Giọng Khu 5 nằng nặng (quê ông ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), ông trải lòng về ký ức một thời hoa lửa, những tâm huyết trong công tác hội, cả những trăn trở về quốc kế dân sinh mà ông đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV. Say sưa một hồi, rồi ông khoát tay: “Thôi, để tớ kể các cậu nghe một kỷ niệm chiến trường nhé-trận đánh cụm cao điểm Phu Phựng trên đất bạn Lào, 15 tay súng bọn tớ “chọi” với cả một tiểu đoàn địch mà thắng giòn giã…”.

Phu Phựng như lời Thượng tướng Nguyễn Văn Được nói, là cụm điểm cao gồm 3 mỏm núi phía bắc Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Trước đó, tại đây, địch đưa tiểu đoàn 12.BT quân Vàng Pao chiếm giữ và xây dựng hệ thống công sự kiên cố, bố trí trận địa hỏa lực hỗn hợp mạnh. Phu Phựng là cụm cứ điểm có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc hành quân “Cù kiệt” của địch. Đây là cầu nối giữa lực lượng phỉ ở Bon Lọng với Phu Keng, giữa Cánh Đồng Chum với Noọng Pẹt, chia cắt Đường số 6 với ngã ba Lạt Buộc, tạo thành vành đai bảo vệ phía bắc sở chỉ huy dã chiến của Vàng Pao và cố vấn Mỹ, Thái Lan. Từ Phu Phựng, địch có thể đánh lên phía bắc để tiêu diệt lực lượng du kích, Pathet Lào và ngăn chặn các đợt tiến công từ xa của bộ đội chủ lực; đồng thời chúng có thể tràn xuống Cánh Đồng Chum để vơ vét của cải, dồn dân vào các trại tập trung ở Long Chẹng, Viêng Chăn, Mã Tử…

leftcenterrightdel

Một đơn vị thuộc Sư đoàn 312 đánh chiếm, cắm cờ trên đỉnh Phu Tâng (Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào). Ảnh tư liệu

Lúc này, Nguyễn Văn Được đang là Đại đội trưởng Đại đội 6 (Đại đội Phan Đình Giót anh hùng), Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Đêm 15, rạng sáng 16-11-1969, Đại đội 5 của Tiểu đoàn 2 đã làm chủ hoàn toàn Phu Phựng; Đại đội 6 của Nguyễn Văn Được đã thực hiện tốt nhiệm vụ đón lõng, chặn bắt, tiêu diệt lực lượng địch rút khỏi cụm điểm cao chiến lược này.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Phu Phựng, Đại đội 5 được giao chốt giữ ở đây, lực lượng còn lại của tiểu đoàn được giao đánh cứ điểm Phu Nốc Cốc, nằm sát Đường số 7. Nhận nhiệm vụ mới, đang trên đường đi trinh sát thì đột nhiên Nguyễn Văn Được nhận lệnh của chỉ huy tiểu đoàn: Quay về ngay, nhận nhiệm vụ khác. Thì ra, địch đã tái chiếm Phu Phựng, Đại đội 5 của ta đã bị đánh bật khỏi đây. “Tôi vừa cùng mấy anh em cắt rừng trở về, đang lùa vội bát cơm thì liên lạc tiểu đoàn xuống mời lên gặp chỉ huy. Sau khi thông báo sơ bộ tình hình, cấp trên quyết định giao nhiệm vụ giải tỏa Phu Phựng cho đại đội tôi. Anh Đào Quý Khê, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng cũng dự họp, tỏ vẻ băn khoăn, hỏi thẳng tôi:

- Giao việc giải tỏa Phu Phựng cho đại đội của Được là rất yên tâm. Nhưng yêu cầu của trung đoàn là phải đánh ngay, đánh khi địch chưa đứng vững mới chắc thắng, trong khi đa phần lực lượng của Đại đội 6 đang đi đón lõng, làm sao điều về kịp?

Đã trù tính tới phương án này nên tôi bình tĩnh, tự tin trả lời:

- Cảm ơn các anh đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho chúng tôi. Tôi nhận lệnh và cho đánh ngay.

- Quân đâu mà đánh? - anh Khê hỏi giật giọng.

- Anh yên tâm, tôi có cách của tôi.

“Căn phòng sở chỉ huy dã chiến của tiểu đoàn im phăng phắc. Một cảm giác tự tin, quyết đoán kỳ lạ dâng đầy tâm trí tôi. Anh Khê bước tới, ôm tôi rất chặt và xúc động nói: Tin chứ. Chẳng dễ chút nào, nhưng tao tin chúng mày làm được”, Thượng tướng Nguyễn Văn Được nhớ lại.

Chỉ còn mấy tiếng cho công tác chuẩn bị, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Được triệu tập số anh em ở nhà, gồm cả cán bộ trung đội, tiểu đội, trinh sát, liên lạc và các chiến sĩ nuôi quân được cả thảy 15 tay súng. Ông giao nhiệm vụ, xác định phương án chiến đấu và chia lực lượng thành 3 tổ đảm trách 3 mũi. Vì lực lượng ít, ông yêu cầu một người phải kết hợp sử dụng nhiều loại súng. Bản thân ông cũng mang theo khẩu AK báng gấp, băng đạn, lựu đạn giắt quanh người.

leftcenterrightdel

Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ảnh: HÀ ĐỈNH

Một giờ sáng 21-11-1969, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Được ra lệnh xuất phát. 3 tổ nhằm 3 mỏm của cụm điểm cao Phu Phựng để tiếp cận. Ông đi cùng mũi chính, tiếp cận mỏm số 1 cao nhất. Hơn hai tiếng sau, cả 3 mũi đã tới vị trí quy định. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Được hiệp đồng, chờ lúc địch vừa báo thức là thời điểm chúng sơ hở nhất mới được nổ súng. Giờ khai hỏa, ông lệnh cho tất cả B40, trung liên, AK nhằm lán trại của địch đồng loạt nhả đạn, lựu đạn tung dồn dập vào đầu giặc. Bất ngờ, choáng váng, địch chống cự yếu ớt, lẻ tẻ rồi vội vàng tháo chạy, bỏ lại 63 xác chết. Sau 30 phút, chỉ với 15 tay súng “góp nhặt”, quân ta đã đánh bật cả tiểu đoàn địch khỏi Phu Phựng, ta bị thương một số đồng chí.

Kể lại trận đánh, giọng Thượng tướng Nguyễn Văn Được hỉ hả: “Lúc báo cáo trung đoàn và tiểu đoàn, anh Khê còn chưa tin. Qua điện thoại vô tuyến điện, anh hỏi lại: “Có đúng vậy không? Tao không tin. Làm sao chỉ mấy tay súng mà chúng mày đánh nhanh gọn thế?”. Khi thẩm định lại, thấy là đúng, anh chủ động gọi điện cho tôi nói như reo: “Được ơi, tao tin rồi. Quá xuất sắc. Chúc mừng và biểu dương anh em nhé!”.

Sau khi kết thúc trận đánh, đơn vị ông Được chốt giữ Phu Phựng một thời gian rồi bàn giao cho đơn vị bạn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong Chiến dịch 139 trên đất bạn. Nhưng “cái duyên” Phu Phựng với ông và Đại đội 6 vẫn chưa hết. Vì sau đó không lâu, Vàng Pao lại thúc ép tiểu đoàn BV.21 ngụy Lào chiếm lại cụm cứ điểm quan trọng này. Một lần nữa, Đại đội 6 của ông được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ tái chiếm Phu Phựng. Nhiệm vụ hoàn thành nhưng trận này Nguyễn Văn Được bị thương vào bụng. Máu trào ra, ông xé áo buộc chặt vết thương, tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến khi ngất đi. Ông được đưa về trạm phẫu của trung đoàn sơ cứu, sau đó cáng về bệnh xá của mặt trận ở bản Ban.

“Đang kỳ chiến dịch, địch chiếm đóng nhiều nơi, anh em chuyển thương cũng hết sức vất vả, luồn rừng, tắt suối ròng rã hai ngày đêm mới về đến bệnh xá. Nằm ở đây một tuần, tôi được gửi theo xe vận tải hậu cần chuyển về nước điều trị. Lúc này cũng đã chuẩn bị bước sang năm mới Canh Tuất 1970. Thời gian nhanh quá, tôi đã có 8 cái Tết ở chiến trường, từ Khu 5 khói lửa đến Cánh Đồng Chum trên đất bạn Lào. Năm ấy là Tết đầu tiên tôi được đón Tết ở miền Bắc với vui buồn lẫn lộn. Hơn cả là nhớ đồng đội thân yêu của tôi đang ngày đêm trên tuyến đầu đánh giặc…”, Thượng tướng Nguyễn Văn Được nhớ lại.

HÀ TIẾN