Những sắc màu văn hóa quần tụ, hòa quyện cùng tập tục của người bản địa, làm nên những không gian Tết đậm bản sắc, đặc trưng là kiểu chơi Tết trên sông nước của người Sài Gòn xưa, Thành phố mang tên Bác hôm nay…

Theo dấu người xưa

Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng là người có vốn kiến thức uyên thâm về lịch sử, văn hóa Sài Gòn. Ông đã góp công lớn trong siêu dự án biến vùng sình lầy ngập nước hoang hóa ở huyện Nhà Bè thành khu công nghiệp, khu chế xuất Tân Thuận. Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, Tân Thuận bây giờ là khu đô thị sầm uất, hiện đại, kết nối với Phú Mỹ Hưng, tạo nên quần thể kiến trúc khu đô thị kiểu mẫu Nam Sài Gòn.

Cùng đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh đi thực tế sáng tác tại khu Nam Sài Gòn, ông Dưỡng giới thiệu với chúng tôi bộ sưu tập hình ảnh về một Nhà Bè nguyên sơ. “Trong quá trình khảo sát, triển khai dự án, chúng tôi ghi lại rất chi tiết, tỉ mỉ hình ảnh vùng đầm lầy ngập nước, vừa để phục vụ nghiên cứu, vừa để lưu lại tư liệu lịch sử cho thế hệ sau”-ông nói. Nếu không có những hình ảnh quý giá ấy, không phải là người trong cuộc, chẳng ai có thể hình dung dưới chân những công trình hiện đại trong khu đô thị khang trang này, ngày trước là vùng sông nước sình lầy. Người dân sống cặp các bờ kênh đều dựng nhà sàn để tránh thú dữ và cá sấu tấn công. Họ sinh sống bằng nghề thu hoạch sản phẩm từ dừa nước, đánh bắt thủy sản và buôn bán đường sông. Nhiều trẻ em tuổi 13-14 vẫn còn thất học. Dù chỉ cách trung tâm thành phố chừng hơn 1 giờ chạy ghe, nhưng Nhà Bè ngày ấy so với khu trung tâm là hai hình ảnh đối lập hoàn toàn. Ông Dưỡng bảo rằng, phong tục của cư dân Nhà Bè lúc bấy giờ vẫn giữ nguyên nét đặc trưng lề lối sinh hoạt của Sài Gòn-Gia Định xưa. Phong tục văn hóa hình thành, phát triển, tiếp biến từ lịch sử khai khẩn và cuộc sống giao thương sông nước của người Nam Bộ, mà Sài Gòn là điểm hội tụ.

leftcenterrightdel
Sắc hoa rực rỡ trên bến Bình Đông trong dịp đón xuân. Ảnh: LÊ HÙNG KHOA.

Quá trình triển khai dự án, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng đã tham mưu cho các nhà đầu tư và lãnh đạo thành phố quy hoạch một khu vực rộng đến mấy trăm héc-ta, bảo tồn nguyên trạng hệ sinh thái sông, rạch và rừng ngập nước Nhà Bè. Đến nay, khu vực này trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Du khách đến đây có thể hình dung về một Sài Gòn xưa thu nhỏ, thuở dòng người từ Cù Lao Phố (Biên Hòa) theo sông nước tìm về Gia Định mở mang, khai khẩn vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Câu ca dao: Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về chính là chỉ mối liên kết chặt chẽ trong giao thương sông nước từ xa xưa giữa hai địa phương thuộc hạ lưu sông Đồng Nai…

Những học giả uyên bác được công chúng vinh danh là những nhà Sài Gòn học qua các thời kỳ như: Trịnh Hoài Đức, Vương Hồng Sển, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Sơn Nam… dù mỗi người có một cách tiếp cận, cách thể hiện riêng, nhưng điểm chung trong các tác phẩm, công trình khảo cứu của họ là đều lấy lịch sử khai khẩn và văn hóa sông nước làm chủ đề, chất liệu chính để nghiên cứu, sáng tác. Trong bộ tác phẩm “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, xuất bản khoảng cuối thế kỷ 18, đã ghi chép, mô tả tỉ mỉ tập tục của người Sài Gòn xưa. Theo đó, hình thức sinh hoạt, giao thương sông nước đã có từ lâu đời, ngay từ khi Sài Gòn mới chỉ là một khu chợ bán buôn, hình thành từ hơn 300 năm trước.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia văn hóa của TP Hồ Chí Minh nói rằng, trong dòng chảy không ngừng của lịch sử, dấu ấn các thế hệ con người ở Sài Gòn được lưu giữ qua hệ thống các di tích và phong tục văn hóa. Công cuộc chỉnh trang đô thị và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong những thập niên gần đây đã khiến hàng nghìn ki-lô-mét kênh, rạch bị bồi lấp, hình thức sinh hoạt trên bến dưới thuyền bị thu hẹp đáng kể, nhưng vẫn còn đó dấu xưa. Điển hình của tập tục này là bến Bình Đông (quận 8 ngày nay). Bình Đông là bến cổ, hình thành và phát triển theo chiều dài lịch sử Sài Gòn hơn 300 năm, đến nay vẫn vẹn nguyên dấu cũ, dù hình thức giao thương của người dân đã công nghệ hóa, hiện đại hóa và cái bến bờ đất năm xưa đã được bê tông hóa đôi bờ. Hằng năm, từ lễ Noel trở đi, khi tiết trời chuyển mùa se lạnh, gió biển thổi thông thốc, bến Bình Đông bắt đầu vào hội và kéo dài cho đến rằm tháng Giêng. Hàng nghìn ghe xuồng từ các tỉnh miền

Tây Nam Bộ theo sông tụ về bến, trải dài những mấy cây số, hình thành nên một đô thị trên bến dưới thuyền, rất độc đáo, hấp dẫn…

Thú chơi Tết của người Sài Gòn xưa, TP Hồ Chí Minh hôm nay là hoa. Bạt ngàn hoa. Dọc các tuyến sông Sài Gòn, Soài Rạp và các dòng kênh như: Tàu Hủ, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Lò Gốm… ghe xuồng đậu san sát, hai bên bờ rực sắc hoa. Ngoài ra, trên các tuyến phố, những mô hình đường hoa, phố hoa… cũng được tổ chức ở khắp các quận, huyện, nổi bật nhất là đường hoa Nguyễn Huệ, đã qua 14 năm hoạt động. Mỗi năm, đường hoa này lại được thiết kế, sắp đặt theo một ý tưởng, chủ đề riêng, lấy cảm hứng từ 12 con giáp ứng với từng năm…

Làm mới phong tục

Hiện tượng gây “sốt” giới truyền thông và bất ngờ với ngành du lịch TP Hồ Chí Minh thời gian này là tình trạng “cháy vé” phương tiện buýt đường sông. Sau một thời gian thử nghiệm, mô hình buýt đường sông chính thức được UBND TP Hồ Chí Minh quyết định đưa vào khai thác từ cuối tháng 11-2017. Mặc dù đã có lộ trình chuẩn bị dài hơi, song trước khi đưa vào hoạt động loại hình giao thông đặc thù này, từ các chuyên gia cho đến nhà quản lý, không ai lạc quan nghĩ rằng hình thức giao thông này sẽ hút khách. Thậm chí có người còn lo ngại dự án sẽ khó thành công. Vậy nhưng ngay sau khi mở cửa bán vé, tuyến buýt sông xuất phát từ bến Bạch Đằng đi Thủ Đức đã bán sạch vé sau chừng… 10 phút. Hiện nay, hằng ngày người dân và du khách vẫn xếp hàng dài chờ đến lượt để được mua vé, du ngoạn. Thành công vượt quá sự mong đợi này khiến ngành chức năng thành phố phải tập trung huy động tối đa nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng các điểm đón, trả khách trên hải trình giao thông đường thủy, đồng thời mở rộng đề án đầu tư thêm phương tiện, trang thiết bị…

 Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Hùng, thú chơi trên bến dưới thuyền là nét văn hóa phong tục từ lâu đời. Buýt đường sông hay mô hình du lịch bằng xuồng gắn với đờn ca tài tử trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là cách chúng ta làm mới tục xưa. Điều hấp dẫn người dân và du khách khi chính quyền thành phố có những giải pháp hữu hiệu “đánh thức” tiềm năng sông nước chính là đã chạm đến nhu cầu tự thân của người dân về bảo tồn, phát huy phong tục văn hóa.

Những dòng sông, kênh, rạch… trong lòng thành phố, dù qua năm tháng không còn xanh trong, hoang hoải như xưa, nhưng dòng chảy thì muôn đời vẫn thế. Các phương tiện ghe, xuồng của ngư dân, theo từng thời kỳ phát triển, đã biến đổi căn bản về hình dáng, kích cỡ, chất liệu và sự tiện nghi. Từ buýt đường sông cho đến phương tiện của từng gia đình, cá nhân hiện nay đều phải chạy bằng động cơ, gắn định vị cùng các phương tiện máy móc, kỹ thuật truyền thông hiện đại. Nhưng dù là chiếc ghe có giá mươi triệu đồng cho đến phương tiện tiền tỷ, không cái nào thiếu hình ảnh của “đôi mắt” được vẽ công phu như những tác phẩm nghệ thuật ở hai bên mạn thuyền. Các nghi lễ truyền thống và những điều kiêng kỵ đối với người đi sông, đi biển có từ hàng trăm năm trước, đến nay vẫn tồn tại nguyên sơ trong đời sống tín ngưỡng của người dân… Đó chính là sợi dây bất biến, kết nối các thế hệ con người trong cùng một môi trường tín ngưỡng văn hóa, mà thú chơi Tết trên sông nước là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn xưa, TP Hồ Chí Minh hôm nay…

THANH KIM TÙNG