Để đến ngày 24 tháng Chạp-qua Tết ông Công ông Táo một hôm, thì đưa toàn bộ sức mạnh quân sự-sau 10 ngày rút về đứng chân ở trên miền đất phát tích của nhà Trần, đã được củng cố, kiện toàn, tiến cả lên đánh một trận quyết chiến chiến lược ở Đông Bộ Đầu (vùng dốc Hàng Than, quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình, TP Hà Nội bây giờ), quét sạch quân xâm lược khỏi Thăng Long, đuổi chúng chạy dài về nước!
Kinh đô được khôi phục và có một tuần lễ cuối năm, giáp Tết để dọn dẹp, sửa sang lại sau 10 ngày bị giặc tạm chiếm, phá phách.
Đúng ngày Mồng Một đầu năm Mậu Ngọ (5-2-1258), vua Trần Thái Tông lệnh cho triệu tập đông đủ văn võ bá quan vào tòa chính điện Thiên An-xây cao trên đỉnh ngọn núi Nùng ở chính tâm Hoàng thành Thăng Long, trọng thể và tưng bừng làm hai lễ lớn một lúc: Vừa mừng năm mới, vừa mừng chiến thắng!
Nhân vật thứ nhất được trăm mắt ngưỡng mộ dồn về, giữa buổi đại lễ, là Thái tử Trần Hoảng. Sinh năm Canh Tý (1240), mới 17 tuổi, vào những ngày quân Mông Cổ kéo đến xâm lược, nhưng ở trận Đông Bộ Đầu, Trần Hoảng đã xin được vào cuộc xung sát, đánh giặc cực kỳ dũng mãnh, không hổ danh dòng dõi Đông A, xứng đáng là người sẽ kế nghiệp nhà Trần!
Vua Trần Thái Tông đã nhận ra sự ngưỡng mộ của trăm quan đối với con trai mình. Phù hợp với suy tính mấy ngày vừa qua: Trần Hoảng sang năm mới này đã tròn 18 tuổi! Thế là một quyết định trọng đại hình thành: Trần Hoảng sẽ được nhường ngôi, thay vua cha làm Hoàng đế nước Đại Việt ngay trong mùa xuân này!
Quả nhiên, sau hơn một tháng nhộn nhịp chuẩn bị, đến ngày 24 tháng Hai, giữa mùa xuân và vẫn ở giữa tòa chính điện Thiên An, đại lễ đăng quang của vị tân vương trẻ tuổi-lấy niên hiệu là Thiệu Long, tự xưng là Nhân Hoàng, đã được tiến hành thật hoành tráng, mở ra đời trị vì 21 năm của vị hoàng đế thứ hai nhà Trần, sau có miếu hiệu là Trần Thánh Tông.
Nhân vật được chú ý thứ hai trong buổi lễ mừng năm mới và mừng chiến thắng ở điện Thiên An ngày Mồng Một Tết năm Mậu Ngọ 1258 là Lê Tần.
Dòng dõi trực hệ của vua Đại Hành nhà Tiền Lê, trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông Cổ cuối năm Đinh Tỵ, Lê Tần là vị tướng quân đã theo sát Hoàng đế Trần Thái Tông khi lâm trận, cũng như lúc rút lui chiến lược về đứng chân ở căn cứ địa hậu phương như hình với bóng.
Chính Lê Tần, trong cuộc giao tranh trận địa chiến đầu tiên với giặc ở Bình Lệ Nguyên (nay thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), ngày 12 tháng Chạp (17-1-1258) đã “một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không”-như lời sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép, để hộ giá vị hoàng soái Trần Thái Tông.
Và khi thế trận đã núng mà vua Trần Thái Tông lại vẫn “say đòn”, nghe theo lời khuyên của tả hữu, quyết một trận tử chiến “đánh chết thôi”, thì chính Lê Tần là người khiến vị tổng chỉ huy chiến trường bừng tỉnh ngộ bằng câu nói bất hủ: “Như thế này là bệ hạ đang đánh một ván dốc túi đấy!”. Và thế là cuộc lui quân để bảo toàn lực lượng, rồi củng cố lực lượng, tiến lên làm cuộc đại phản công tập kích Đông Bộ Đầu đã được thực hiện!
Rồi nữa, trên đường rút lui từ Bình Lệ Nguyên về Phù Lỗ bằng thuyền bị giặc dùng kỵ binh đuổi theo, từ bờ sông bắn tên như mưa xuống thuyền, lại vẫn là Lê Tần đã bóc cả một tấm ván sạp thuyền làm nên một lá chắn khổng lồ, che cho Trần Thái Tông khỏi bị tên bắn sát thương. Đến khi về được tới căn cứ địa Long Hưng, trong những việc khôi phục lực lượng, liệu định kế hoạch đại phản công, đánh trận quyết chiến chiến lược Đông Bộ Đầu thì một lần nữa, lại vẫn là Lê Tần: “Theo vua bàn những việc cơ mật”-như lời sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép!
Cho nên, ở cuộc đại thắng giặc cũng như ở buổi đại lễ ngày Mồng Một Tết giữa chính điện Thiên An, chắc chắn và rõ ràng, Lê Tần phải là người có công hàng đầu!
Quả nhiên, vào cuộc khen thưởng công lao, một loạt vinh dự và ân huệ đã được vua Trần Thái Tông trước hết ban cho Lê Tần.
Chức mới “Ngự sử đại phu”-theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” hoặc “Nội thị phán thủ”-theo sách “An Nam chí lược” là một trọng trách; còn tước mới “Bảo Văn hầu” là một vinh dự; nhưng họ tên: Từ nguyên gốc Lê Tần, được chính vua Trần Thái Tông cho đổi gọi thành “Lê Phụ Trần”-với nghĩa là: “Người họ Lê giúp đỡ nhà Trần” kèm lời khen tặng chí tình được sử cũ chép nguyên văn: “Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay!”-mới là việc thân thiết cảm động và quý giá nhất.
Chính từ đây đã dẫn đến một chuyện chưa từng thấy, vừa là ân huệ tối thượng đối với Lê Tần-Lê Phụ Trần, lại vừa mở ra con đường tái sinh cho nhân vật thứ ba; và ở buổi đại lễ đầu năm mới Mậu Ngọ 1258 tại tòa chính điện Thiên An-cách Tết Mậu Tuất 2018 vừa đúng 760 năm, mặc dù nhân vật này không thể có mặt trong buổi đại triều ngày ấy.
Đó là Công chúa Lý Phật Kim (tức Lý Chiêu Thánh), từng là nữ hoàng cuối cùng của triều đại nhà Lý (từ cuối năm 1224) và là hoàng hậu đầu tiên của vua Trần Thái Tông (từ đầu năm 1226).
Nhưng vì sinh năm 1218, làm vợ Trần Thái Tông lúc chỉ mới 8 tuổi nên bà hoàng hậu họ Lý này của vị hoàng đế đầu triều nhà Trần không (chưa thể sớm) sinh nở được người “nối dõi tông đường” cho triều đại nhà Trần. Do đó, đến năm 1237, bà đã bị buộc phải nhường ngôi chính cung hoàng hậu cho chị ruột của mình là Lý Thuận Thiên, để bà này đến năm 1240 cùng vua Trần Thái Tông sinh hạ được cho nhà Trần không chỉ một Thái tử Trần Hoảng (tức Hoàng đế Trần Thánh Tông) mà còn cả Trần Quang Khải (vào năm 1241)-sau thành quan Thượng tướng Thái sư, Chiêu Minh Đại vương, và sau đấy là nhiều hoàng tử, đại quan khác nữa.
Suốt thời gian đó cho đến năm 1258, trong khi Lý Chiêu Thánh phải lui vào hậu cung sống vò võ một mình thì vua Trần Thái Tông vốn có tấm lòng rất nhân hậu cũng không thể nào quên được người vợ trẻ (con) đầu tiên của mình. Vì thế, trăn trở suốt hơn 20 năm, đến ngày đại lễ đầu Xuân năm Mậu Ngọ 1258 ở chính điện Thiên An, giữa không khí tưng bừng của ngày Mồng Một Tết, giữa tinh thần hồ hởi của buổi lễ thưởng công mừng chiến thắng, nhà vua mới tìm được đúng dịp để giải tỏa ẩn ức của mình: Ban thêm lệnh hậu đãi và thưởng công đặc biệt cho Lê Tần-Lê Phụ Trần được lấy Lý Chiêu Thánh làm vợ!
Được ra khỏi hậu cung, trở thành vợ của vị danh tướng-danh thần công huân, Lý Chiêu Thánh đúng là được tái sinh vào lúc đã ở tuổi 41 (kể cả “tuổi mụ”). Hạnh phúc đến với người thực sự làm vợ là được làm mẹ. Ở tuổi đã rất muộn, người vợ trẻ (con) cũ của vua Trần Thái Tông vẫn cùng Lê Tần-Lê Phụ Trần sinh nở xuôi chèo mát mái được hai con, đủ nếp, tẻ! Người con gái, sau đấy được gả cho Chiêu Minh Đại vương, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Còn người con trai chính là Bảo Nghĩa hầu (về sau được truy phong là Bảo Nghĩa vương) Trần Bình Trọng-người đã vẻ vang đi vào lịch sử với câu mắng giặc đầy khí tiết bất hủ: “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc!”.
GS LÊ VĂN LAN