Chiều 18-12-1972, đội văn nghệ xung kích Sư đoàn 361 đang biểu diễn giao lưu với đơn vị bạn ở sân bay Gia Lâm được hai tiết mục thì nhận thông tin khả năng có B-52 bay vào Thủ đô. Toàn đội nhanh chóng cơ động về sư đoàn và vào hầm trú ẩn cá nhân ngay cạnh hầm sở chỉ huy Hòa Mục (Cầu Giấy, Hà Nội). Chừng 10 giờ đêm, đồng chí Trương Công Hiển, Chính trị viên đội văn nghệ dặn dò: “Theo thông báo của cấp trên, khoảng 4 giờ sáng, B-52 đánh vào Hà Nội. Khi nghe còi báo động, các đồng chí nhanh chóng cơ động xuống hầm cá nhân trú ẩn”.

Đúng như dự báo, hơn 4 giờ sáng, địch điều không quân đánh vào khu vực sở chỉ huy sư đoàn ở Hòa Mục và Đài Phát thanh Mễ Trì. Chừng một tiếng đồng hồ, sau khi bầu trời im ắng, đơn vị kiểm tra quân số thấy thiếu một số đồng chí. Đến hầm trú ẩn của tổ nữ, đất đá vùi lấp, bới lên thấy 4 cô gái tuổi mới mười tám đôi mươi, nhập ngũ vào Đại đội 10, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 361 được 6 tháng. Kiểm tra thấy một nữ quân nhân mạch vẫn đập, Nguyễn Huy Hoàng nhanh chóng kéo lên, gạt hết đất cát rồi bế đồng chí này chạy thẳng ra bệnh xá sư đoàn cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện. Ở hầm trú ẩn bên cạnh, đồng chí Chính trị viên Trương Công Hiển bị đất đá vùi lấp đã hy sinh trong tư thế vẫn ôm chiếc đài cassette. Anh quê ở xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, có hơn 10 năm chiến đấu trên khắp chiến trường Nam Bộ, lập nhiều chiến công xuất sắc.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Bùi Thị Thúy Ngừ và ông Nguyễn Huy Hoàng gặp lại nhau sau gần nửa thế kỷ.

Ngày hôm sau, đơn vị thông báo 10 đồng chí trong đội văn nghệ đã hy sinh do bom B-52 đánh trúng, trong đó 4 chiến sĩ nữ của Đại đội 10, gồm Bùi Thị Thúy Ngừ, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Đỗ, Nguyễn Thị Phú.

Đã gần 50 năm trôi qua, bà Bùi Thị Thúy Ngừ-“người trở về từ cõi chết” ngày ấy-vẫn nhớ như in sự kiện đó. Bà kể: “Tôi được chuyển lên bệnh viện, phải 3 ngày sau mới tỉnh lại. Nằm viện gần một tháng về đơn vị, mọi người ngơ ngác, nhiều đồng chí tiến lại nắn tay, nắn chân, sờ đầu, tôi không hiểu chuyện gì. Về phòng thì không có chỗ ngủ nghỉ, quân tư trang cá nhân đồng đội đã hủy vì nghĩ rằng tôi đã hy sinh rạng sáng 19-12”.

Những ngày giáp Tết Quý Sửu 1973, dòng người ngược xuôi sắm Tết, đoàn tụ gia đình. Gác lại đau thương mất mát, đội văn nghệ còn 15 người và hầu hết đều bị thương, vẫn hăng say luyện tập để biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và nhân dân Thủ đô mừng chiến thắng và đón Tết Nguyên đán. Tại Nhà hát Lớn, Rạp Đống Đa hay ở các trận địa, nhân dân và bộ đội tò mò khi đội văn nghệ nhiều đồng chí băng đầu, bó tay, đi nạng mà vẫn biểu diễn. Đi đến đâu, đội cũng được chào đón với các tấm băng rôn lớn: “Nhiệt liệt hoan nghênh Đoàn nghệ thuật của Bộ đội Phòng không Hà Nội đến biểu diễn”. Mùa xuân sau Hiệp định Paris, nhân dân miền Bắc được đón Tết cổ truyền trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến.

Nén xúc động sau khi thắp nén nhang tưởng nhớ các đồng đội ở danh bia Sư đoàn 361, bà Ngừ bùi ngùi: “Ngày 28 Tết, tôi được đơn vị cho nghỉ phép về quê. Thấy tôi về đến đầu làng, mọi người vô cùng ngạc nhiên vì cách đó hơn một tháng, gia đình, làng xóm đã làm đám tang, lập bàn thờ cho tôi. Nay thấy tôi trở về, bị một vết thương bên thái dương trái, chân đi tập tễnh bước vào sân nhà, bố mẹ ra ôm chầm lấy tôi nức nở. Năm ấy, gia đình tôi đón cái tết đoàn viên đặc biệt”.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA