Trong cuốn sách “Tháng Tư đen: Sự sụp đổ của Việt Nam cộng hòa, 1973-1975” do NXB Encounter Books ấn hành tháng 9-2013, George Veith, tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo nói về chiến tranh Việt Nam, chỉ ra yếu tố nghi binh đã tạo tiền đề đem lại chiến thắng cho Quân Giải phóng trong trận Buôn Ma Thuột. Chúng tôi xin trích dịch chương 7 để bạn đọc tham khảo.
Trái với điều thiếu tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2 và quân khu 2 quân đội Sài Gòn đinh ninh là Pleiku sẽ là mục tiêu chính, sĩ quan tình báo của ông ta, đại tá Trịnh Tiếu, lại luôn giữ ý kiến riêng, rằng Quân Giải phóng định đánh Buôn Ma Thuột. Tại cuộc họp liên tịch hôm 19-2-1975 của chỉ huy và tham mưu vùng chiến thuật II, Tiếu đã tổng hợp các thông tin thu thập được từ các nguồn tình báo, nêu bật với Phú một số thông tin mới. Trinh sát tại các tiền đồn trên biên giới Campuchia báo cáo tìm thấy dấu xích xe tăng và quan sát thấy nhiều đoàn xe vận tải của Quân Giải phóng di chuyển về phía nam. Trước đó, tất cả tăng thiết giáp của Quân Giải phóng đóng ở vùng chiến thuật II đều tập trung ở phía bắc. Cùng lúc, tỉnh trưởng Quảng Đức (nay thuộc địa giới của Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bình Phước) báo với Tiếu rằng, một đoàn xe tải lớn được phát hiện đổ quân cỡ một trung đoàn dọc theo biên giới Campuchia tại Đức Lập. Tiếu cho rằng hai tin tức này chỉ rõ: Buôn Ma Thuột là mục tiêu của cuộc tiến công sắp tới.
|
|
Quân Giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu |
Tuy nhiên, Phú vẫn cho rằng đó chỉ là những mũi nghi binh. Ông ta vẫn giữ quan điểm: Một khi Pleiku là nơi đóng quân của bộ tư lệnh-đầu não của vùng chiến thuật II, nó hẳn phải là mục tiêu của cuộc tiến công. Hơn nữa, Phú đã trở về từ một cuộc gặp ở Sài Gòn hôm 18-2 với Thiệu, Viên và các tư lệnh vùng chiến thuật để đánh giá những tiến triển của kế hoạch phòng thủ quốc gia năm 1975, được đề ra trong cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia tháng 12-1974. Về vùng chiến thuật II, Thiệu quả quyết rằng các mũi tiến công chính sẽ nhằm vào các thủ phủ như Gia Nghĩa của tỉnh Quảng Đức và Pleiku của Gia Lai.
Sau đó, các tin tức tình báo mới đã khiến ông ta chú ý hơn về Buôn Ma Thuột. Để yên tâm, ông ta đã quyết định điều trung đoàn 45 của sư đoàn 23 về đóng quân tại Thuần Mẫn, một huyện lỵ nằm giữa đường từ Pleiku đến Buôn Ma Thuột. Nhiệm vụ của trung đoàn này là tìm kiếm những dấu vết khẳng định Sư đoàn 320 của đối phương đang giấu quân ở Đường 14. Sau khi trung đoàn 45 sục sạo xong, Phú sẽ chuyển nó về Buôn Ma Thuột…
PHÁ THẾ “MÃ QUỲ”
Các chỉ huy của Quân Giải phóng lo ngại rằng cuộc điều chuyển trung đoàn 45 sẽ là một bước đi ảnh hưởng đối với hướng tiến công chủ yếu của họ. Nếu lính Sài Gòn phát hiện khu vực giấu quân của Sư đoàn 320, ý đồ chiến lược của Hà Nội sẽ bộc lộ và các yếu tố bất ngờ sẽ bị phương hại. Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định tích cực thực hiện các đòn nghi binh tại các địa bàn quanh Kon Tum và Pleiku để đẩy trung đoàn 45 trở lại khu vực đóng quân cũ. Quân Giải phóng còn phát đi điện mật giả, nội dung như sau: “Đối phương đã mắc mưu và tin rằng chúng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột. Vì thế, chúng đã đưa trung đoàn 45 hành quân về phía nam”.
