Trong quá trình gặp nhân chứng và tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tá Mai Trung Lâm, chúng tôi đã sưu tầm được nhiều tư liệu liên quan, trong đó có những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ít người biết đến. Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người, chúng tôi xin giới thiệu một phần tư liệu đó.

Gặp thượng cấp

Đại tá Mai Trung Lâm kể: “Sau khi tốt nghiệp một trường quân sự, chúng tôi được đoàn thể bố trí vào công tác tại trạm liên lạc biên khu của Đệ tứ chiến khu do tướng Trương Phát Khuê-một tướng của Tưởng Giới Thạch-làm tư lệnh. Cái “trạm liên lạc” này thực chất lập ra để thu hút một số thanh niên Việt Nam yêu nước, làm cách mạng, bị đế quốc Pháp khủng bố, phải tạm lánh sang Trung Quốc. Nay bọn Quốc dân đảng họ Tưởng định đào tạo những người này và thành lập đội công tác phục vụ cho cái gọi là “Hoa quân nhập Việt”!

leftcenterrightdel
Đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại Pác Bó (Cao Bằng), ngày 20-2-1961. Trong ảnh: Ông Mai Trung Lâm ngồi trên cùng, bên trái. Ảnh tư liệu

Trạm này đặt ngay vùng phụ cận thành phố Tĩnh Tây, cách biên giới tỉnh Cao Bằng một ngày đường.

Một buổi chiều tháng 10-1944 (theo “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập II, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, 1993, thì lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước lần này là tháng 9-1944), chúng tôi vừa ăn cơm xong, từng nhóm hai, ba người của mình đang nói chuyện với bọn sĩ quan ở trạm, thì đồng chí Đinh Đại Toàn tới. Anh gọi riêng chúng tôi ra một chỗ, rồi nói vắn tắt:

- Tối nay, 7 giờ, đến khách sạn Tĩnh Tây, gặp thượng cấp”.

Nhận được tin này, ai nấy đều rất hồi hộp. Họ cùng nhau đoán già đoán non: “Nhất định về nước rồi”!... Mai Trung Lâm thấy máu trong người nóng bừng bừng. Tiếp đó, đồng chí Đinh Đại Toàn nói thêm:

- Hôm nay đi gặp đồng chí Già để nhận nhiệm vụ…

Mọi người càng hồi hộp, xúc động, họ lại phỏng đoán có lẽ “đồng chí Già” là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc! Vậy là 4 người, gồm Đinh Đại Toàn, Nam Long, Vĩnh Tường và Mai Trung Lâm có mặt ở trạm hôm đó đều được huy động đi gặp “thượng cấp”.

Đúng giờ, 4 người tới khách sạn Tĩnh Tây. Đó là một tòa nhà lớn, có những nét kiến trúc kiểu Trung Quốc pha lẫn kiểu Anh. Khách sạn có điện, xung quanh cũng có xe và ngựa buộc, mã phu ngồi từng nhóm rải rác.

Đại tá Mai Trung Lâm nhớ lại: “Thấy chúng tôi, đồng chí Già đứng dậy, nhanh nhẹn bước tới. Anh Đinh Đại Toàn nén xúc động, bước lên một bước, nói:

- Kính chúc đồng chí Già mạnh khỏe!

Chúng tôi đều đồng thanh:

- Kính chúc đồng chí Già mạnh khỏe!

Đồng chí Già khoát tay, cử chỉ rất thân mật, rồi cất giọng ấm áp nói với mọi người:

- Các đồng chí trẻ khỏe mạnh cả chứ?

- Dạ, thưa đồng chí, khỏe lắm ạ!

- Các đồng chí trẻ công tác ra sao?

- Dạ, thưa đồng chí, chúng tôi phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ được đoàn thể giao phó ạ!

Đồng chí Già mời đoàn uống trà, hút thuốc, và sau đó nói nhỏ hơn, chỉ đủ cho 4 người nghe:

- Ngày mai, tôi về nước. Cùng với tôi có hai, ba người và một số gánh hàng. Làm thế nào những gánh hàng này đi theo tôi về đất nước với nguyên tắc “không được để người ngoài mang”. Các đồng chí có làm được không?

Chúng tôi, không ai bảo ai, cùng cất lời:

- Dạ, chúng tôi làm được ạ!

Đồng chí Già nói tiếp:

- Yêu cầu: Trước 5 giờ sáng, chúng ta đã rời khỏi Tĩnh Tây”.

Đường về Tổ quốc

Tổ trưởng Đinh Đại Toàn phác sẵn kế hoạch về nước. Cả tổ nhất trí thông qua. Cả đêm hôm ấy, không ai ngủ say được. Ai cũng nghĩ làm thế nào hoàn thành tốt nhiệm vụ cho chuyến lên đường ngày hôm sau.

Đúng 3 giờ sáng, mọi người đều dậy, từng tốp đi về phía khách sạn Tĩnh Tây. Lần lượt, từng tổ 3 người vào quẩy quang gánh. Khi quang gánh đã đưa ra ngoài hết thì đồng chí Già ung dung trong bộ quân phục, đội nón sơn, bước ra. Dù trời còn tối, Tổ trưởng Đinh Đại Toàn vẫn ra hiệu lên đường.

