Bộ đàn đá đầu tiên của Việt Nam được giới nghiên cứu biết đến là bộ Nduk Liêng Krăk, được phát hiện năm 1949 tại Đắc Lắc, gồm 11 thanh, có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm, hiện trưng bày tại Bảo tàng Con người ở Paris (Pháp). Bộ đàn đá thứ hai do một quân nhân Mỹ lấy tại Tây Nguyên vào năm 1956 và mang về trưng bày tại New York. Từ đó đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện khoảng 18 bộ đàn đá cổ và tỉnh Lâm Đồng là nơi phát hiện số lượng đàn đá lớn nhất, chủng loại phong phú nhất.

Năm 1979, bộ đàn đá thứ ba tại Việt Nam được phát hiện gồm 6 thanh, gọi là đàn đá B’lao, do một dòng họ người dân tộc Mạ ở thôn Bù Đơ, xã Lộc Bắc (Bảo Lâm, Lâm Đồng) cất giữ qua 7 đời, tương đương khoảng 200 năm. Ông K’broih, người giữ gìn bộ đàn của dòng họ kể rằng: “Tổ tiên mình-ông K’Siêng-một hôm đi làm rẫy ở núi Pulang, khi chọc lỗ trỉa hạt, tình cờ chạm phải vật cứng, phát tiếng vang rất lạ. Ông đào lên, phát hiện có 6 thanh đá đẹp. 7 đêm sau, ông mơ thấy có 6 người đào đất lập làng bị nhật thực làm cho hóa đá. Giấc mơ được coi là điềm lành của dòng họ. Từ đó, ông K’Siêng mang 6 thanh đá về thờ cúng, coi đó là báu vật của dòng họ và chỉ mang ra gõ vào dịp lễ đâm trâu cúng thần mặt trời. Khi gõ, âm thanh của nó nghe như mưa đá, thác reo, như làn gió thoảng qua rừng già, sóng sánh, vang miết tận trời xanh”.

leftcenterrightdel
Nhạc công Kra Jan Điôn biểu diễn đàn đá.

Năm 1961, Mỹ ném bom xuống thôn Bù Đơ, làng bị cháy, 3 thanh đàn bị vỡ, 3 thanh còn lại bị nóng chảy. Năm 1980, gia đình ông K’broih đồng ý giao cho Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận 3 thanh đàn vỡ và nó được công nhận là “Bộ đàn đá quốc gia”. Sau bộ đàn đá B’lao, trên vùng đất Lâm Đồng, các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều bộ đàn đá khác và câu chuyện kiếm tìm những bộ thạch cầm cổ xưa cũng không kém phần ly kỳ, hấp dẫn.

Năm 2008, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng nhận được tin báo ở huyện Di Linh có người đang lưu giữ những thanh đá cổ rất đẹp. Anh Nguyễn Xuân Dũng, cán bộ bảo tàng, người trực tiếp đi điều tra, thu thập hiện vật kể: “Nhận được tin báo, chúng tôi xuống ngay xã Hòa Nam, huyện Di Linh. Tìm kiếm cả buổi chưa ra tung tích gì, khi vào UBND xã, chúng tôi bất ngờ gặp đồng chí Trọng, công tác tại UBND xã và được biết chính gia đình anh từng sở hữu những thanh đá mà người dân đã kể. Anh Trọng cho biết, năm 2002, bố của anh trong một lần đào hố trồng cây đã phát hiện hàng chục thanh đá rất đẹp, được xếp ngay ngắn ở độ sâu khoảng 1m. Các thanh đá có dáng dài, thân mỏng, độ to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Lúc ấy chẳng ai nghĩ đó là đàn đá hay cổ vật gì nên xếp vào gốc cây. Năm 2005, có người quen ở Bảo Lộc và Vũng Tàu xin mang về… làm cảnh. Chẳng biết bây giờ còn không?"

Đoàn công tác đề nghị cùng anh Trọng liên hệ gia đình người quen ở Bảo Lộc để kiểm tra. Sau nhiều lần liên lạc, họ cũng gặp được anh Ninh-người đang giữ các thanh đàn đá. Anh Ninh sau một hồi đắn đo, chần chừ cũng cho biết là một lần anh lên nhà anh Trọng chơi, thấy những thanh đàn đá quá đẹp nên xin mang về. Vì số lượng lớn nên anh phải chở hai chuyến xe máy mới hết. Nhiều người ở TP Hồ Chí Minh từng lên gạ mua với giá vài chục triệu đồng nhưng anh chưa bán. Khi dẫn khách ra phía sau nhà, đoàn cán bộ kinh ngạc khi thấy hàng chục thanh đá mốc meo đang để trong các bao tải lẫn đống củi cạnh chuồng gà. Tổng cộng có 30 thanh đàn, trong đó có một thanh bị gãy, chỉ còn một nửa. Tất cả các thanh đàn sau đó được đưa về Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng.

