Từ những kiểu ngụy biện
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịp kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2021), TP Hồ Chí Minh quyết định không tổ chức bắn pháo hoa. Các địa phương cũng không tổ chức hoạt động kỷ niệm tập trung đông người, dành thời gian và nguồn lực cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ai cũng thấy, đó là một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước. Vậy nhưng, với bản chất chống phá đến cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, các thế lực thù địch và phần tử phản động lại nhân cơ hội này xuyên tạc, bóp méo thông tin, đánh tráo khái niệm nhằm lèo lái dư luận theo ý đồ xấu. Một số tài khoản trên mạng xã hội của người Việt Nam ở nước ngoài lập tức “kiến nghị” rằng “nhân dịp này, Việt Nam nên bỏ luôn việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4 hằng năm”. Họ lập luận rằng, hiện “có nhiều quan niệm mâu thuẫn về ngày 30-4. Đảng, Nhà nước Việt Nam gọi đó là “Ngày chiến thắng”, “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Ngày hội non sông”... Nhưng một số người Việt Nam ở nước ngoài và những người từng ở chiến tuyến bên kia tại Sài Gòn và miền Nam trước năm 1975 thì coi đó là “ngày quốc hận”, “tháng tư đen”... Họ cho rằng “để thực sự thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù thì cần chấm dứt các hoạt động kỷ niệm về Ngày chiến thắng 30-4”...
Lập luận nói trên chỉ là cách nói kiểu ngụy biện của một số cá nhân có tư tưởng cực đoan chính trị. Tuy nhiên, nó lại nhanh chóng được nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại có tư tưởng thù địch, chống phá đất nước coi đó là những “kiến nghị”, “góp ý” mang tư tưởng “nhân văn, tiến bộ”... để bám vào đó thổi phồng, đẩy lên thành những chiến dịch tuyên truyền. Họ tổ chức những hình thức hoạt động kiểu như tọa đàm, phỏng vấn, bàn tròn trực tuyến... để cho một số cá nhân có tư tưởng thù địch với đất nước bày tỏ quan điểm. Bên cạnh những nhân vật tự xưng, tự phong là các “chuyên gia”, “nhà nghiên cứu”... họ còn lôi kéo một số thanh niên vào cuộc, coi đó là “tiếng nói đại diện cho thế hệ trẻ” người Việt Nam ở nước ngoài. Cái gọi là “phỏng vấn”, “lấy ý kiến thế hệ trẻ”... thực chất là một kiểu ngụy tạo hình thức, cho các nhân vật nói theo kịch bản đã dựng sẵn để lèo lái dư luận theo cách “vừa đá bóng vừa thổi còi”...
Thấy gì phía sau những hành động chống phá?
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai các chương trình, phong trào hoạt động kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2022) với tinh thần thích ứng an toàn với dịch Covid-19, khôi phục mạnh mẽ các hoạt động kinh tế-xã hội, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Đông đảo kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới cũng đã và đang hướng về quê hương bằng những hành động, chương trình thiết thực, với niềm tin tưởng, tự hào to lớn. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Trong hai tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp FDI lên đến gần 5 tỷ USD. Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, song lượng kiều hối về Việt Nam vẫn tăng. Năm 2021, kiều hối tăng 10% so với năm 2020. Dự kiến trong năm 2022, dòng kiều hối về Việt Nam tiếp tục đà phục hồi và tăng ở mức 5-7%... Những con số đó đã góp phần giúp nước ta đạt được thành tựu quan trọng trong hành trình phục hồi kinh tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Những kết quả đó cũng chính là bằng chứng thuyết phục, chứng minh đại đa số người Việt Nam ở nước ngoài luôn coi mình là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của dân tộc, đất nước. Các thế hệ kiều bào luôn luôn và mãi mãi là “máu của máu Việt Nam”, là “thịt của thịt Việt Nam” như lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định khi tiếp xúc với đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và quê hương, nguồn cội luôn là bệ đỡ, niềm tin, động lực cho cộng đồng kiều bào yêu nước. Cái gọi là người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tưởng niệm “ngày quốc hận”, thực chất chỉ là hành động tụ tập của một số đối tượng cá biệt. Xem các clip được họ dàn dựng, tung lên mạng xã hội, ai cũng thấy, các hoạt động mang tư tưởng thù địch, chống phá ấy chỉ có lèo tèo vài nhóm người tham gia, tổ chức một cách khiên cưỡng, nghiệp dư, giả tạo. Nó hoàn toàn không phải là hoạt động mang tính cộng đồng, hoàn toàn không thể đại diện cho các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài. Những thanh, thiếu niên được họ đưa vào làm nhân vật trong các sản phẩm truyền thông, thực chất cũng chính là con em, thân nhân của những nhóm người kia. Các cháu đều sinh ra ở nước ngoài, chưa có điều kiện học tập, tìm hiểu tình hình đất nước, bị người lớn mang tư tưởng cực đoan, thù hận dụ dỗ, bắt nói theo. Bên cạnh đó, những thành phần bất hảo trong nước và một số đối tượng đang tị nạn ở nước ngoài cũng “ăn theo nói leo”, gây nhiễu thông tin, lèo lái dư luận. Không ai khác, chính những thành phần bất mãn, kích động hận thù bằng những thủ đoạn nói trên là những yếu tố gây cản trở hòa hợp dân tộc, xuyên tạc, chống phá đường lối đối ngoại, hội nhập và chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh.
Hòa hợp dân tộc không thể là phủ nhận lịch sử
Đòi bỏ các hoạt động kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4 hằng năm để “xóa bỏ hận thù”, “thúc đẩy hòa hợp dân tộc” là kiểu lập luận ngụy biện nhằm thực hiện mưu đồ phủ nhận lịch sử. Nó là một hình thức “đánh bùn sang ao”, là thủ đoạn trong chuỗi chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và phần tử phản động đang hằng ngày rêu rao trên không gian mạng nhằm gây nhiễu thông tin, lèo lái dư luận. Công chúng truyền thông và người dùng mạng xã hội cần có thái độ tỉnh táo, khách quan, sáng suốt để nhận diện và tẩy chay những thông tin xấu độc, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Hòa hợp dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta nhằm tận dụng và phát huy tối đa nguồn sức mạnh tổng hợp, xây dựng đất nước hùng cường. Chủ trương đó được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội Đảng, trong các nghị quyết của Đảng và được thực hiện ngày càng hiệu quả trên thực tế. Cánh cửa hòa hợp dân tộc luôn rộng mở với tất cả kiều bào khắp bốn biển năm châu. Với chính sách nhân văn xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn mở rộng vòng tay chào đón kiều bào tìm về Tổ quốc, cả những người biết ăn năn, hối cải, quay về với quốc gia, dân tộc, gốc gác quê hương. Sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn dân là để phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, chăm lo cho quyền lợi của nhân dân, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Ngoài lợi ích đó ra, Đảng không còn một lợi ích nào khác. Ngược lại, sẽ có chế tài nghiêm trị những hành vi phản bội Tổ quốc để bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật. Không một công dân nào trên lãnh thổ đất nước được phép, được quyền đứng trên luật pháp, xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Chiến thắng 30-4-1975 là đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Đó là công lao, xương máu của cả dân tộc, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có phần đóng góp đặc biệt to lớn của các thế hệ kiều bào yêu nước, sự giúp đỡ của các nước anh em và dư luận yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đảng, Nhà nước, quân và dân ta cũng như kiều bào yêu nước mãi mãi trân trọng giá trị của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững giá trị thiêng liêng ấy. Hòa hợp dân tộc là để phát huy sức mạnh, chung tay xây dựng đất nước hùng cường. Lấy cớ hòa hợp dân tộc để bóp méo sự thật, phủ nhận lịch sử là âm mưu xảo biện, thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, cần phải lật tẩy, đấu tranh loại bỏ. Khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều bào yêu nước có sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng, sẽ không có bất cứ thế lực nào, với bất cứ lý do gì có thể xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận sự thật và giá trị thiêng liêng của lịch sử dân tộc.
LỮ NGÀN