Ra khỏi thành Tĩnh Tây, đến một quãng đường rộng, xa làng, có cây to, tán xòe rộng ngay cạnh đường, đồng chí Già bảo mọi người hãy tạm nghỉ chân, rồi chủ động hỏi:

- Xa nước, xa nhà, chắc là các đồng chí trẻ nhớ lắm phải không?

Câu hỏi ấy khiến các thành viên trong đoàn rạo rực. Họ đồng thanh đáp:

- Thưa đồng chí Già, nhớ nước, nhớ nhà, chúng tôi nhớ phong trào lắm ạ!

Một đồng chí nói chen thêm:

- Thưa thượng cấp! Bao giờ chúng tôi được về hoạt động ạ?

Đồng chí Già lại nhìn những thanh niên yêu nước, cặp mắt như ngưng đọng một niềm suy nghĩ:

- Xa nước, xa nhà để cứu nước, cứu nhà. Người cách mạng luôn luôn gặp nhiều thử thách… Tôi và các đồng chí trẻ đều yêu nước, yêu nhà, nên đi bôn ba, học tập. Ai mà không nhớ nước, nhớ nhà. Nhưng đoàn thể còn cần ta ở lại, thì phải ở lại chứ! Các đồng chí ở trạm liên lạc, quan trọng lắm! Phải đề phòng bọn đặc vụ, bọn khiêu khích. Cắn răng mà chịu đựng. Phải khôn khéo mà mưu việc lớn…

Giờ nghỉ đã hết. Đồng chí Già động viên đoàn đi tiếp, rồi sẽ tiếp tục nói chuyện ở quãng nghỉ sau. Ai nấy lại quẩy quang gánh lên vai. Khi mặt trời đã xế bóng đằng tây, đoàn thấy trước mặt là sườn đá chênh vênh. Từng người vừa đi vừa bám chắc vào cây con, dây dợ ở kẽ đá, vừa phải giẫm đúng vào dấu chân có sẵn. Quãng này đi không đã khó, đi quẩy gánh lại càng khó hơn. Đinh Đại Toàn xung phong đi trước. Cuối cùng cả đoàn cũng vượt qua đoạn đường hiểm.

Kết thúc ngày đi thì tới một đồn binh của Tưởng Giới Thạch. Đồng chí Già ra lệnh đi cho đàng hoàng thẳng vào đồn. Đinh Đại Toàn dùng tiếng Bạch thoại nói với lính gác và trực ban của đồn:

- Hồ tiên sinh đi qua, vào bái kiến quan đồn…

Hồ tiên sinh đưa giấy cho tên cai trực ban. Đọc xong, người này vội mời đoàn vào nhà khách và tiếp đón rối rít.

“Tại trụ sở của hương trưởng-Đại tá Mai Trung Lâm nhớ lại-Người mở cặp da để lấy giấy viết thư cho tướng Trương Phát Khuê. Nhìn thấy trong cặp của Người có một bức ảnh của tướng Trương Phát Khuê-Tư lệnh trưởng Đệ tứ chiến khu của Tưởng Giới Thạch, bức ảnh đề chữ: “Kính tặng Hồ tiên sinh”, tên hương trưởng và các viên chức Quốc dân đảng đều vái chào Người”.

Khoảng 4-5 giờ chiều, đoàn đến nơi đã hẹn. Đó là trạm liên lạc của cách mạng do các đồng chí Quốc Vân (Hoàng Tô) và Lê Quảng Ba đã đặt ở đấy. Cả đoàn dừng lại. Lập tức có 3 đồng chí người Nùng ra đón. Họ báo cho đoàn biết Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm sẽ tới đón. Đồng chí Già quay lại nói với những thanh niên cùng đi:

- Thế là các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta đã tới đích rồi!

“Nói đến đây, Người dừng lại nhìn chúng tôi và nhìn về phía trước-Đại tá Mai Trung Lâm bồi hồi-Chúng tôi cũng nhìn Người, chẳng ai muốn rời đi. Người nói tiếp:

- Các đồng chí hãy trở lại với nhiệm vụ mà đoàn thể đã giao cho và làm cho tốt. Tranh thủ học tập quân sự và chính trị để sau này về nước hoạt động.

Chúng tôi chào Người. Người bắt tay từng anh em chúng tôi. Chúng tôi chia tay các đồng chí cùng đi với Người và hẹn ngày gặp nhau trên đất nước thân yêu. Ai cũng quyến luyến...”.

Đại tá Mai Trung Lâm tên khai sinh là Ma Kiên Kiện, quê bản Cốc Coóc, xã Lạc Giao (nay là xã Chí Thảo, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng). Ông được điều động về Ban Nghiên cứu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang Trung ương, làm Chính ủy kiêm Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Khu tự trị Việt Bắc (1959-1975). Năm 1976, ông làm Trưởng ban Nghiên cứu cơ bản Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng...

KIỀU MAI SƠN (lược thuật)