Tháng 11-1960, lần đầu tiên tôi được cử vào Quảng Bình. Ở Đồng Hới đang có một hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa. Do lỡ một chuyến xe đò, tôi đến hội nghị quá chậm, vào lúc gần kết thúc. Lúc ấy, Phó thủ tướng Phạm Hùng đang nói chuyện. Đồng chí đặc biệt biểu dương Hợp tác xã Đại Phong làm ăn tốt. Cảm nhận đây là một điển hình hay, ngay sau hội nghị bế mạc, tôi “bám” lấy Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh và đề nghị được cùng anh về thẳng hợp tác xã, không phải qua tỉnh, huyện nữa. Ý kiến đó được Chủ tịch tỉnh Trần Vũ ủng hộ. Bởi chính ông cũng muốn được về thăm huyện Lệ Thủy và Hợp tác xã Đại Phong. Ngay ngày hôm sau, tôi cùng ông và Chủ nhiệm Ánh, trên một chuyến xe Jeep cũ, chạy về hướng đó. Chủ nhiệm sắp xếp cho tôi ở nhà một bà cụ xã viên. Liền mấy hôm, tôi đi khảo sát tình hình ở hợp tác xã, nghe chủ nhiệm báo cáo, phỏng vấn các gia đình xã viên. Người cung cấp cho tôi nhiều điều lý thú lại chính là bà cụ nông dân nhà tôi ở. Để giới thiệu vùng khai hoang của hợp tác xã, Chủ nhiệm Ánh, bằng một con thuyền gỗ nhỏ, đã đưa chúng tôi lên “miền Tây”, tới vùng nông trường Lệ Ninh, nơi mà sau này, khi xảy ra chiến tranh, bị máy bay địch đánh phá ác liệt. Khách của Hợp tác xã Đại Phong lúc này khá nhiều, từ nhiều nơi trong tỉnh đến. Có ngày Chủ nhiệm Ánh phải tiếp vài ba lượt. Và mỗi lần anh tiếp khách, tôi lại dự nghe để lấy thêm tài liệu, cũng là để kiểm tra xem anh nói có gì không đúng với thực tế không, có gì bị che giấu hay được thổi phồng lên không.
|
|
Nhà báo Hà Đăng. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Cái hay của Hợp tác xã Đại Phong là cái hay của một hướng phát triển mới: Từ tổ đổi công lên hợp tác xã, và từ hợp tác xã nhỏ lên hợp tác xã lớn. Tôi viết bài Ba lần “đuổi kịp trung nông”, phản ánh 3 bước tiến đáng ghi nhận của hợp tác xã. Thoạt đầu, ở đâu cũng vậy, số trung nông vào hợp tác xã chưa nhiều. Chỉ có những gia đình nghèo, ít ruộng đất, gia đình bần cố nông mới hưởng ứng hợp tác hóa, do đó mức sống trong hợp tác xã là rất thấp. Hồi ấy, Đảng đề ra khẩu hiệu “đuổi kịp mức sống trung nông” và phát động phong trào “phá xiềng ba sào”. Nhiều nơi, tính bình quân mỗi người không được 3 sào ruộng đất nên phải vừa tăng vụ vừa khai hoang thêm.
Lần thứ nhất, Hợp tác xã 6-1, tiền thân của Hợp tác xã Đại Phong, được thành lập trên cơ sở một tổ đổi công bao gồm hầu hết là các hộ từ giới tuyến ra, ở một vùng đất nghèo kiệt, làm ăn cực kỳ vất vả, tất cả là bần cố nông. Hợp tác xã dùng phương thức sản xuất hợp tác, kết hợp làm ruộng với chăn nuôi vịt, vừa tăng năng suất vừa khai hoang, vỡ hóa mở rộng diện tích, nâng mức sống của họ lên kịp mức sống trung nông. Lần thứ hai, thêm một hợp tác xã thôn bên, cũng gồm phần lớn bần cố nông xin gia nhập Hợp tác xã 6-1, làm cho mức sống chung bị tụt xuống. Rồi lần thứ ba, lại thêm mấy hợp tác xã nhỏ nữa xin gia nhập. Cứ mỗi lần như vậy, hợp tác xã lại phấn đấu bằng nhiều cách mới đạt được mức sống trung nông.
