Sáng mồng Hai Tết Nhâm Dần (2-2-2022), chuông cổng nhà Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước reo vang. Và khi người nhà dẫn 3 vị khách đến gặp, ông lặng đi vì xúc động. Gia đình anh Vũ Quân, con trai út của Thượng tướng Vũ Lăng, Tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 3, bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội đến thăm, chúc Tết và mừng sinh nhật lần thứ 96 của ông. (Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sinh ngày 3-2-1926). Ngồi ngắm Vũ Quân, ông bồi hồi nhớ về người thủ trưởng, người thầy, người bạn chiến đấu mà ông may mắn được cộng sự cùng tập thể Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xây dựng kế hoạch Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975.

Tháng 6-1974, Quyền Tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên Nguyễn Quốc Thước đón Thiếu tướng Vũ Lăng vào Tây Nguyên giữ chức Tư lệnh Mặt trận thay Trung tướng Hoàng Minh Thảo đi nhận nhiệm vụ mới. Đó là một người tầm thước, nước da trắng, phảng phất nét hào hoa của người trai Hà Nội xưa. Là người lính từ thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Quốc Thước rất biết tiếng Vũ Lăng và cũng có lần gặp nhau ở A Sầu, A Lưới khi ông là cấp dưới của Vũ Lăng trong một trận đánh. Tướng Vũ Lăng chỉ huy giỏi, mưu lược, quyết đoán, rất nóng tính. Mỗi khi có chuyện bất bình, bộ râu xồm của ông dựng ngược lên, người đối thoại “khôn” thì nên lánh đi để tránh cơn giận lôi đình. Kỷ niệm xưa làm ông Thước có phần e ngại bởi giờ đây, ông là cấp dưới trực tiếp, là cánh tay phải của tướng Vũ Lăng. Nhưng chỉ với hai cuộc họp trong Chiến dịch Tây Nguyên, ông đã thay đổi suy nghĩ về vị tướng nhiều giai thoại này...

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh Quân đoàn 3 (thứ ba, từ phải sang), Đại tá Đặng Vũ Hiệp, Chính ủy Quân đoàn 3 (thứ năm, từ phải sang)

và đồng đội tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu 

Một ngày đầu tháng 2-1975, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên triệu tập hội nghị thảo luận phương án đánh địch ở Buôn Ma Thuột để Tư lệnh Vũ Lăng quyết định. Dự cuộc họp, ngoài các vị trong Bộ tư lệnh còn có thủ trưởng các cơ quan, hai sư đoàn trưởng của mặt trận. Cuộc thảo luận rất căng thẳng với nhiều ý kiến trái ngược nhau, hết cả một ngày vẫn chưa thống nhất được. Ông Nguyễn Quốc Thước rất ngạc nhiên là tại sao Tư lệnh vốn rất nóng tính mà hôm nay điềm đạm, kiên nhẫn ngồi nghe, không có ý kiến gì. Giờ giải lao, có sư đoàn trưởng hỏi ông Thước:

- Đánh vào Buôn Ma Thuột có khả năng chắc thắng không, hay lại như Kon Tum năm 1972.

Ông trả lời:

- Về điều kiện và yếu tố chắc thắng thì đã rõ, nếu chúng ta điều hành thật khớp, dự kiến mọi tình huống thật chi tiết và có kế hoạch xử lý chính xác.

Hôm sau, trước khi vào cuộc họp tiếp, ông Thước nóng ruột nói với ông Vũ Lăng:

- Báo cáo anh, thời gian nổ súng gần lắm rồi, đề nghị anh kết luận...

Ông Vũ Lăng bình thản đáp:

- Cậu ơi, kết luận thì dễ thôi, nhưng làm sao cho các sư đoàn trưởng và chỉ huy các binh chủng kỹ thuật, cơ quan thông suốt để đi đến nhất trí thì mới chắc thắng, đỡ tốn xương máu của bộ đội. Thảo luận kỹ tuy có mất thêm thời gian, có khó khăn cho cơ quan nhưng khi thực hiện thì rất thông suốt.

Cuối cùng, ở ngày họp thứ hai, sau khi cân nhắc kỹ, kế hoạch trận Buôn Ma Thuột được Tư lệnh Vũ Lăng kết luận. Nhưng vẫn còn khó khăn.

Ngày 7-2-1975, để tăng cường lãnh đạo, chỉ huy, bộ điều Trung tướng Hoàng Minh Thảo trở lại làm Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, ông Vũ Lăng làm Phó tư lệnh chiến dịch. Chiều 14-2-1975, Bộ tư lệnh chiến dịch báo cáo quyết tâm và kế hoạch tác chiến chiến dịch với Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng, đại diện Quân ủy Trung ương vào chỉ đạo chiến dịch. Theo sự thống nhất trong Bộ tư lệnh, Phó tư lệnh Vũ Lăng, Chính ủy chiến dịch Đặng Vũ Hiệp và Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước báo cáo.

Vào cuộc họp, ông Vũ Lăng lên cơn sốt phải cấp cứu. Sau khi nghe Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước báo cáo phương án, kế hoạch tác chiến, Đại tướng Văn Tiến Dũng đặt vấn đề: Vì sao Sư đoàn 10 có kinh nghiệm đánh công sự vững chắc mà không đưa vào tiến công Buôn Ma Thuột ngay từ đầu? Mặc dù ông Đặng Vũ Hiệp và Nguyễn Quốc Thước trình bày mọi lý do, nhưng cũng không thuyết phục được Đại tướng. Nguy cơ kế hoạch tác chiến bị “đổ”, thời gian nổ súng đã đến gần. Trong khi đó, các đơn vị đã hành quân theo kế hoạch, Sư đoàn 10 đã vào vị trí tập kết, nếu bây giờ thay đổi sẽ rất khó khăn, lại khó bảo đảm bí mật tuyệt đối với kẻ địch đang ngày đêm sục sạo. Tranh thủ giờ giải lao, ông Đặng Vũ Hiệp đến gặp ông Vũ Lăng tóm tắt diễn biến cuộc họp và nói vui: “Có chết thì ngày mai hẵng chết, còn bây giờ ông phải đến mà “cãi” về sử dụng Sư đoàn 10 đánh Đức Lập”.

leftcenterrightdel

 Anh Vũ Quân, con trai Thượng tướng Vũ Lăng cùng vợ và con tại nhà

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước dịp Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: NGUYỄN QUỐC TUẤN

Mặc dù vẫn đang sốt, người run lẩy bẩy, mặt tái ngắt, môi tím bầm, Thiếu tướng Vũ Lăng đến cuộc họp để trình bày chi tiết việc sử dụng Sư đoàn 10. Với tư duy quân sự sắc sảo, lập luận khoa học của một nhà quân sự từng trải ở chiến trường và nhiều năm làm công tác tham mưu ở Tổng hành dinh, cuối cùng Vũ Lăng đã thuyết phục được Đại tướng Văn Tiến Dũng phê chuẩn kế hoạch. Đại tướng chỉ nhắc Bộ tư lệnh chiến dịch cần có kế hoạch sau khi dứt điểm căn cứ Đức Lập phải đưa nhanh Sư đoàn 10 về hướng Buôn Ma Thuột sẵn sàng làm lực lượng dự bị cho Sư đoàn 316 và đánh địch phản kích. Sau này, diễn biến của trận chiến đúng như kế hoạch chiến đấu đã được phê chuẩn.

Ngày 26-3-1975, Quân đoàn 3 được thành lập, Thiếu tướng Vũ Lăng giữ trọng trách Tư lệnh. Từ đó cho đến các trận đánh cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Thước luôn sát cánh bên cạnh người chỉ huy của mình. Cho đến năm 1977, ông Vũ Lăng được bổ nhiệm Giám đốc Học viện Lục quân, hai người mới xa nhau. Năm 1988, Thượng tướng Vũ Lăng từ trần khi đang chữa bệnh ở Liên Xô. Thời gian công tác bên nhau tuy không dài, nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã học được những điều cơ bản từ Thượng tướng Vũ Lăng để áp dụng cho mình trên cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3 và Tư lệnh Quân khu 4 sau này, đó là: Phải biết lắng nghe, khuyến khích cấp dưới dân chủ trong phát biểu ý kiến để đi tới đồng thuận; đồng thời phải biết cách thuyết phục cấp trên chấp thuận các chính kiến của mình. Bài học đó ông ghi nhớ suốt đời.

HỒNG SƠN