ các mục tiêu trọng yếu ở Lái Thiêu, chúng tôi bắc loa kêu gọi sĩ quan, binh lính tại trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương buông súng đầu hàng. Má bảo sắp giải phóng rồi, cần tránh tối đa sự đụng độ, đổ máu không cần thiết. Gần 45 mùa xuân nhìn lại, chúng tôi càng thấm thía ơn nghĩa của má Sáu. Phẩm chất anh hùng, nhân văn của má chính là biểu hiện sinh động tư tưởng hòa hợp dân tộc của Đảng và nhân dân ta”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động tâm sự.

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và đại diện cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 đã trở lại Lái Thiêu thăm má, bày tỏ lòng tri ân của Bộ đội Cụ Hồ đối với má và gia đình. Má Sáu bảo, hạnh phúc lớn nhất của má là đất nước được thống nhất, nhân dân được hưởng cuộc sống hòa bình. Là người Việt Nam, ai cũng phải có bổn phận đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cảm phục tinh thần yêu nước, đức hy sinh và công lao to lớn của má đối với cách mạng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 luôn quý trọng má như bậc sinh thành. Riêng với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, từ ngày ấy đến nay, dù bận bịu công việc đến đâu, ông cũng dành thời gian thăm má và gia đình. Má Sáu rời xa cõi tạm vào cuối năm 1989. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có nghĩa cử như một người con ruột của má, khắc bia đá từ Thanh Hóa đem vào Lái Thiêu cùng gia đình xây mộ cho má. Đầu Xuân 2007, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vào viếng má, trồng trong khuôn viên mộ má Sáu Ngẫu một cây bồ đề và đến nay, cây đã mang hình cổ thụ.

Xuân này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và CCB Trung đoàn 27 sẽ lại về Lái Thiêu, về bên má Sáu Ngẫu. Dòng đời làm các CCB ngày càng già đi nhưng nước mắt tri ân thì lúc nào cũng ấm trong ánh mắt mỗi người…

PHAN TÙNG SƠN