Khám phá một bí sử

Dường như góc nhỏ nào của Sài Gòn cũ cũng ẩn chứa một sử thi nổi bật. Gần Tết, tôi đến tiệm Phở Bình, một trong rất nhiều cửa hàng, quán xá tại quận 3 náo nhiệt. Cố lách qua dòng xe cộ nườm nượp trên đường, tôi bước nhanh vào quán mà không kịp ngước mắt nhìn lên biển hiệu của quán ăn, cũng không nhận thấy tấm bằng xác nhận giá trị lịch sử của di tích treo phía trên các bàn ăn bình dân.

Chợt tôi nghe thấy một người Việt khiêm tốn và lễ độ nói một cách trân trọng rằng tôi vừa bước qua ngưỡng cửa của một công trình lịch sử.

Nửa thế kỷ trước, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân cách mạng, một tâm điểm của trận “địa chấn” tại nội thành Sài Gòn nằm tại đây: Tiệm Phở Bình.

leftcenterrightdel
Tác giả (bên phải) và ông Ngô Văn Lập tại tiệm Phở Bình, phía sau là ảnh các chiến sĩ Đội F100. Ảnh do tác giả cung cấp

Tôi được giới thiệu với anh Ngô Văn Lập, chủ hiệu phở hiện nay, trẻ hơn tôi khoảng chục tuổi. Anh Lập đưa tôi đi một vòng trong không gian của bảo tàng gia đình, chủ đề chiến dịch Mậu Thân lịch sử. Anh Lập cho tôi biết là vào những năm ấy, tiệm phở thuộc sở hữu của cha anh, ông Ngô Toại, và cậu Lập lúc đó ở tuổi học sinh, giúp cha việc bưng đồ ăn cho khách. Nhiều năm liền, ông Toại, một thành viên của Đội F100 biệt động thành, đã tham gia vận chuyển vũ khí vào nội thành. Quán phở cũng là một hầm giấu vũ khí, một trong 13 công trình ngầm tương tự trong nội thành, với các loại vũ khí như B-40, AK-47, súng trường, mìn, thuốc nổ C-4 và đạn dược. Ở tầng trên, khách Việt và Mỹ vẫn ăn phở mà không hay biết gì.

Một vài tuần trước Giao thừa, các hoạt động ngầm ở tiệm phở này được tăng cường. Các chiến sĩ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thâm nhập vào thành phố và tìm đến các địa điểm tập kết như Phở Bình. Ông Lập được huấn luyện để nhận ra “người đàng mình” khi nghe ai đó chợt gọi một món không có trong thực đơn. Nhận được mật khẩu như vậy, cậu bé Lập chỉ đường cho vị thực khách vừa tới lên một cầu thang. Một căn gác nhỏ hẹp đã trở thành nơi trú quân của hơn 100 biệt động thành Sài Gòn.

Trong tiếng pháo Giao thừa, cuộc tổng tiến công và nổi dậy được khởi phát. Các chiến sĩ từng nấp trong tiệm Phở Bình đã tấn công Dinh Độc Lập, đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ. Trong số đó chỉ có 17 người trở về. Phần lớn bị bắt và bị cầm tù, một số đã hy sinh.

Ông Ngô Toại bị bắt và đày đi Côn Đảo với án 20 năm, nhưng được trao trả vào năm 1973. Ông đã từ trần năm 2006 tại nhà riêng, số 7 Lý Chính Thắng…

Tết của hòa bình

Năm 1968 là năm Mậu Thân: Con khỉ cần cù, thông minh, có kế hoạch. Còn năm 2019 là năm Kỷ Hợi: Con lợn dễ gần, thân thiện, hơi ngây thơ. Công nghệ cao là phép thần ở Việt Nam hôm nay, nhưng vào ngày Tết vẫn phải có lễ rước rồng và tục lệ sắm Tết cũng trùng với phong cách của nền kinh tế tiêu dùng: Shopping, shopping, shopping (mua sắm, mua sắm, mua sắm).

Tâm điểm của tất cả sẽ là đường Nguyễn Huệ-trung tâm thương mại dành cho người đi bộ trải dài khoảng nửa dặm từ sông Sài Gòn đến tòa thị chính. Trong một vài ngày, trung tâm TP Hồ Chí Minh được trang trí bằng những chậu mai, đào và tất cả các loại hoa rực rỡ nhất.

Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, ngày Tết không làm việc mà chỉ có nghỉ ngơi, vui chơi. Ý tưởng là tạo một điểm dừng để sắp đặt lại trình tự các công việc, nghỉ ngơi lấy sức để đạt được thịnh vượng trong năm sau.

Vào ngày Tết, hầu như bất kỳ nhà nào, bất kỳ doanh nghiệp tư nhân hay công sở, dù khiêm tốn hay sang trọng, cũng có ít nhất một án thờ chất đầy đồ tế lễ-một kết hợp kỳ lạ của các đồ cúng với các vật phẩm trang trí và cả những hàng tân kỳ, hiện đại. Người Việt cho rằng những vị đã lên thiên đường cũng ước nguyện, ham thích giống như người cõi trần. Cũng có thể ưa đồ ngọt, cũng muốn nhấm nháp chút rượu để say lâng lâng…

Thức ăn, hoa, ảnh người đã khuất, tượng thánh, Phật là những gì tạo nên một bàn thờ gia đình, được duy trì cả năm. Nhưng vào ngày Tết, bàn thờ có thể được trang điểm thêm một vài đồ vật độc đáo, mang ý nghĩa đặc biệt. Tại nhà một người bạn tôi ở Chợ Lớn, bên cạnh khay trái cây gồm các loại hợp thành ngũ quả, chính là biểu tượng ngũ hành trong phong thủy, còn có một đĩa gà luộc. Con gà trống thiến là một biểu tượng của sự thuần khiết và lòng thành kính đối với khẩu vị của tổ tiên. Món gà luộc chấm muối hẳn luôn là món khoái khẩu của cả những người muôn năm cũ lẫn những vị còn ngụ chốn trần ai.

leftcenterrightdel
Fred Abatemarco tại căn cứ Chu Lai năm 1971     

Về thực tiễn, ngày Tết có thể kéo dài hơn một tuần, nhưng ba ngày tân niên có ý nghĩa quan trọng tột bậc. Tết là một ngày lễ tặng quà, giống như lễ Giáng sinh. Nhưng không phải ông già tuyết mà là những con sư tử múa (tục múa lân) và rồng (tục rước rồng) sẽ tới từng nhà để mang lại những điềm lành và đe nẹt, trấn áp những hồn ma xấu.

Có nhiều điều nên và không nên làm trong dịp Tết. Bạn cần phải dọn dẹp nhà của bạn thật sạch sẽ, nếu không có thể 3 vị vua bếp sẽ mang một thông điệp xấu lên trời. Và độc giả phương Tây có biết các vị Táo quân lên chầu thiên đình bằng phương tiện gì không? Họ bay lên bằng những con cá chép màu đỏ. Vì thế, khi bạn nhìn thấy một người Việt thả một con cá trở về với nguồn nước tự nhiên, bạn hiểu rằng người đó vừa tìm cách tạo đà cho một báo cáo thuận với trời về gia cảnh năm vừa rồi, để công việc nội trợ gia đình còn tiếp tục được Ngọc Hoàng phù hộ trong năm mới. Cũng nên khép lại những xích mích cá nhân còn rơi rớt lại của năm vừa qua. Trong ngữ nghĩa này, ngày Tết quả là giống Yom Kippur, ngày lễ Chuộc lỗi của người Do Thái.

Dẹp đi những bộ đồ cũ để còn xúng xính trong tà áo mới vào dịp Tết Nguyên đán. Các trang phục thuần màu trắng hay đen, thường dùng trong thương thảo, làm ăn, ký kết, chắc chắn phải quên đi trong ngày Tết.

Sau đây là một số nguyên tắc. Những người sẽ tới nhà bạn sáng Mồng Một Tết phải là nhân vật quan trọng. Khách xông đất thường phải có lời mời, nếu không có thể xem là bất lịch sự. Khách được chào mừng là những người có danh vọng, có sức khỏe, lương tri, được xem là sẽ mang lại may mắn cho chủ nhân trong năm mới. Còn nếu anh đang mang tai mang tiếng vì chuyện gì đó, hoặc đang ốm thì không nên đi thăm viếng nhà người khác trong dịp này. Nghe quen quen ư? Dĩ nhiên, tục này giống với các phong tục người bước chân vào nhà đầu tiên sau Giao thừa của Anh và Hy Lạp.

Ngày đầu tiên của năm mới âm lịch là dành cho gia đình. Ngày thứ hai bạn bè thăm hỏi nhau. Trong dịp Tết, dòng người xa xứ đổ về quê rất lớn. Bạn tôi, Tom Brogan, cựu chiến binh sư đoàn American ở Việt Nam, dạy các lớp tiếng Anh cho người Việt ở vùng Boston, thường có vài sinh viên không lên lớp trong dịp Tết, vì họ đi một quãng đường dài từ Mỹ về Việt Nam đón Tết. 

Trẻ con, người già là trọng tâm chú ý trong phong tục mừng bằng tiền. Tiền tượng trưng cho may mắn được đựng trong phong bì hồng điều là một món quà truyền thống cho trẻ em. Lời chúc “sống lâu trăm tuổi” là dành cho người già.

Hiện nay, gần một nửa dân số Việt Nam dưới 25 tuổi, gần 70% được sinh ra sau chiến tranh. Các nghi thức ngày Tết của người Việt hôm nay vì thế thể hiện các giá trị của thế hệ hiện tại, thuộc thời đại công nghệ cao. Trên Facebook có những bạn trẻ đăng cả những video với những lời chúc mừng năm mới trên nền nhạc rock’n roll.

Anh bạn của tôi, cựu chiến binh Mỹ Mike Morris viết: “Ngày lễ vui vẻ, nhiều màu sắc, hướng về gia đình này thật không giống với cái Tết Mậu Thân 1968, khi chúng ta lặn lội trong rừng rậm, súng ống đầy mình mà vẫn hoảng hốt, khi chết chóc và hủy diệt là ở khắp nơi quanh chúng ta, chỉ cách một nhịp tim đập. Hòa bình chắc đã dập tắt hỏa ngục chiến tranh. Vì sao sau đó nước Mỹ chúng ta vẫn cứ chọn chiến tranh nhỉ?”.

LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)