“Chuyến đi cuối năm 1964, đúng vào dịp Tết nên ngoài việc tiếp nhận vũ khí, theo dõi thời tiết, nắm tình hình địch, chuẩn bị hậu cần…, chúng tôi còn chủ động gói bánh chưng, làm giò chả, chuẩn bị mứt Tết sẵn sàng đón xuân trên biển.
Thời tiết không thuận lợi, sau ba ngày vượt sóng to gió lớn, luồn lách tránh các tuyến tàu tuần tiễu của địch, chiều 30 tháng Chạp, Tàu 41 chuyển hướng vào bờ. Qua ống nhòm, tôi thấy rõ hai tàu tuần tiễu địch đang di chuyển. Phải tránh! Tôi ra lệnh cho Tàu 41 chuyển hướng để tránh và tạo khoảng cách xa hơn, lúc này đã 16 giờ... Sau khi xác định lại vị trí trên hải đồ, tôi lệnh cho tàu tăng tốc hành quân giữa ánh hoàng hôn bao trùm lên mặt biển...
    |
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh kể chuyện về “nắm đất thiêng”. |
Gần nửa ngày chống chọi với sóng gió, đúng 23 giờ 50 phút, tàu chúng tôi vào tới Vũng Rô. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, đột nhiên, hàng loạt súng pháo nổ vang, những chiếc đèn dù xanh, đỏ từ đồn địch ở dốc Ba Ty phụt lên treo lơ lửng giữa khoảng trời Vũng Rô.
- Lộ rồi sao? Địch đã phát hiện tàu ta chăng? Sao không thấy động tĩnh từ phía địch?
Mọi người hồi hộp, lo lắng... Từ khoang báo vụ, chiếc đài bán dẫn vang lên lời Bác Hồ chúc Tết nghe đầm ấm. Giao thừa! Mùa xuân 1965 đã tới. Thời khắc trời đất giao hòa, chúng tôi xúc động trào rơi nước mắt... Sau khi cử lực lượng cảnh giới nắm tình hình địch, cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ được thực hiện ngay trong khoang máy và hầm hàng. Rượu, thịt, dưa hành, thuốc lá chúng tôi mang theo. Cá, mực đồng bào biếu tặng được bày ra càng tăng thêm hương vị đậm đà của mùa xuân.
Trong niềm vui ấy, tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ Tàu 41 chúc Tết các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy, chiến sĩ, dân công và bà con đồng bào tại bến. Tiếng vỗ tay thay pháo Tết nổ vang. Anh Sáu Thu giục cô gái ngồi bên cạnh (là giao liên của bến) thay mặt bà con địa phương chúc Tết anh em thủy thủ. Cô gái ửng hồng đôi má, ngập ngừng đứng lên: “Có Đảng, có Bác Hồ và đồng bào miền Bắc lo cho miền Nam từng khẩu súng, viên đạn, viên thuốc; có các anh thủy thủ vượt qua sóng to, gió lớn, đối mặt với quân thù vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, quê hương Phú Yên nguyện xứng đáng với nghĩa tình cao cả đó”. Nghe cô giao liên nói vậy, ai cũng nghẹn ngào...
Tối Mồng Một Tết Ất Tỵ, chúng tôi bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tạm bằng cây không đủ sức cho số đông người đi lại, nên đa số anh chị em dân công phải dầm mình dưới nước chuyển hàng. Phía đèo Cả, súng địch vu vơ bắn cầm canh. Chúng đâu ngờ rằng, cách không xa là không khí làm việc khẩn trương của cán bộ, thủy thủ Tàu 41 và đồng bào Phú Yên. Hàng bốc dưới tàu lên là vũ khí, thuốc men, quần áo. Hàng trên bờ xuống là khoai, sắn, bánh chưng, rượu, thịt đồng bào gửi tặng và hàng chục bao cát. Cát của Vũng Rô được chuyển xuống tàu để giữ ổn định phòng khi ra khơi gặp bão dông.
Công việc xếp dỡ hàng vừa xong, từ trong đêm tối có cô gái cầm trong tay một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng chiếc khăn tay trao cho tôi, giọng run run: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường, bất khuất. Có súng, có đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công, là mồ chôn thây quân giặc cướp nước!”. Bùi ngùi xúc động, cầm nắm đất Vũng Rô trong tay, tôi như muốn ôm cả đất trời quê hương Phú Yên vào lòng với tình cảm trân trọng, thiêng liêng...
Cuộc chia tay trong đêm Xuân Ất Tỵ hết sức quyến luyến. Những giọt nước mắt tuôn trào, những lời chúc “lên đường thuận buồm xuôi gió, ở lại mạnh khỏe, chiến đấu hăng say, hứa hẹn ngày trở lại”. Xa xa, tiếng pháo địch vẫn bắn cầm canh. Đúng 3 giờ Mồng Hai Tết, tôi ấn mạnh tay chuông, con tàu rùng mình rẽ sóng ra khơi...".
"Thưa bác! Nắm đất thiêng giờ nơi đâu? Cô giao liên năm nào bác có còn gặp lại không?"-tôi hỏi.
Ông Hồ Đắc Thạnh trả lời: “Nắm đất thiêng Vũng Rô được chúng tôi nâng niu, gìn giữ suốt chặng đường vượt biển, hiện được đặt trang trọng trong Bảo tàng Quân chủng Hải quân. Còn cô giao liên ngày ấy tôi đã đi tìm suốt hơn 40 năm mới gặp lại. Chiến tranh kết thúc, tôi về công tác ở Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Năm 1984, tôi nghỉ hưu tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Trong quãng thời gian ấy, tôi đã mải miết đi tìm. Mãi đến năm 2004, tôi về thăm quê hương Phú Yên thì điều kỳ diệu đã đến. Người con gái mà tôi đằng đẵng đi tìm gần nửa thập kỷ qua lại chính là bà Nguyễn Thị Tảng, vợ của đồng chí Nguyễn Văn Dữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh-nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tuy An".
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG