Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, nhà hoạt động chính trị, có tầm ảnh hưởng rất sâu sắc đối với cách mạng nước ta. Đọc thơ Tố Hữu, chúng ta gặp rất nhiều đoạn, nhiều câu ông nói về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”, nhưng theo tôi, bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” viết vào năm 1965 là bài thơ trọn vẹn nhất.

Đầu năm 1966, bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu đã được tỉnh Hà Tĩnh phóng to, lồng trong khung kính, ghi thời điểm viết ngày 1-11-1965, trưng bày tại Nhà trưng bày Nguyễn Du, ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ đầu bài thơ đã gây được sự chú ý. Từ khi được trưng bày đến nay, Nhà trưng bày đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, nhiều bàn luận của du khách đến tham quan.

Câu chuyện thứ nhất về hai câu mở đầu trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”, Tố Hữu viết: “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/ Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều”. Hai câu thơ đó đã làm cho không ít người đặt câu hỏi: Sao Tố Hữu, một nhà hoạt động chính trị, một nhà thơ nổi tiếng như vậy, về viếng mộ cụ Nguyễn Du lại đến Nghi Xuân vào lúc nửa đêm? Có gì đó không rõ ràng, không minh bạch? Thắc mắc đó làm cho những người làm công tác ở Nhà trưng bày lúng túng, chưa có cơ sở để giải thích!

Mãi đến năm 2006, trong một lần đoàn cán bộ lão thành cách mạng của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du, đồng chí Đoàn Đình Quỳnh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh đem ý kiến thắc mắc trên trao đổi với các đồng chí đi trong đoàn. Đồng chí Nguyễn Tiến Chương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, thành viên đoàn cán bộ lão thành cách mạng, giải thích: “Năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc, đồng chí Tố Hữu dẫn đầu đoàn cán bộ Trung ương đi vào khảo sát chiến trường Khu 4. Tỉnh ủy Hà Tĩnh cử tôi trực tiếp ra đón đồng chí Tố Hữu ở Nghệ An vào Hà Tĩnh. Chiều 30-10-1965, máy bay Mỹ đánh phá khu vực phà Bến Thủy rất ác liệt. Để bảo đảm an toàn, đoàn cán bộ của Trung ương phải đi xuôi về phía hạ lưu sông Lam ở xã Hưng Hòa, TP Vinh, vượt sông bằng hai con đò ngang. Khoảng 11 giờ đêm, đoàn từ bờ Bắc sông Lam mới cập bờ Nam tại bến Giang Đình, thị trấn Nghi Xuân. Đêm đã khuya, đoàn đi theo đường giao liên qua xã Tiên Điền, các đồng chí dẫn đường mách bảo, nhà thơ Tố Hữu biết trước mặt là khu mộ Nguyễn Du. Dẫu đêm tối, rất gấp gáp trên đường hành quân, nhưng nhà thơ Tố Hữu vẫn đề nghị đoàn dừng lại vào dâng hương viếng mộ Đại thi hào rồi mới tiếp tục lên đường. Sáng hôm đó, trước khi bước vào buổi làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nhà thơ Tố Hữu đã viết xong bài thơ và đọc luôn cho mọi người cùng nghe. Câu thơ mở đầu: “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân”, Tố Hữu viết như vậy là rất sát với thực tiễn chuyến đi”.

Lời giải thích đó đã giúp các cán bộ, nhân viên Nhà trưng bày Nguyễn Du có cơ sở thực tế để trả lời mỗi khi du khách tới tham quan thắc mắc. 

leftcenterrightdel
 Du khách tham quan tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Câu chuyện thứ hai về việc trích khổ thơ gần cuối bài thơ. Những năm sau này, Nhà trưng bày Nguyễn Du được tôn tạo, xây dựng khang trang, rộng rãi, đẹp đẽ hơn. Để chỉnh lý mới, các tài liệu cũng được thay đổi cho phù hợp với không gian trưng bày. Bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Hội đồng khoa học Nhà trưng bày Nguyễn Du chọn trích khổ thơ gần cuối bài, gồm 6 câu: Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời nghìn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày/ Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin được so dây cùng người.

Cả đoạn thơ được lồng trong khung kính, kèm theo cuốn thơ Tố Hữu được đặt ở nơi trang trọng bên cạnh. Khổ thơ như một lời kết, ngợi ca về thiên tài Nguyễn Du, đặc biệt những câu thơ được tuyển chọn trích dẫn đầy cảm xúc và ý nghĩa, gây được sự chú ý của các đoàn khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Nhà trưng bày. Tuy vậy, một thời gian sau, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của một số nhà thơ, nhà phê bình và cả những người dân, đề nghị nên cắt bỏ hai câu thơ cuối trong đoạn thơ được trưng bày: Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin được so dây cùng người.

Nhiều ý kiến không đồng tình với hai câu thơ trên, cho rằng: Dẫu Tố Hữu là nhà hoạt động chính trị, nhà thơ cách mạng xuất sắc, nhưng ông không thể đủ tầm để “so dây/thi tài” với Đại thi hào Nguyễn Du. Cả bài thơ rất tuyệt vời, nhưng hai câu thơ trên của Tố Hữu đã làm mất đi sự khiêm nhường và trân trọng trước bậc vĩ nhân của dân tộc. Với những lời nhận xét gay gắt đó, Nhà trưng bày chưa có cơ sở để giải thích cho hợp lý, nên qua lần chỉnh lý sau đành phải cắt bỏ đi hai câu thơ đó.

Nhưng rồi, nhiều nhà văn, nhà thơ khác đến thăm Nhà trưng bày lại có ý kiến khác, đề nghị Nhà trưng bày nên trả lại hai câu thơ trên của Tố Hữu cho đúng nguyên tác bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”. Nếu bỏ mất hai câu thơ đó, không còn đâu là đoạn thơ hay nữa. Viết về Nguyễn Du-“Truyện Kiều” mà không nhắc đến tiếng đàn thì đó là một thiếu sót lớn. Ở bài thơ, Tố Hữu “so dây” là góp tiếng đàn hòa chung niềm vui với cố nhân, hòa chung tiếng đàn thể hiện niềm tin trong cuộc sống đang đi lên của thời đại mới. Và có nhiều cuộc tranh cãi xung quanh hai câu thơ trên của nhà thơ Tố Hữu viết về cụ Nguyễn Du cứ kéo dài, không đi đến hồi kết.

Năm 2008, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, có đoàn nhạc sĩ Việt Nam về thăm Hà Tĩnh, ghé thăm Nhà trưng bày Nguyễn Du. Cán bộ Nhà trưng bày chúng tôi đã tranh thủ xin ý kiến các nhạc sĩ và họ giải thích: Mỗi người nhạc sĩ trước khi chơi đàn cần phải lựa phím, so dây để chỉnh cung bậc, âm thanh. So dây ở đây là kỹ thuật chỉnh dây, để trùng với cung âm trước khi đánh. Nhà thơ Tố Hữu viết như thế là đúng với trình tự trước khi bước vào chơi đàn, để thanh âm trên dây không bị lạc nốt. Ông là một nhà thơ nhưng chơi đàn mandolin và guitar rất tốt, nên rất hiểu về đàn. Do vậy, Nhà trưng bày cứ để nguyên hai câu thơ cuối vào khổ thơ trên, không có gì là sai cả. Nghe các nhạc sĩ giải thích, mọi người mới vỡ lẽ và thấy hết sức có lý. Chữ “so dây” trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu đâu phải là sự thiếu khiêm nhường, thiếu trân trọng.

leftcenterrightdel
Bốn câu thơ trích trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu trưng bày ở Nhà trưng bày Nguyễn Du.

Cuối năm 2012, Hội thảo “Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ “Truyện Kiều” đến Phong trào Thơ mới” tổ chức tại Nhà trưng bày Nguyễn Du, chúng tôi có đem ý kiến trên đề xuất nên trả lại hai câu thơ để đoạn thơ của nhà thơ Tố Hữu được trọn vẹn, tránh những ý kiến hiểu nhầm, thiếu thiện ý. Rất tiếc, mãi đến nay khổ thơ trích trong bài “Kính gửi cụ Nguyễn Du” đặt trong hệ thống Nhà trưng bày vẫn chưa được bổ sung hai câu thơ cho trọn vẹn.

Đại thi hào Nguyễn Du và nhà thơ Tố Hữu thuộc hai thế hệ khác nhau nhưng đầy tài năng sáng tạo, có sức lay chuyển tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của bao thế hệ người Việt. Người viết bài này mong muốn những điều trên được trình bày và giải thích thấu đáo để tránh sự hiểu nhầm, đặc biệt hai câu thơ: “Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin được so dây cùng người” của nhà thơ Tố Hữu đặt trong Nhà trưng bày Nguyễn Du sớm được trả lại cho đầy đủ, trọn vẹn. Đó cũng là lời thỉnh cầu đầy tâm huyết để tri ân đối với hai nhà thơ lớn của dân tộc ta.

XUÂN BÁCH