Giáp Tết Tân Sửu 1961, thực hiện chỉ đạo của Ngô Đình Nhu, tổng nha cảnh sát Sài Gòn phối hợp với an ninh quân đội và hải quân điều chuyến tàu chuyên dụng ra Côn Đảo đưa một tù nhân đặc biệt về Sài Gòn phục vụ điều tra. Địch đã sử dụng một trung đội lính thủy phối hợp cùng lực lượng hiến binh và cảnh sát, được trang bị vũ khí đầy đủ để áp giải tù nhân. Bị canh phòng cẩn mật trên con tàu lênh đênh ngoài biển, tù nhân vẫn thực hiện thành công cuộc tẩu thoát ngoạn mục. Tuy nhiên, cuộc tẩu thoát bí ẩn ấy đã gây không ít hệ lụy cho người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Mãi đến 15 năm sau, những nghi vấn mới được sáng tỏ...

leftcenterrightdel
Đồng chí Đào Tấn Xuân trước khi bị địch bắt.

Cú nhảy tàu trong đêm

Người tù đặc biệt ấy là Phan Kiệm (bí danh Đào Tấn Xuân, Năm Vân), nguyên Phó bí thư Khu ủy, quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Ông sinh năm 1920 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1951, theo điều động của Xứ ủy Nam Bộ, ông rời Chiến khu Đ, bí mật lọt vô nội thành Sài Gòn hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Ông bị bắt cuối năm 1957 do bị chỉ điểm. Sau hơn hai năm thực hiện đủ các kiểu mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn cực hình tàn khốc, biệt giam hết nhà lao này đến nhà lao khác, từ Sài Gòn đến Định Tường, lên Phú Lợi... không moi được thông tin gì, cuối năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm đày ông ra biệt giam ở Côn Đảo.

Di cảo ông Đào Tấn Xuân để lại cho hậu thế, do người con trai trưởng của vợ chồng ông là Phan Thanh Dũng cung cấp cho chúng tôi có những trang ghi lại khá chi tiết về những năm tháng ông bị đày đọa, tra tấn, giam cầm ở xà lim, cùng phong trào đấu tranh mạnh mẽ của tù nhân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng trong tù mà ông là cán bộ được phân công giữ vai trò “ngòi nổ”. Cuối năm 1960, một kẻ phản bội tên Khánh (tự Huy), từng là cán bộ thuộc quyền của Đào Tấn Xuân trong Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, sau khi đầu hàng địch đã khai ra nhiều thông tin quan trọng liên quan đến ông và mạng lưới cơ sở cách mạng của khu ủy ở nội thành. Sự việc được cấp báo lên Ngô Đình Nhu. Như người kéo lưới vớ được cá bự, Nhu lập tức lệnh cho tổng nha, an ninh quân đội sử dụng tàu hải quân ra Côn Đảo áp giải tù nhân về Sài Gòn để khai thác hòng tìm ra đường dây mật giữa Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn với Xứ ủy Nam Bộ, giăng lưới bắt Ba Duẩn (đồng chí Lê Duẩn), Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh)...

Hải trình từ Côn Đảo về Sài Gòn, Đào Tấn Xuân đã khôn khéo, mưu trí cảm hóa được một số lính gác quê miền Trung. Đêm mồng 5, rạng sáng 6-1-1961, khi tàu vào đến cửa biển Cần Giờ, lợi dụng lúc kẻ địch sơ hở, mất cảnh giác, ông giả vờ xin đi vệ sinh rồi nhảy tàu bơi vào rừng ngập mặn Cần Giờ trốn thoát. Sau 11 ngày ẩn náu trong rừng đước, ông được một gia đình nông dân nghèo ở Cần Giờ cứu thoát, dùng ghe chở lá dừa nước ngụy trang, tìm đường trở về căn cứ khu ủy.