Tướng Phú đã mắc mưu. Sau khi đọc bức điện này, ông ta đã không để trung đoàn 45 tiến sâu hơn về phía Buôn Ma Thuột, nhưng vẫn lệnh cho nó tiếp tục sục sạo ở Thuần Mẫn. Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã lệnh cho Sư đoàn 320 tránh bất cứ cuộc chạm trán nào với đối phương, cho lùi đội hình khỏi địa bàn sát Đường 14.
Để “đóng băng” Phạm Văn Phú vào Pleiku, Sư đoàn 968 của Quân Giải phóng đã tung ra một loạt cuộc tiến công xung quanh Pleiku, sử dụng các mật danh của Sư đoàn 320. Đúng như họ dự kiến, Phú đã phải đưa trung đoàn 45 trở lại be chắn các điểm quan trọng gần Pleiku đang bị tiến công.
Để làm cho Phú bận rộn hơn ở Pleiku, Sư đoàn 968 còn dùng các phân đội nhỏ, tiếp cận, bắn rốc-két vào sở chỉ huy quân đoàn 2 và sân bay Cù Hanh. Các nỗ lực đó đã không chỉ hút Phú vào phòng thủ Pleiku, mà còn giúp cho các đơn vị khác của Quân Giải phóng rảnh tay chuẩn bị tác chiến. Cụ thể là Sư đoàn 316 và Sư đoàn 10 chuẩn bị tiến đánh Buôn Ma Thuột và Đức Lập, còn Sư đoàn 320 sẽ cắt Đường 14 tại Thuần Mẫn.
HƯ HƯ, THỰC THỰC
Một nguồn tình báo nữa, cũng đi theo hướng Buôn Ma Thuột sẽ là mục tiêu chính, là phụ tá tình báo của Cao Văn Viên, đại tá Hoàng Ngọc Lung, cũng đi tới kết luận như đại tá Tiếu. Do Tiếu thúc giục, Lung đã bay đi Nha Trang vào đầu tháng 3 để tìm cách thuyết phục Phạm Văn Phú về nhận định của mình, nhưng Phú đã khước từ.
Một số quan sát viên của phía Sài Gòn hiện nay cho rằng, nếu Thiệu vẫn để trung tướng Nguyễn Văn Toàn ở vị trí tư lệnh quân đoàn 2, quân khu 2, Toàn chắc sẽ đoán được ý đồ của Cộng sản. Việc Toàn mất chức này về tay Phú khiến chỉ còn một người có thể lay chuyển được Phú: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng dù Thiệu có ra lệnh cho Phú vào đầu tháng 2 là cần gửi một trung đoàn từ sư đoàn 23 về Buôn Ma Thuột, ông ta sau đó đã tỏ ý không xem nó là mục tiêu chính nữa.
Các cựu nhân viên tình báo Mỹ nay phát biểu trái ngược nhau. Frank Snepp thì viết rằng, căn cứ CIA ở Buôn Ma Thuột đã đóng cửa, khiến CIA chỉ dựa được vào các nguồn tình báo của Việt Nam cộng hòa khá là mong manh trên một vùng dân cư thưa thớt. Sếp của Frank Snepp là Thomas Polgar, nguyên Trưởng phái bộ CIA ở Sài Gòn, lại không đồng ý với phát biểu này. Polgar trong nhiều phỏng vấn thời hậu chiến khẳng định là CIA đã có thông tin từ tình báo, rằng Buôn Ma Thuột chính là mục tiêu. Nay, Polgar cho biết thông tin đó đến từ các tài liệu bắt được của đối phương.
Polgar tiếp đó khẳng định rằng, lúc đó Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không tiếp nhận các bản phân tích của CIA nếu chúng không kèm theo những xác nhận của trinh sát điện tín, cái mà theo Polgar, phía Mỹ không có được… Một khi kinh phí dành cho người Mỹ trong thám không (chụp không ảnh) và tài trợ cho trinh sát đường không của không quân Việt Nam cộng hòa đều bị cắt đáng kể, phản gián vô tuyến của Quân đội nhân dân Việt Nam càng tập trung tiến công vào các nguồn lực tốt nhất còn sót lại của trinh sát chiến thuật và trinh sát kỹ thuật của phía Mỹ-Sài Gòn. Điều này giải thích vì sao thành phần chủ yếu của kế hoạch lừa đối phương của Quân Giải phóng là phát đi các bức điện giả, đồng thời, các đơn vị sẽ tham chiến trong hành quân đã hoàn toàn câm lặng về vô tuyến. Tất cả các nghiên cứu cho tới hôm nay đều thừa nhận rằng, Hà Nội đã đưa lực lượng tình báo điện tín của Mỹ-Sài Gòn vào tròng, khiến họ tin rằng Quân Giải phóng vẫn đang hoạt động trên địa bàn cũ.
ĐÁNH GIÁ
Kế hoạch nghi binh lừa địch đầy mưu lược của Hà Nội là một nhân tố căn bản của cuộc tiến công Buôn Ma Thuột, nhưng không phải nguyên nhân duy nhất của chiến thắng này. Lực lượng áp đảo và sử dụng thiết giáp trong không gian chiến trường đô thị là những điều cần ghi nhận. Nhưng, cả hai yếu tố này đều dựa trên khâu giấu quân, làm sao không để đối phương nhận thấy cả sự chồng đống binh lực xung quanh thành phố, lẫn việc chuyển quân của hai Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 tới các vị trí đóng quân bí mật mới.
Làm thế nào để Quân Giải phóng ở Tây Nguyên có thể tránh được các cuộc lùng sục của quân đội Sài Gòn? Như đã nói trên, cắt giảm nhiên liệu viện trợ đã hạn chế khả năng cơ động của các phân đội trinh sát trên bộ và số lượng các cuộc tuần tra trên không. Quan trọng hơn, không chỉ điệp viên tại bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn cung cấp tin tầm chiến lược cho Hà Nội, mà Mặt trận Tây Nguyên cũng có điệp viên then chốt trong hàng ngũ đối phương. Một sĩ quan cấp thấp tại trung tâm thông tin thuộc lực lượng hậu cần của quân đoàn 2 đã chuyển bảng mật mã của quân đội Sài Gòn đóng tại Tây Nguyên cho Quân Giải phóng, giúp họ bí mật theo dõi và giải mã các cuộc trao đổi tại chỗ bằng vô tuyến của quân đội Sài Gòn. Điều này giúp Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên biết trước các hành trình sục sạo của đối phương-một nhân tố được nói đến trong sách báo hôm nay, nhưng chưa bao giờ được nhận thức đầy đủ.
Rốt cuộc, mưu lược và nỗ lực giấu quân của Quân Giải phóng đã đặc biệt thành công. Cũng có thể đã có một chút may mắn, nhưng phần lớn là do khâu lập kế hoạch và khâu thực hiện đều kỹ lưỡng. Kết quả là đã có một cuộc chuyển quân và vận tải vũ khí, khí tài xuất sắc, cho phép họ tập trung được một binh lực vô cùng mạnh để đánh một trong những trận có ý nghĩa quyết định cuộc chiến tranh. Từ miền Bắc, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B và Sư đoàn 325 đã cơ động vào chiến trường. Hai sư đoàn nữa là Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320, cùng pháo binh, đặc công, cao xạ trực thuộc, đã hành quân hơn 100 dặm khỏi địa bàn hoạt động cũ-cạnh Kon Tum và nam Pleiku, tới vị trí đóng quân mới. Hậu cần và công binh đã hỗ trợ bằng những kho dự trữ lớn và xây những con đường dã chiến. Chỉ có Sư đoàn 968 là bộc lộ lực lượng, nhưng ý đồ hành động của nó vẫn được giấu kín. Hướng tiến công chiến lược này đã được triển khai hầu như không bị phát hiện.
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)