Theo bà Nguyễn Minh Hồng, con gái út nhà thơ, thì “thời điểm Bác mất, ba tôi không được gặp Bác, bởi lúc đó ông cũng đang nằm viện. Lúc tim Bác ngừng đập, mọi người mới báo và ông chạy thẳng từ bệnh viện tới chỗ Bác nằm. Sau đó, ông phải vào bệnh viện lại”. Là thế nên có những câu thơ thật xót xa: “Thôi đập rồi chăng? Một trái tim/ Đỏ như sao Hỏa, sáng sao Kim!/ Muốn òa nức nở bên em nhỏ/ Nước mắt ta đành nuốt, lặng im…”.

 CÂU ĐỐI

Mừng Đảng

mừng Xuân,

mừng đất nước

ngày càng

đổi mới

 

Chúc Dân

chúc Nước,

chúc non sông

mãi mãi

trường tồn

 

                 NGHI HUYỀN

Trường ca không chỉ là tình cảm sâu đậm của nhà thơ với Bác, mà còn là nỗi tiếc thương vô hạn, lòng biết ơn sâu nặng trước công lao to lớn của Người đối với đất nước, niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang, con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đúng như tên gọi, từng câu thơ trong trường ca đi theo từng bước chân trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người với những thử thách gian lao cùng ý chí quyết tâm sắt đá giải phóng dân tộc. Trường ca có những câu thật đẹp, đẹp như một bức tranh về mùa xuân năm 1941: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về… Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ và nhà thơ Tố Hữu về thăm Pác Bó (Cao Bằng), năm 1961.

“Sáng xuân nay” mà câu thơ nói tới là một sáng xuân lịch sử của non sông đất nước ta, của dân tộc ta, sáng 28-1-1941 (tức Mồng Hai Tết Tân Tỵ). Sáng xuân ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt cột mốc 108 biên giới Việt Nam-Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Vậy là sau 30 năm từ biệt Tổ quốc từ Bến Nhà Rồng, Bác đã thực sự trở về với sứ mệnh cao cả, cùng toàn Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do và thống nhất đất nước sau những năm trường nô lệ và cắt chia. Sáng xuân ấy, đồng bào Pác Bó, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam trở về… Lịch sử còn ghi, khi đến cột mốc 108, Người dừng lại, cúi xuống bốc một nắm đất lên rồi đứng lặng hồi lâu, hướng tầm mắt về phía dải đất Tổ quốc trùng điệp ngút ngàn. Trời đất đang vào xuân, hoa nở thắm núi rừng, cây cối đâm chồi xanh lộc biếc. Tất cả vạn vật như khoác trên mình chiếc áo mới hứa hẹn một ngày mai tươi sáng: “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!/ Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi!...”.

Tố Hữu nhắc lại cuộc đời 30 năm bôn ba của Bác với chứa chan tình cảm yêu thương: “Từ đó, Người đi... những bước đầu/ Lênh đênh bốn biển, một con tàu/ Cuộc đời sóng gió. Trong than bụi/ Tay đốt lò, lau chảo, thái rau”.

Rồi một hôm: “Xóm thợ Paris nghèo cuối ngõ/ Tưng bừng gác trọ đón bình minh/ Mác-Lênin đến... Từng trang đỏ/ Chân lý đây rồi, lẽ tử sinh!/ Đứng dậy! Ơi Người cùng khổ ơi!/ Tiếng chuông ta đánh, giục liên hồi/ Hãy bay đi, hãy bay qua sóng/ Về nước non xa, thức tỉnh đời”.

Nhà thơ dân tộc Tày Nông Quốc Chấn đã viết những câu thơ cũng giản dị về sự kiện lịch sử này: “Người đi vòng Trái Đất/ Người về mở cửa hang/ Mở muôn ngàn con mắt/ Đón cờ đỏ sao vàng...”.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pác Bó. Ảnh tư liệu.

Đây là giây phút lịch sử thiêng liêng, là bước ngoặt trong cuộc đời vì nước, vì dân của Bác. Phút giây đó, sau này Người có lần kể lại, bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ sáng xuân ấy mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cột mốc 108, Bác vô cùng bồi hồi, xúc động. Người nhớ lại, thực ra trong suốt những năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, lúc nào Bác cũng mong có ngày trở về mà là về nhanh, về sớm. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản ở Moscow năm 1935, Bác đã trả lời nhà văn Ehrenburg về cảm xúc của mình rằng: “Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc”. Thật ra, từ sau ngày thành lập Đảng 3-2-1930, không ít lần Người tìm cách trở về quê hương nhưng chưa một lần thành công. Trong thư gửi Quốc tế Cộng sản, Bác từng viết: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát biên giới quá cẩn mật”. Và trong thư gửi Đảng Cộng sản Pháp tại Quốc tế Cộng sản ngày 27-2-1930, Người đã viết: “...tôi chưa trở về Đông Dương được, nhất là lúc này, chúng đã ban cho tôi một cái án tử hình vắng mặt”… Và rồi ngày ấy đã đến, sáng Mồng Hai Tết năm 1941, Người đã trở về Tổ quốc bên những nhà cách mạng, những đồng chí của mình: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp và sau đó là Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lãnh, Hoàng Sâm, Lê Thiết Hùng...

leftcenterrightdel
 

Mùa xuân này, Xuân 2020, sau 79 năm Bác về nước, lòng mỗi người Việt Nam càng thương nhớ Bác nhiều hơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói đến Pác Bó: “Không có Pác Bó thì không có Ngày Độc lập 2-9-1945. Không có Pác Bó thì không có Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Không có Pác Bó thì không có ngày 30-4-1975... Pác Bó không chỉ là của riêng Cao Bằng. Pác Bó là của cả nước Việt Nam”. 

Một điều thú vị nữa là, hôm nay chúng ta đọc Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu, nhớ lại một mùa xuân lịch sử không chỉ vào mùa xuân mới, năm mới mà lại đúng năm kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của tác giả bản trường ca. Tố Hữu có câu trong bài thơ Hy vọng viết năm 1938: “Liên Xô nở trước đời tôi ba tuổi” (Cách mạng Tháng Mười năm 1917, nhà thơ sinh năm 1920).

Và nay, dù Bác của chúng ta đã đi xa, đồng bào, đồng chí cả nước vẫn “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác”; vẫn thấy như Bác vẫn còn, còn mãi với dân tộc, còn mãi với mùa xuân đất nước: “Đâu chẳng vang lời Bác thiết tha?/ Đời vui tiếng Bác ấm muôn nhà/ Bác đi… Đâu cũng nghe chân bước/ Như gió xuân về, đất nở hoa…”.

                                                                                                                                    Thập Tam trại,

trước thềm Xuân 2020

NGÔ VĨNH BÌNH