Trở về Đà Lạt, mọi người vui mừng xen lẫn lo âu vì chưa thu hồi hết được các thanh đàn đã được phát hiện, điều này sẽ rất khó khăn trong công tác nghiên cứu. Thời gian dài sau đó, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng liên tục đề nghị anh Trọng liên lạc với người quen ở Vũng Tàu với hy vọng tìm ra những thanh đàn còn lại. Tuy nhiên, người quen của gia đình anh Trọng ở Vũng Tàu cho biết, năm 2005, khi vận chuyển các thanh đá từ Lâm Đồng về Vũng Tàu, do tài xế đòi tiền cước cao nên đã xảy ra mâu thuẫn và những thanh đàn đã bị ném xuống đường, gãy hết và họ đã vứt bỏ từ khi ấy.  

Hy vọng tìm kiếm những thanh đàn đá còn lại rơi vào vô vọng. Năm 2009, các thanh đàn lấy từ gia đình anh Ninh được mang đi TP Hồ Chí Minh giám định, nghiên cứu. Kết luận ban đầu cho thấy, đây có thể là bộ sưu tập gồm nhiều bộ đàn đá khác nhau, có niên đại khoảng 2.500-3.000 năm. Nguyên liệu chế tác là đá sừng xám đen, có nhiều bọt khí, lớp patine màu xám xanh, chứa hàm lượng kim loại cao, được ghè đẽo rất công phu nhằm tạo nên những thanh âm trầm, bổng và theo chuẩn tắc âm thanh vô cùng nghiêm ngặt. Tuy nhiên các thanh có âm điệu rất lệch nhau và rất khó để sắp xếp thành các bộ do còn thiếu nhiều thanh đàn khác.

Đầu năm 2010, Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng bất ngờ nhận được tin từ anh Trọng. Anh cho biết đã liên hệ được với người quen ở Vũng Tàu và được biết các thanh đàn trước đây báo bị mất thực ra vẫn còn nguyên vẹn và họ đồng ý trao trả lại bảo tàng cất giữ. Ngay lập tức, bảo tàng cử đoàn cán bộ xuống Vũng Tàu kiểm tra. Anh Thanh-người cất giữ những thanh đàn còn lại cho biết, năm 2005, anh mang các thanh đá từ Lâm Đồng về Vũng Tàu. Anh nghĩ chắc là nó rất giá trị nên đã đào nền nhà lên rồi chôn giấu. Khi được anh Thanh cho xem, mọi người ngỡ ngàng trước số lượng của chúng. Tất cả gồm 16 thanh nguyên vẹn và rất đẹp, lại được đưa về Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, nâng tổng số lượng thanh đàn được phát hiện lên 46.

Tháng 10-2019, gia đình anh Trọng nhặt được một mẩu đá trong vườn nhà. Nghi là một phần của đàn đá nên mang lên bảo tàng giao nộp. Khi ghép vào nửa thanh đá được thu hồi năm 2008 thì vừa khít. Như vậy là sau 10 năm, 47 thanh đàn của 3 bộ đàn đá cổ Tây Nguyên đã “châu về Hợp Phố”. Đây cũng là bộ sưu tập đàn đá có số lượng lớn nhất, đẹp nhất tại Việt Nam từng được phát hiện. Đến nay, tại Lâm Đồng đã phát hiện 5 bộ sưu tập đàn đá cổ với số lượng lên tới 94 thanh.

Sự trở về của đàn đá-một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người cũng giúp đánh thức những giai âm cổ đã từng rơi vào quên lãng. Căn cứ thang âm cùng kỹ thuật chế tác đàn đá của người xưa, các nghệ nhân đã chế tác, phục hồi thành công nhiều bộ đàn đá và sử dụng ngày càng rộng rãi trong các dịp lễ hội của người Tây Nguyên. Từng “phiến đá sầu” ngàn năm ngủ vùi dưới lòng đất, trong dằng dặc lãng quên giờ đang “trở giấc”, cùng với cồng chiêng, đàn tơ-rưng, khèn đinh năm, trống da, tù và, klông-pút… cất lên bản hòa tấu đại ngàn rạo rực, đắm say. 

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG