Tết hòa hợp
Trên Báo Mercury News của Thung lũng Silicon, San Francisco đã có bài viết về lễ hội đón năm mới 2016 của cộng đồng người Việt tại đây. Với nhan đề “Tết Việt Nam-một lễ hội thật độc đáo”, tác giả Joe Rodriguez viết: “Một ngày nắng ấm, hàng nghìn Việt kiều trẻ tại Mỹ bắt đầu đón Tết Nguyên đán trong những tấm áo dài duyên dáng của phụ nữ và áo the truyền thống của đàn ông. Họ múa hát các điệu dân ca, dân vũ và chủ trương nuôi dạy con mình theo tinh thần hòa hợp. Thế hệ con cái họ đang tích cực đón nhận “gậy tiếp sức” trong công cuộc đồng lòng gìn giữ bản sắc dân tộc Việt tại hải ngoại.
|
|
Người Việt ở bang California đi chợ hoa dịp Tết. (Ảnh: TUY CAN) |
- Chúng tôi muốn đón Tết không có định kiến chính trị-Vinh Yen Nguyen, người vừa tốt nghiệp Đại học Thái Bình Dương, một trong hơn 100 tình nguyện viên đại học và trung học tổ chức hoạt động này nói-Đây chính là cách chúng tôi đoàn kết với nhau.
Sau màn múa trong trang phục truyền thống của Việt Nam, lễ hội bỗng trở nên trẻ trung, hiện đại, mang sắc thái pha trộn nhiều nền văn hóa. Nào là lễ hội thi ăn bánh trứng (trộn rau, thịt, hải sản), các vũ điệu DJ, karaoke, tấu nhạc pop và trình diễn của các trường phái võ thuật.
- Tôi nghĩ rằng các ưu tiên hiện nay là học tập và đường công danh-Mikelle Le, 43 tuổi chia sẻ. Le cùng gia đình sang Mỹ sau năm 1975. Hiện cô là nữ nhân viên y tế tại quận Santa Clara, đồng thời là huấn luyện viên võ dân tộc Việt Nam…
Lien Dinh, 50 tuổi, trong ký ức còn đọng cảnh bom rơi đạn nổ, nhưng không hề muốn nói về quá khứ. Bà muốn dạy con về tầm quan trọng của các quyền con người trên toàn cầu. Con của bà Lien là Jeremy, một cậu trai 15 tuổi, mặc áo the màu đỏ chói. Em gái của Jeremy là Jenna, cũng mặc áo dài dân tộc, nhưng nhã nhặn hơn so với những chiếc áo dài rất mốt của các phụ nữ tham gia cuộc thi thời trang. Các con của bà Lien cho hay, không bị mẹ mình ép buộc đến dự lễ hội Tết và cũng không bị bắt phải mặc các trang phục truyền thống. “Cháu thấy mình bảnh trong y phục này và hôm nay học hỏi được nhiều điều”-Jeremy nói.
Chắc có sự khác biệt nhất định trong giới trẻ, giữa những người sinh ra ở Hoa Kỳ và những người mới ở Việt Nam sang-một số lượng không phải nhỏ. Nhưng những thành viên của lễ hội này không cố nhấn mạnh những khác biệt ấy.
Về tín ngưỡng, Chùa Hoa Sen Tía của Phật giáo trong dịp này cổ xúy các hoạt động từ thiện. Quà Tết dành cho trẻ em thuộc gia cảnh neo đơn cũng được phân phát để động viên tinh thần ái hữu cộng đồng.
Tôi thấy thủ lĩnh sinh viên Vinh Yen Nguyen khoác một chiếc áo da rất mốt ngoài áo dài truyền thống của mình. Sinh ra ở Hoa Kỳ, cô nói mình quan tâm nhiều đến việc lôi cuốn các thiếu niên và nhi đồng Mỹ gốc Việt vào các lễ hội như Tết, không để văn hóa Việt ở đây bị biến mất”.
Làng văn hóa Việt
Trong phóng sự ngày 3-2-2016 của Hãng Phát thanh-Truyền hình quốc gia NBC, Mỹ có nhan đề “Kết nối các thế hệ: Tại lễ hội Tết Việt, làng văn hóa đang giúp già trẻ quây quần”, nữ ký giả Kristine tường thuật: “Hơn ba thập kỷ nay, hằng năm, Liên hiệp Hội Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (UVSA) tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán để mang văn hóa Việt Nam sang miền đất Nam California. Hoạt động này được cử hành tại khu Little Saigon ở quận Cam, địa phương có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông nhất Hoa Kỳ.
|
|
Em nhỏ trong trang phục truyền thống tại Làng văn hóa. (Ảnh: Liên hiệp Hội Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ) |
Lễ hội Tết Việt 2016 diễn ra từ ngày 12 đến 14-2-2016 tại Trung tâm Hội chợ và Sự kiện OC. Các nhà tổ chức đã xúc tiến một hoạt động độc đáo, đó là dựng lên một “Làng văn hóa” trong khuôn viên trung tâm này với những công trình mô phỏng kiến trúc và truyền thống Việt.
