Trong câu chuyện thân mật ông kể, ngay từ đầu thập niên 1960, không ít cán bộ ngân hàng, trong đó có ông được giao trọng trách tham gia hoạt động trên một mặt trận mới, thầm lặng. Đó là kiến tạo các kênh tài chính bí mật, xuyên qua nhiều nước, nhiều vùng với đầy rủi ro và nguy hiểm để cung cấp kịp thời số lượng không nhỏ các loại tiền mà chiến trường cần, đất nước cần. Năm 1965, Phó thủ tướng Phạm Hùng phụ trách chi viện miền Nam đề xuất với Bộ Chính trị một quyết định có ý nghĩa lịch sử là lập riêng tại miền Bắc “Quỹ ngoại tệ đặc biệt” lấy từ các nguồn viện trợ quốc tế để trực tiếp chi viện cho miền Nam. Quỹ có mật danh B29. Về hình thức hoạt động công khai, B29 có danh nghĩa Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, còn về điều hành, để bảo đảm tuyệt đối bí mật và an toàn, quỹ hoạt động đơn tuyến. Mọi nguồn thu cũng nằm ngoài ngân sách nhà nước, được tiến hành hạch toán, kế toán riêng, mọi hoạt động thu chi đều có báo cáo định kỳ đơn tuyến cho cấp trên, trực tiếp là Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị (thời điểm này, Phó thủ tướng Phạm Hùng đã vào miền Nam lãnh đạo Trung ương Cục). Biên chế của B29 trong 10 năm (1965-1975) có hơn 10 người. Người trực tiếp điều hành là ông Mai Hữu Ích, ngày ấy là Phó cục trưởng Cục Ngoại hối, đồng thời là ủy viên Ban Viện trợ miền Nam. Vốn của B29 gửi tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đến lượt mình, Vietcombank lại gửi vốn đó ra nước ngoài tại các ngân hàng quốc tế lớn đáng tin cậy.

leftcenterrightdel

Ông Lê Văn Châu. Ảnh: HÀ LINH

Cục phó Mai Hữu Ích vốn là chuyên gia ngoại hối bậc thầy của Ngân hàng Đông Dương trước đây. Ông có mối quan hệ tốt với vị Tổng giám đốc Ngân hàng Trung Quốc (BOC) ở Hồng Công, mở được LC (Letter of credit: Thư tín dụng) giữa ta với BOC và nhiều ngân hàng khác tại đây, đồng thời giúp ta chuyển đổi USD lấy nhiều biệt tệ khác phục vụ chiến trường. Để làm được việc này phải có sự phối hợp thật chính xác giữa 3 trung tâm là BOC Hồng Công (mật danh Anh Bảo)-BOC Quảng Châu (Trung Quốc)-B29. Ông Lê Văn Châu chính là cầu nối điều phối của 3 trung tâm này. Ông kể, dẫu đã tròn nửa thế kỷ trôi qua nhưng vẫn không quên được một sự việc diễn ra vào đúng dịp Tết Kỷ Dậu 1969.

leftcenterrightdel

Một lớp học nghiệp vụ ngân hàng những năm đầu giải phóng. Ảnh tư liệu

Lần ấy, “Anh Bảo” báo cho B29 đến BOC Quảng Châu nhận số tiền 2 triệu USD. Ông Nguyễn Nhật Hồng (còn gọi là Ba Hồng) được giao trọng trách trực tiếp sang nước bạn lĩnh tiền. Theo lịch trình, lĩnh tiền xong, ông lên tàu hỏa Quảng Châu đi Nam Ninh, sau đó đáp máy bay về Hà Nội vào đúng ngày Táo quân chầu trời. Nhưng Ba Hồng đã quá hẹn một cách khó hiểu. Ở nhà vô cùng lo lắng. Hỏi ông Diên, Tổng lãnh sự ta tại Quảng Châu thì được biết chắc chắn Ba Hồng đã nhận tiền lên tàu hỏa rồi, sau đó không thấy liên hệ gì nữa. Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị cũng rất sốt ruột, liên tục điện hỏi lãnh đạo B29. Trong cơ quan phấp phỏng, lo âu trước sự việc người và tiền bặt vô âm tín! Nhiều phỏng đoán được đặt ra. Tình huống xấu nhất, do không đấu tranh được tư tưởng mà người cùng hàng đã “cao chạy xa bay”. Song, tình huống này sớm được loại bỏ, bởi ở B29 ai cũng biết Ba Hồng là con người kiên trung, một lòng một dạ với sự nghiệp cách mạng, không khi nào có biểu hiện vụ lợi riêng tư. Khả năng lớn nhất là Ba Hồng gặp rủi ro nào đó như bị tai nạn bất thường trên đường, hoặc bị cướp giật va li tiền. Một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày... nặng nề trôi qua. Đến ngày thứ bảy, điện từ Lãnh sự quán Quảng Châu: Ông Diên đã liên hệ được với Ba Hồng! Thì ra có một sự cố hy hữu đã xảy ra với ông. Ngày đó, cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đang giai đoạn cao trào, tàu đến gần Nam Ninh thì xảy ra một chuyện không ai lường trước: Hồng vệ binh đại náo, tự ý cắt đầu tàu hỏa khỏi các toa. Hành khách ngơ ngác, không biết chuyện gì đã xảy ra. Rồi người trên các toa bị lùa xuống, phân loại. Ông Ba Hồng có hộ chiếu nước ngoài nên bị dẫn đến một trường trung học bỏ không bên đường sắt. Điện thoại đã bị cắt. Ông Ba Hồng ngồi ôm cái va li trong ngôi trường bỏ hoang, có người gác nghiêm ngặt. Trong lòng như có lửa đốt, ông không sao liên hệ được với bên ngoài. Đến ngày thứ sáu, chợt thấy có người bảo vệ trường đang đi qua cửa, ông liền gọi lại, nói bằng tiếng Trung (ông Ba Hồng có thời gian hoạt động bên nước bạn): “Tôi có việc gấp cần gặp ông tổng lãnh sự Quảng Châu, ông ấy nhờ tôi chuyển thư và một ít quà cho vợ con ở Việt Nam. Trong lúc đế quốc Mỹ đang đánh phá ác liệt miền Bắc thì đối với chúng tôi, thư và quà là hết sức quý giá. Đồng chí cầm thư này chuyển đến Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu giúp tôi”. May mắn làm sao, người lầm lì ấy không nói gì, chỉ gật đầu và thư tay đã sớm chuyển đến ông Diên. Sáng hôm sau ông tổng lãnh sự tới. Trong phòng chỉ có hai người, ông Ba Hồng trịnh trọng nói như thể giao nhiệm vụ cho cấp dưới: “Tôi có trách nhiệm đặc biệt vận chuyển 2 triệu USD trong chiếc va li này. Về nguyên tắc không ai được biết. Nhưng do tình hình đột xuất thế này, tôi buộc phải cho đồng chí biết và đồng chí có trách nhiệm thu xếp để tôi chuyển số tiền về nước, đồng thời phải báo cáo ngay với anh Lê Thanh Nghị”. Ông Diên liền dàn xếp với Hồng vệ binh trong trường cho ông Ba Hồng lên một chuyến tàu khác về Nam Ninh ngay trong ngày hôm đó. Rồi ông Ba Hồng cùng chiếc va li “bất ly thân” lên chuyến máy bay cuối cùng của năm cũ Mậu Thân về đến sân bay Gia Lâm, lúc Hà Nội vừa lên đèn chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao năm mới. Sau chuyện hú vía đó, anh em trong B29 nói đùa: Bây giờ mới thật có “tao ngộ ba Hồng”, ý nói cuộc gặp đầy bất ngờ liên quan đến ba chữ “hồng”: Hồng Công, Hồng vệ binh và Nhật Hồng.

PHẠM QUANG ĐẨU