Những năm sau đó, Đào Tấn Xuân được điều về nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Dù ông đã có tường trình, báo cáo đầy đủ, chi tiết về cuộc tẩu thoát với lãnh đạo Trung ương Cục, nhưng việc vượt ngục vẫn là một dấu hỏi lớn. Trong di cảo để lại, cụ Đào Tấn Xuân đã viết về vấn đề này như sau: “... Tưởng đã chết đi từ lâu, nay lại được sống trong lòng dân, lòng Đảng, tôi sung sướng vô cùng. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì có một cái gì đó làm tôi rất buồn. Đó là việc một số đồng chí tỏ ý nghi ngờ, muốn xa lánh tôi. Có anh trước đây từng là bạn bè, đồng chí hoạt động chung với nhau, có đến thăm hỏi tôi nhưng không chút niềm nở khiến tôi càng thêm băn khoăn. Các anh ấy đặt nghi vấn về việc vượt ngục của tôi. Tôi tuy có buồn nhưng cũng tự an ủi: Các anh có bị tù và vượt ngục lần nào đâu mà hiểu được, nhất là trong trường hợp vô cùng hóc búa của tôi…”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Đào Tấn Xuân (ngoài cùng, bên trái) sau khi vượt ngục, được phân công vào Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. (Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp)

Lời giải từ cuộc đoàn viên

Dịp Tết Bính Thìn 1976, anh chị em cán bộ từng hoạt động nằm vùng ở Sài Gòn tổ chức cuộc gặp mặt ấm áp tại nhà của bà Cao Thị Rốc, một cơ sở vững chắc của cách mạng trong kháng chiến, là mẹ nuôi của nhiều cán bộ cách mạng nằm vùng, trong đó có Đào Tấn Xuân. Rất nhiều gia đình là cơ sở cách mạng và những cán bộ hoạt động tình báo trong lòng địch cũng có mặt tham dự. Những gương mặt vừa lạ vừa quen, có những người dù chung chiến hào trong những năm tháng hoạt động trong lòng địch, nhưng đến nay mới biết mặt nhau. Khi Đào Tấn Xuân đang tay bắt mặt mừng với những đồng đội cũ ở Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn và những người bạn tù Côn Đảo thì một người đàn ông dong dỏng cao, vận sơ mi trắng bước đến, nở nụ cười hiền từ, cất giọng ôn tồn:

- Chào anh Năm Vân, người hùng của Côn Đảo! Anh khỏe chứ?

Ông Xuân quay sang, chưa kịp nói điều gì thì ông Nguyễn Văn Khiêm (Thiếu tướng tình báo Sáu Trí) đứng cạnh đó liền bước đến bá vai, kéo hai người lại sát nhau, tươi cười:

- Anh Ba Lễ, trưởng ty công an Côn Sơn đó, anh Năm!

Thấy ông Xuân ngạc nhiên, ông Sáu Trí tiếp:

- Bất ngờ quá phải không anh Năm? Đây chính là người đã mật báo cho anh Năm biết kế hoạch của tổng nha cảnh sát đưa anh Năm về Sài Gòn năm 1961 đó.

Câu chuyện vượt ngục của Đào Tấn Xuân từ 15 năm trước nhanh chóng trở thành đề tài được bàn luận trong cuộc họp mặt. Đến lúc này, mọi người mới biết, tay trưởng ty công an Côn Sơn Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ) năm nào hóa ra lại chính là cán bộ thuộc mạng lưới tình báo B.2, cấp bậc Cán sự 6. Ông từng là cán bộ mật của Tỉnh ủy Gò Công từ kháng chiến chống Pháp. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, theo sự phân công của tổ chức, Ba Lễ tìm cách lọt vào hàng ngũ địch, tham gia hoạt động trong một đơn vị của tổng nha và thăng tiến khá nhanh, leo lên đến ghế trưởng ty công an Côn Sơn. Bên cạnh cung cấp những thông tin tối mật, đóng góp xuất sắc cho cách mạng, trên cương vị của mình, ông đã bí mật giúp đỡ nhiều cán bộ của ta trong lao tù Côn Đảo.

Khi tổng nha có lệnh điều tàu hải quân cùng lực lượng ra Côn Đảo, phối hợp với ty công an Côn Sơn áp giải tù nhân Đào Tấn Xuân về Sài Gòn, Ba Lễ thông qua người của mình trong đám gác ngục ở nhà lao, đã mật báo cho ông Xuân biết kế hoạch tối mật này. Thông qua nguồn tin thân cận từ trong nhà lao, khi biết ông Xuân đã bàn với ông Năm Khương (đồng chí Hoàng Dư Khương, nguyên Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Chi bộ Đảng nhà tù Côn Đảo) ý định nhảy tàu trốn thoát, Ba Lễ đã tác động với lực lượng thân cận ở bệnh xá Côn Đảo, chú ý chăm lo sức khỏe, thuốc thang cho ông Xuân. Nhờ đó, ông Xuân có được mấy viên thuốc ngủ lận lưng, thứ mà ông đã lén bỏ vào ấm trà của đám lính gác trên tàu để tạo thời cơ thực hiện thành công cuộc đào thoát ngoạn mục.

 Vào thời điểm ông Xuân vượt ngục, Sáu Trí đang làm việc tại sở trung ương tình báo-nha tổng giám đốc công an cảnh sát Sài Gòn. Sáu Trí là người nghiên cứu hồ sơ về vụ vượt ngục của tù nhân Đào Tấn Xuân, do Đại úy Võ Tuyết Hồ, chủ sự phòng nghiên cứu, sở trung ương tình báo chuyển đến, để làm báo cáo trình cấp trên. Hồ sơ này đã thể hiện rất chi tiết kế hoạch đưa tù nhân về Sài Gòn và sự việc tù nhân nhảy tàu trốn thoát. Đáng chú ý trong hồ sơ có một công văn của nha an ninh quân đội gửi nha tổng giám đốc công an cảnh sát, yêu cầu cho dẫn giải Đào Tấn Xuân về Sài Gòn để thẩm vấn bổ sung. Công văn ghi rõ, việc dẫn giải này xuất phát từ lời khai của một cán bộ binh vận thuộc Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn (tức tên Khánh). Nhân vật này sau khi bị bắt đã khai ra nhiều thông tin quan trọng về một số cơ sở trong nội thành, nơi các cán bộ chủ chốt của Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn và Xứ ủy Nam Bộ cải trang ẩn náu, xâm nhập hoạt động nội tuyến. Bên cạnh đó còn có một điện văn của nha tổng giám đốc công an cảnh sát Sài Gòn gửi ty công an Côn Sơn, chỉ thị cho cơ quan này phối hợp với lực lượng của tổng nha, áp giải tù nhân đặc biệt này về Sài Gòn để tiến hành thẩm vấn. Văn bản ghi lời khai của các lực lượng thực thi nhiệm vụ theo lệnh của tổng nha cũng thể hiện rõ, do tù nhân ốm yếu, lại bị bệnh tiêu chảy, kiết lỵ nên lính canh đã sơ suất, chủ quan không cùm chân tù nhân. Khi tàu vào khu vực rừng Sác, tù nhân xin đi vệ sinh, lợi dụng sơ hở của lính canh đã nhảy tàu trốn thoát.

 Những thắc mắc, hoài nghi về cuộc vượt ngục khiến không ít người cho là “không tưởng” của Đào Tấn Xuân được sáng tỏ sau khi những cán bộ tình báo như Sáu Trí, Ba Lễ… lên tiếng, với tư cách là những nhân chứng lịch sử. Trên cơ sở đó, cấp trên đã kết luận, vụ vượt ngục của đồng chí Đào Tấn Xuân (Phan Kiệm) là hoàn toàn đúng sự thật. Sự kiện này thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí của đồng chí Đào Tấn Xuân tìm đường trở về với cách mạng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, đồng thời thể hiện tài năng, bản lĩnh, trình độ, kỹ năng giữ bí mật, phối hợp tuyệt vời của các cán bộ tình báo thuộc mạng lưới tình báo B.2…

PHAN TÙNG SƠN