Cuộc sống - chất men của nghệ thuật

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Hiếu bắt đầu câu chuyện với tôi bằng một câu hỏi khá bất ngờ: “Cậu có thuộc bài hát Tôi là Lê Anh Nuôi không?”. Thay cho câu trả lời, tôi cất giọng khe khẽ: Ấy tháng Chạp năm ngoái tôi vào bộ đội/ Trên lại điều cho làm anh nuôi… Mới hát được vài câu, ông đã ngắt lời: “Thiếu thực tế nên cậu hát chỉ như cái máy thôi. Ngay cả tôi, nếu không có thực tế thì cũng chẳng có một Trần Hiếu như ngày nay”. Và rồi ông chầm chậm đưa tôi về với những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi ấy, chàng thanh niên Trần Hiếu ở tuổi 25: “Năm 1962, tôi cùng nhạc sĩ Đàm Thanh đi thực tế để vừa sáng tác, vừa biểu diễn. Chính khoảng thời gian này, tôi có dịp tìm hiểu nhân vật “Lê Anh Nuôi” trong bài hát của Đàm Thanh. Đó là nhân vật có thật, một cậu trai Hà thành, mới vào bộ đội, tuổi đời mười tám, đôi mươi. Khi được cấp trên giao cho nhiệm vụ nấu bếp, cậu ta ngượng ngùng, bởi bạn bè được cầm súng ra chiến trường giết giặc, còn mình lại làm anh nuôi, quanh quẩn với soong nồi, củi lửa, su hào, cà chua… Cho nên, cậu ta ngượng là phải. Bao ý nghĩ vẩn vơ trong đầu, nhất là khi gặp người quen hay những cô gái duyên dáng xinh tươi, biết nói gì, chẳng lẽ lại nói mình làm anh nuôi. Nhưng khi đã hiểu ý nghĩa của công việc thầm lặng mình làm, góp phần chăm lo sức khỏe cho bộ đội ăn no, đánh thắng, cậu trai Hà thành đó lại phấn khởi, tự hào mà khoe với mọi người rằng, tôi là “Lê Anh Nuôi”. Hai sắc thái khác biệt, chuyển hóa nhanh chóng, đại diện cho một thế hệ thanh niên xả thân cống hiến. Sau khi trò chuyện với mẫu hình nhân vật, cảm nhận được những cung bậc cảm xúc, tình cảm thực tế của anh nuôi, tôi đã tìm ra cái hài vui nhộn trong nhân vật. Và tôi hát, hát bằng cả trái tim, hòa mình vào nhân vật để có một “Lê Anh Nuôi” hóm hỉnh, hài hước nhưng đằng sau đó là cả một giá trị tâm hồn sâu sắc”.

leftcenterrightdel
NSND Trần Hiếu hát cùng các cựu chiến binh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cũng với vốn kiến thức tích lũy từ thực tế, với bao lần bom dập, bom vùi, khi bên ụ pháo, lúc dưới hố sâu hay hầm địa đạo, Trần Hiếu đã thể hiện thành công bài hát “Anh quân bưu vui tính”. Trong chiến tranh, anh quân bưu như nhịp cầu nối những bờ vui, nối liền hậu phương-tiền tuyến, cho đôi lứa thêm gần nhau hơn. Cũng trong hành trình ấy, anh quân bưu “để mắt” đến cô quân y xinh đẹp. Thế nhưng, cô đã có người yêu và anh lại là người chuyển thư, cầu nối giữa hai đầu nỗi nhớ của họ. Dù vậy, anh vẫn thấy trong lòng vui sướng, hay hát, hay cười. Rồi, cũng có lá thư dán tới 5 con tem, bởi mỗi lần thư tới thì đơn vị đã chuyển đi nơi khác. Mỗi lần “lỗi nhịp” như thế lại thêm một con tem trên cánh thư… NSND Trần Hiếu bộc bạch: “Tôi tâm đắc với chi tiết lá thư dán tới 5 con tem, thậm chí còn nhiều hơn. Đây là chi tiết xuất thần từ thực tế cuộc sống, chiến đấu của người lính trong chiến tranh, nay đây mai đó là chuyện thường tình. Chỉ những anh quân bưu vui tính, hiểu rõ trách nhiệm, tình cảm mới luôn hát, luôn cười dù 5 lần chuyển một lá thư và hạnh phúc, sướng vui khi chuyển thư của… người mình yêu đến với người yêu. Nó chất chứa biết bao nhiêu tình! Phải hiểu được thực tế diễn ra như thế mới cảm hết cái sự vui tính của anh quân bưu, mới thấu cái hồn của bài hát để nhập tâm, hóa thân vào nhân vật, hát để chuyển tải tình cảm, để người nghe thêm yêu quý Bộ đội Cụ Hồ, nhân lên lòng yêu nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng chứ không phải hát cho xong.