Bài Ba lần “đuổi kịp trung nông” đăng Báo Nhân Dân ngày 9-1-1961. Ngay hôm đó, Tổng biên tập nhận được một cuộc điện thoại từ chỗ Bác, khen đây là một điển hình tốt. Và ngày 11-1-1961, Báo Nhân Dân đăng bài ký tên T.L, nhan đề là “Một hợp tác xã gương mẫu”. Bác viết: “Trong khoảng ba năm, từ một hợp tác xã 23 hộ nghèo khó phát triển đến 455 hộ sinh hoạt ngang với mức sống của trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên” (trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.248). Bác cũng đã chỉ thị cho Ban Công tác nông thôn Trung ương, lúc ấy do đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban, trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm Đại Phong. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dẫn đầu một đoàn cán bộ gồm nhiều chuyên viên am hiểu về vấn đề nông nghiệp và nông thôn vào Đại Phong làm việc trong nhiều ngày. Khi về, giữa những ngày giáp Tết, đồng chí đích thân hướng dẫn anh em chuẩn bị và sửa một bài điều tra mang tính tổng kết sâu sắc về Đại Phong, trong đó nêu lên rất nhiều kinh nghiệm. Bài này được đăng cả một trang Báo Nhân Dân. Cũng từ đó, một phong trào học tập Đại Phong, đuổi kịp và vượt Đại Phong, được gọi là Phong trào “Gió Đại Phong” nổi lên khắp cả nước…
|
|
Bài báo Ba lần “đuổi kịp trung nông” của nhà báo Hà Đăng đăng trên Báo Nhân Dân ngày 9-1-1961. Ảnh chụp lại. |
Tôi viết bài báo Ba lần “đuổi kịp trung nông” được giải thưởng Hội Nhà báo khi đang học ở Trường Đảng cao cấp Liên Xô, tại Moscow. Phần thưởng là một chiếc đồng hồ Poljot. Đồng chí Trưởng ban Nông thôn Báo Nhân Dân lúc đó tạm sử dụng cho đến mùa thu năm 1964, khi tôi ở Liên Xô về, anh mới trao lại. Và tôi đã tặng chiếc đồng hồ ấy cho chú em trai đang chỉ huy một tiểu đoàn pháo ở bờ biển Nghệ An. Chú ấy mang chiếc đồng hồ giải thưởng khá lâu, mãi đến tận khi được điều vào bám trận địa ở Gio Linh, phía Nam giới tuyến.
Đến nay, gần 60 năm đã trôi qua. Nhớ lại câu chuyện Đại Phong thuở ấy, lòng tôi cảm thấy bồi hồi xúc động. Bác Hồ bận trăm công nghìn việc mà hằng ngày vẫn dành thì giờ đọc báo, qua đó phát hiện những điển hình tiên tiến và “ra tay” gây dựng nên những phong trào thi đua rộng lớn. Đâu chỉ có Đại Phong mà còn có biết bao phong trào khác như: “Sóng Duyên Hải” (trong công nghiệp), “Ba nhất” (trong quân đội), thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”...
Đầu tháng 6-1968, trong một buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc làm và xuất bản loại sách “người tốt, việc tốt”, Bác bảo: “Các chú vẫn thường nói: Nhân dân ta rất anh hùng, ra ngõ gặp anh hùng. Điều đó rất đúng. Có thể nói trong mỗi nhà đều có anh hùng, như thế ra ngõ mới gặp anh hùng chứ!”.
Bác coi những người làm nên sự tích oanh liệt được Đảng, Nhà nước tuyên dương là những bông hoa rất đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc. Nhưng dù sao số người và tập thể được công nhận là anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được tặng huân chương, huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hằng ngày “góp gió thành bão”, đang gánh vác việc nước, việc nhà để đánh thắng giặc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có tập thể vĩ đại ấy mới có Đảng ta vĩ đại, mới có Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, mới có kháng chiến chống Pháp thành công, mới có sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước được cả thế giới khen ngợi.
Từ đó, Bác đề nghị: Đối với anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua được Đảng và Nhà nước khen thưởng thì phải qua nhiều cấp, nhiều ngành cân nhắc, xét duyệt. Còn với người tốt làm những việc tốt thì việc khen thưởng có thể đơn giản hơn. Nếu Trung ương cho phép Bác làm, thì Bác nghe báo cáo, đọc báo và chỉ cần điều tra lại một chút cho đúng sự thật là Bác có thể thưởng huy hiệu...
Ôi! Một việc chừng như nhỏ mà sao Bác lại có cái nhìn xa rộng, cao sâu đến thế?
Nhà báo HÀ ĐĂNG
(*) Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương