Bỗng một vòng tay ôm chặt và nhấc bổng tôi lên đến nghẹt thở. Khi tôi quay lại, trước mắt tôi là một cựu chiến binh ngực áo lấp lánh huân chương với nụ cười rạng rỡ. Tôi chưa kịp nhớ tên anh thì anh lại ôm chặt tôi hỏi: “Có nhận ra ai không? Có một Sơn La đây!”. Bấy giờ tôi mới nhận ra Mạn khi anh thốt ra “Có một Sơn La đây”. Chúng tôi xa nhau đã hơn 40 năm, sau trận chiến đấu tiến công cao điểm Mỏ Tàu (tây Thừa Thiên - Huế) tháng 12-1974. Trận chiến đấu ấy Mạn bị thương hai lần.

Tôi bần thần như không tin người đứng trước mặt mình, sau hơn 40 năm gặp lại. Mạn là chiến sĩ thông tin tiểu đoàn, gan dạ, mưu trí và dũng cảm không coi bom đạn là gì. Nhưng điều tôi nhớ nhất ở anh, một con người khi đối mặt với bom đạn, sống chết chỉ trong tấc gang mà ruột gan lúc nào cũng đau đáu nhớ về cái miền quê nhỏ bé, nơi còn lại mẹ già và mấy đứa em nhỏ…

Quê Mạn ở Sốp Cộp (Sơn La), anh là người dân tộc Thái. Như anh kể, anh sinh ra, lớn lên ở một bản làng heo hút giáp biên giới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, một bản làng đi mấy quả đồi mới gặp một nếp nhà. Nhà Mạn nghèo lắm, ba anh em nương tựa vào người mẹ già. Khổ là vậy nhưng thấy Mạn ham học, mẹ vẫn ráng sức nuôi các con và cho Mạn theo học đến hết lớp 7 trường huyện. Ngày nhập ngũ, Mạn đi bộ hết hai ngày đường mới xuống đến phố thị Sơn La. Lần đầu tiên Mạn nhìn thấy ánh đèn điện, nhà cao tầng, được đi tham quan Nhà tù Sơn La và các di tích lịch sử… Mấy năm chiến tranh ở chiến trường Thừa Thiên-Huế, Mạn cùng tiểu đội với tôi. Những đêm không lên chốt, không ra trận địa, nằm trong hầm chữ A, Mạn thường kể với tôi ký ức tuổi thơ của mình. Dường như ký ức ấy luôn hiển hiện trong anh, kể cả trong giấc ngủ vừa chợt đến sau một trận chiến đấu.

Một đêm cuối năm 1974, cũng trong căn hầm chữ A dưới chân cao điểm Mỏ Tàu, dưới làn pháo cầm canh của địch, không ngủ được, Mạn bật dậy đột ngột đề nghị tôi làm cho anh một bài thơ về nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ Sơn La. Anh nói rằng, nhiều lúc anh nhớ quê đến cháy ruột cháy gan mà không sao diễn tả được. Có được một bài thơ nói hộ lòng mình về nỗi nhớ quê hương để đọc, để hát thì nguôi ngoai hơn. Thấy tôi hay làm thơ báo tường nên anh nảy ra ý muốn ấy.

Ngày ấy, tôi cũng chưa một lần đặt chân đến miền Tây Bắc, chỉ biết Tây Bắc, Sơn La qua những trang sách học trò và qua cả những câu chuyện Mạn vẫn đêm đêm nằm kể. Nhưng vì yêu quý Mạn, yêu cái nỗi nhớ quê hương da diết trong trái tim gan lỳ, dũng cảm của một người lính đang sống, chiến đấu ở nơi trận mạc, thế là tôi tưởng tượng ra một miền Tây Bắc qua những trang sách, qua những tâm sự của Mạn để làm ra một bài thơ tình…

Thời gian trôi đi, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, mấy chục năm rồi tôi cũng quên đi bài thơ ấy. Dường như đoán được ý nghĩ ấy trong tôi, Mạn kéo tôi vào một quán nước ven đường. Anh nói rằng sau chiến tranh, anh được đơn vị cử ra Trường Văn hóa Quân khu 4 học hết bổ túc cấp 3 để vào trường đào tạo sĩ quan binh chủng hợp thành. Mạn nói, ngày tôi làm hộ anh bài thơ, anh thuộc ngay tức khắc. Chỉ có điều, ngày ấy anh không biết “cos”, “sin”, “đạo hàm” là gì. Sau này học văn hóa cấp 3 ở Trường Văn hóa Quân khu 4 thì mới hiểu. Mạn khoe với tôi, hơn 40 năm qua, bài thơ ấy như một hành trang trong cuộc đời anh. Vui cũng đọc, buồn cũng ngâm nga, đến nỗi “Có một Sơn La” đã trở thành “nickname” của anh thời facebook!

Biết tôi không còn nhớ bài thơ ấy nữa nên anh bảo tôi mở điện thoại di động ghi âm. Anh đọc, tôi ngồi bần thần nghe lại bài thơ hơn 40 năm trước tôi viết trong căn hầm dưới làn pháo địch.

CÓ MỘT SƠN LA

“Đường lên Tây Bắc quanh co

tiếng chim rừng đây đó…”(*)

Tôi ép ngực vào vách hầm đất đỏ

Tiếng hát chao nghiêng

Giữa đêm Trường Sơn

*

Đất nước những ngày chưa bình yên

Tuổi thơ tôi lớn lên

Úp mũ rơm che trang sách

Học thuộc lòng bài “Cây đào Tô Hiệu”

B-52 Mỹ rải xuống chùa chiền, trường học

Trang sách cháy dưới hầm

Mảnh giấy còn lại chỉ nhận ra

nút cài trên ngực áo của cô gái Thái

trong đêm hội xòe

*

Hành quân qua những mùa mưa

Vuốt tóc ướt, ngẩng mặt lên giữ chốt

Giữa Trường Sơn đạn bom ác liệt

Tôi vẫn mơ năm cánh hoa đào

 

Có những đêm nhìn bầu trời đầy sao

Cánh rừng già cháy đen chất độc

Gối đầu trên ba lô tôi mơ vào trang sách

Những “sin”, những “cos”, những “đạo hàm”…

 

Sáng cuốn võng hành quân 

Gặp cô gái Pa Kô đi tải đạn

Bóng lưng gầy gập trên suối cạn

Tôi mơ ngày gặp em…

 

Em gái Thái ơi

Cái ngày tôi mơ ấy

Bỗng thấy cùng em

Vít ngọn cần đốt cháy con tim

Uống cạn dòng sông, ngọn suối.

 

Đất nước sẽ không còn chiến tranh

Thời gian có thể già đi trước tuổi

Núi có thể bạc đầu…

Chỉ còn hoa đào vẫn hồng tươi như thế

Chỉ còn hoa ban vẫn tinh nguyên như thế

Như em

Trong tay anh đi qua đêm hội xòe.

 (Cao điểm Mỏ Tàu cuối năm 1974)

 (*) Lời bài hát "Đường lên Tây Bắc" của nhạc sĩ Văn An.

HỒ ANH THẮNG