Ông kể: “Ngày ấy, ở những vùng giáp ranh, quân ngụy đàn áp, dồn dân, lập ấp hòng cắt đứt nguồn tiếp tế của ta. Chúng gây nhiều tội ác với đồng bào. Trước tình hình đó, cấp trên chỉ đạo lực lượng du kích xã Phổ Châu (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi)-nơi tôi đang là xã đội phó, tìm cách tiêu diệt bọn ác ôn. Hôm ấy, tôi đóng giả trung sĩ ngụy bình thản đi vào khu dồn dân. Ém mình trong một ngôi nhà thuộc cơ sở cách mạng, thấy địch đang tụ tập ăn sáng, súng ống vứt bừa bãi, tên xã trưởng mặt bóng nhẫy, miệng nhồm nhoàm, tôi khẽ lách người, ghếch khẩu AR-15 qua khe cửa, bóp cò. Tên xã trưởng ngã vật xuống. Lợi dụng lúc bọn địch nhốn nháo như ong vỡ tổ, tôi đón chiếc xe tải, trên xe có nhiều lính ngụy đang chạy ra ngoài thị trấn. Thấy tôi, tên lái xe vội dừng lại, giọng khúm núm: “Dạ! Xin mời trung sĩ lên xe!”. Sau trận ấy, bọn ngụy khiếp sợ, không còn dám ngông nghênh như trước”...

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Võ Duy Chín (đứng giữa) trò chuyện với các đại biểu dự buổi gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu, nghỉ công tác do Quân khu 5 tổ chức.  Ảnh: TIẾN DŨNG

Hiệp định Paris được ký kết, ta nghiêm chỉnh chấp hành, nhưng Mỹ-ngụy giở bộ mặt tráo trở. Chiến trường miền Nam vẫn còn khốc liệt. Riêng ở Quảng Ngãi, từ mũi Sa Huỳnh đến đèo Bình Đê thường xuyên bị địch phong tỏa. Có ngày chúng huy động hơn 100 xe GMC chở đầy lính lùng sục, bắt bớ, bắn giết khắp nơi. Không chỉ lực lượng bộ binh, chúng còn huy động cả xe kéo pháo, xe tăng, máy bay... nhằm thị uy sức mạnh. Nhận biết được quy luật của địch, Võ Duy Chín với cương vị Xã đội trưởng đã chỉ huy một tổ du kích đánh địch trên đèo Bình Đê. Để thực hiện kế hoạch, ông cho anh em bố trí một lượng bộc phá hơn 100kg đặt ở đoạn cua của con đèo, từng người sử dụng súng B40 phục sẵn sau các mỏm đá trên sườn núi chờ đoàn xe địch đi qua. Một chiếc... hai chiếc... rồi ba chiếc xe tăng địch ì ạch ôm vòng cua... Bỗng một tiếng nổ rung chuyển trời đất. Khối thuốc phát nổ giữa đội hình khiến hàng chục chiếc xe quân sự bốc cháy và lật nhào. Tổ du kích do Võ Duy Chín chỉ huy dùng B40 bắn vào đoàn xe chở quân đang hỗn loạn giữa lưng chừng đèo. Thêm 7 xe địch và 154 tên giặc đền tội...

Từ năm 1969 đến 1975, ông sát cánh cùng đồng đội đánh hàng trăm trận (trong đó nhiều trận đánh cả máy bay, xe tăng và tàu chiến địch). Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Võ Duy Chín được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 1976.

Lần lên Tây Nguyên công tác, tôi nhớ mãi câu nói của Thiếu tướng Võ Duy Chín (thời điểm này ông là Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc): “Dù quê Quảng Bình, Thanh Hóa hay Nghệ An... bất cứ ai vào đây chung sức, chung lòng bảo vệ và xây dựng Đắc Lắc thì họ đều là những người con của Đắc Lắc. Ai có khả năng, trình độ thì bố trí những công việc phù hợp. Đối với những trường hợp chưa tiến bộ thì phê bình thẳng thắn, nhưng tuyệt đối không được định kiến mà phải tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ phát triển...”.

Một thời được đồng bào che chở nuôi giấu dưới hầm bí mật nên ân nghĩa ấy Thiếu tướng Võ Duy Chín ghi nhớ suốt đời. Ông luôn tự nhủ với lòng mình hãy trọn tình, trọn nghĩa với nhân dân. Trong những lần về cơ sở, chứng kiến cảnh người dân lam lũ trên ruộng, nương mà vẫn đói nghèo, điều đó khiến ông trăn trở... Ông tâm sự: “Ở những vùng căn cứ cách mạng, đời sống của người dân vẫn gian khổ, thậm chí vẫn còn người có công còn chịu cảnh thiệt thòi, chưa được hưởng chế độ gì bởi không còn giữ được những giấy tờ liên quan...”. Từ thực tế ấy, ông chỉ đạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về các địa phương thẩm tra, nắm chắc tình hình, sau đó bổ sung, hoàn thiện các thủ tục, xem xét giải quyết các chế độ, chính sách cho người có công.

Cầm súng đánh giặc từ tuổi thiếu niên, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và lên tới cấp tướng, nhưng cuộc sống của ông vẫn bình dị, gần gũi, thân thương với mọi người. Những gì ông và đồng đội đã, đang và sẽ làm, góp phần vì màu xanh bình yên, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Tây Nguyên…

PHAN TIẾN DŨNG