- Không chỉ có văn hóa được giữ gìn, làng còn là nơi sum họp giữa các thế hệ-Emmerick Doan, một trong những giám đốc văn hóa của UVSA chia sẻ-các vị đang được chứng kiến cảnh trẻ em “vui như Tết” và những người có tuổi đánh cờ tướng.
Tinh thần của Làng văn hóa Tết năm nay là “Việt Nam: 4.000 năm văn vật, quật cường”. Làng có bản sao Chùa Một Cột do vua Lý Thái Tông xây ở Việt Nam vào thế kỷ 11; mô hình nhà ở của nông dân Việt dựng bằng tre, rơm, lợp lá cọ. Một hoạt động khác xoay quanh bức tường thiệp chúc Tết, nơi khách đính lên đó những ước nguyện tốt đẹp cho năm mới. Có cả một khu vực ẩm thực, nơi khách có thể nhâm nhi một chút rượu với mực khô. Bắt đầu chỉ với 4 căn nhà truyền thống Việt vào thập niên 1990, Làng văn hóa Việt hôm nay đã bề thế hơn và cũng toát lên nhiều ý nghĩa hơn.
Làm mỗi phiên bản Làng văn hóa Việt thường mất khoảng một năm, theo Emmerick Doan. Khâu lập kế hoạch cho Tết tới thường bắt đầu từ cuối đợt hoạt động đón Tết của năm trước. Các công trình thường được thi công bởi khoảng 100 người, nhiều trong số họ là tình nguyện viên và học sinh, sinh viên cùng gia đình. Đối với Doan và Jerry Huynh, em trai Doan, hoạt động đón Tết cổ truyền này trở thành “việc nhà”.
Emmerick Doan bắt đầu tham gia lễ hội này cùng với cha mình vào năm 2006, khi Doan học lớp 6. Sau khi làm tình nguyện viên khoảng hai năm, Doan đã trở thành một thành viên trụ cột của lễ hội, rồi thành giám đốc văn hóa của UVSA.
Jerry Huynh bắt đầu tham gia hoạt động tình nguyện từ khi học lớp 7, khi anh Doan của cậu đã là giám đốc văn hóa của UVSA. “Đối với tôi, đây quả là một cơ hội để tách ra khỏi “tháp ngà” của mình và tham gia vào hoạt động cho cộng đồng”-Huynh nói.
Được anh trai dẫn dắt, Huynh trở thành tình nguyện viên trụ cột vào năm sau đó, rồi trở thành một giám đốc văn hóa của UVSA như anh mình.
Cả bố mẹ, anh chị em một nhà cùng tham gia tổ chức lễ hội Tết cổ truyền như trường hợp của Doan và Huynh không phải là hiếm. “Một số bạn đưa mẹ, cô, dì, anh chị em họ đi cùng tham gia các hoạt động, chẳng hạn như gói bánh chưng. Hoạt động này vô cùng rôm rả”-Huynh nói. Các giám đốc văn hóa của UVSA nhận định rằng, đội ngũ tình nguyện viên gắn kết với nhau như con một nhà. Hẹn hò của thành viên UVSA trong hoạt động mô phỏng đám cưới truyền thống Việt là chuyện thật. Còn các cặp cô dâu, chú rể trong “đám cưới” này lại chính là những bộ đôi trong đời thực đang có kế hoạch xây dựng gia đình với nhau.
Doan và Huynh nói rằng, đối với nhiều tình nguyện viên trẻ sinh trưởng ở Mỹ, tham gia lễ hội Tết chính là sợi chỉ hồng nối họ với các thành viên nhiều tuổi hơn của gia đình mình. “Quả là hữu ích khi chúng tôi được giao lưu với thế hệ cao tuổi hơn, nhất là khi các tình nguyện viên ở lứa tuổi tôi thường không thông thạo tiếng Việt”-Doan nói-“Chẳng hạn, khi chuyện trò với bà tôi về chủ đề đón Tết, bà tôi hỏi: “Các cháu sáng tạo những gì trong dịp này?”. Tôi trả lời: “Dạ, chúng cháu làm một cái Chùa Một Cột”.
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)