Sáng tạo, nhiệt huyết, đam mê

Với nhiệt huyết hát về người lính, NSND Trần Hiếu đã mày mò, sáng tạo để đưa những hình ảnh, câu chuyện về đề tài chiến tranh cách mạng, về Bộ đội Cụ Hồ lên một tầm cao mới. Ngoài “Anh quân bưu vui tính”, “Tôi là Lê Anh Nuôi”, còn có ca khúc “Con voi” là sự sáng tạo điển hình trong việc kết hợp nhuần nhuyễn hai ca khúc của hai nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Đình Thi. NSND Trần Hiếu nhớ lại: “Năm 1947, Nguyễn Xuân Khoát viết “Con voi” cho lứa tuổi thiếu nhi. Lời bài hát rất mộc mạc, tưởng như tả thực đơn thuần: Con vỏi con voi, cái vòi đi trước, hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau, còn cái đuôi đi sau rốt, tôi xin kể nốt cái chuyện con voi. Một hôm, anh Khoát bảo tôi: “Tớ đố cậu đưa được bài “Con voi” lên sân khấu”. Tôi ngẫm nghĩ mãi, thử đi thử lại nhiều lần nhưng vẫn vướng ở câu kết. Để nguyên như vậy mà hát thì ai thèm nghe. Tôi tìm đến thầy giáo của mình để hỏi xem bài hát này có ẩn ý gì không? Trầm ngâm một lúc, thầy nói: “Cái vòi là vua chúa, chân trước là quan lại triều đình, chân sau là quan lại địa phương, cái đuôi là người dân. Hay thật, bài hát ẩn ý mỉa mai trật tự xã hội trong chế độ phong kiến”. Tôi mừng rỡ, tâm đắc, rồi chợt lóe lên ý nghĩ: Bây giờ là thời đại cách mạng thì trật tự đó sẽ phải đổi ngược lại, cái đuôi đi trước… Thế nhưng như vậy vẫn loay hoay, chưa ổn lắm! Đến khi tôi bắt gặp bài hát về con voi của Nguyễn Đình Thi, thấy ý tứ sâu xa và cái vòi voi ngầm hiểu là khẩu pháo của bộ đội ta trên chiến trường đánh Mỹ, nên tôi chọn lựa và kết hợp hai bài hát thành bài “Con voi” hoàn chỉnh”.

Ông cất giọng hát cao vút: “…Voi, voi này voi, voi vòi là voi… voi ơi/ Gớm sao chú nặng, chú to cồng kềnh/ Ơ này nòng, ơ này ống, đây là thân đạp, chân tỳ/ Hì hà hì hục, ta lên cao, lên cao/ Voi tớ lên đây rồi, ầm… ầm.../ Voi ơi voi, voi gầm lên, voi thét lên, tan xác chúng nó ra…”. Bài hát không còn đơn giản là kể về con voi mà đã thể hiện khí thế tiến công, sức mạnh của ý chí, nghị lực và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta đưa pháo lên cao, vào gần bắn thẳng, tiêu diệt quân thù. Cũng bài hát “Con voi” này, ông đã đi biểu diễn ở sân khấu quốc tế, được khán giả nhiệt liệt cổ vũ. Ông bảo: “Qua bài hát, tôi muốn gửi đến bạn bè quốc tế một thông điệp, khẩu pháo của người Việt Nam là như thế, chứ không chỉ là sắt thép lạnh giá, khô khan. Để có được ẩn ý sâu xa, người nghệ sĩ phải sáng tạo, phải chuyên nghiệp, đam mê với nghề, có trách nhiệm trong từng lời ca, tiếng hát thì mới có được những ca khúc để đời”.

Có lần Trần Hiếu vào Hà Tĩnh, hát phục vụ bộ đội Khu 4. Địa hình “sân khấu” rất nhiều hố bom, vật che khuất tầm nhìn. Nếu ông đứng hát bình thường sẽ không thuận tiện cho anh em quan sát. Ông liền ôm cây đàn bước xuống hố bom để biểu diễn, nước ngập đến đầu gối. Vậy là các chiến sĩ trẻ ngồi quây quanh miệng hố bom, dễ dàng nghe và xem ông biểu diễn. Đến khi kết thúc chương trình, hai chân ông có tới 7 con đỉa bám chặt, hút máu no kềnh...

NSND Trần Hiếu giãi bày: “Tôi may mắn được sống trong những giai đoạn lịch sử đầy hào khí dân tộc và hào khí thời đại. Tôi thấu hiểu được giá trị của thực tế cuộc sống, của sự chuyên nghiệp nên dù tuổi đã ngoài 80, mỗi khi thể hiện ca khúc mới, tôi vẫn phải dày công tìm hiểu thực tế, tìm tòi, sáng tạo trong cách biểu diễn để đưa ca khúc gần gũi nhất với người nghe”...

HOÀNG THÀNH