Ở tuổi 94 nhưng Đại tá Nguyễn Bội Giong sẵn sàng “trở lại” tuổi 27 hừng hực sức trẻ cống hiến với biết bao trải nghiệm khi được làm việc một thời gian khá dài tại “cơ quan đầu não” của Quân đội ta là Văn phòng Tổng Chính ủy, rồi Bộ Tổng Tham mưu. Như lời nói vui của ông: Tôi là người tháp tùng các thủ trưởng, kỷ niệm thì nhiều nhưng chỉ kể những gì tôi trực tiếp biết và chứng kiến thôi nhé”. Và ông bắt đầu câu chuyện...  

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Bội Giong trong sân vườn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Ảnh: THANH TUẤN

Từ năm 1951, tôi chuyển sang công tác ở Bộ Tổng Tham mưu. Tôi nhớ mãi một buổi sáng, sau khi đi họp về, gặp anh em trong cơ quan, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nói: “Tới đây, công việc ở cơ quan tham mưu sẽ nhiều lắm đấy, các cậu phải cố gắng nhé!”. Cách đó nửa năm, cục diện chiến lược trên các chiến trường toàn quốc cũng như chiến trường chính Bắc Bộ đã xuất hiện nhiều điểm mới. Trong đó đáng chú ý là địch đang gấp rút tập trung một lực lượng cơ động lớn để giành lại thế chủ động chiến lược đã bị mất trong thời gian qua. Cuối năm 1952, Trung ương họp và ra nghị quyết chuyên đề về quân sự, đánh giá tình hình các chiến trường, đề ra những phương châm, chủ trương tác chiến chiến lược và chiến dịch trong giai đoạn sắp tới, là giai đoạn quyết định trong toàn bộ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của chúng ta.

Từ đầu năm 1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu gấp rút chuẩn bị tổ chức một hội nghị quân chính toàn quốc để quán triệt nghị quyết quân sự của Trung ương và xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược nhằm tạo chuyển biến quyết định trong cuộc chiến tranh giải phóng trên toàn quốc. Lực lượng tham gia chuẩn bị được chia làm nhiều tổ nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ. Lúc này, tôi đang làm Bí thư quân sự cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, được phân công vào tổ tình hình chung do anh Đinh Xuân Mẫn, Trưởng ban tổng hợp của Cục Tác chiến làm tổ trưởng, cùng đồng chí Nghiêm Xuân Thái-Trưởng phòng Quân báo và anh Diễn theo dõi hướng đồng bằng. Tổ tình hình chung có nhiệm vụ thu thập thông tin các hướng chiến trường, nắm tình hình, khi giao ban báo cáo để thủ trưởng các cục nghe, đôi khi anh Văn cũng đến dự.

leftcenterrightdel
Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Thẩm Púa. Ảnh tư liệu

Đến cuối tháng 8-1953, Cục Tác chiến là cục chủ đạo cùng một số cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu ngày đêm làm việc. Trên cơ sở bám nắm, tổng hợp tư liệu của các tổ công tác, trong đó có tổ tình hình chung của chúng tôi, Bộ Tổng Tham mưu báo cáo Tổng Quân ủy một bản kế hoạch tác chiến với các nhiệm vụ. Trong đó, vẫn lấy chiến trường Bắc Bộ là chiến trường chính, hướng Quân khu Tây Bắc là hướng chủ yếu; các hướng phối hợp là bắc Tây Nguyên, Trung Hạ Lào và Đông Nam Bộ. Mục đích chính là nghiên cứu tìm ra một hướng quyết định chiến lược để đập tan kế hoạch chiến tranh mới của Navarre-tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương và tạo ra một chuyển biến quyết định cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Hội nghị quân chính toàn quân diễn ra từ cuối tháng 10-1953 tại Định Hóa, Thái Nguyên với các đại biểu là cán bộ chủ chốt các mặt trận, quân khu từ Bắc vào Nam. Hội nghị vinh dự được đón Bác Hồ đến dự và trực tiếp chỉ thị một số vấn đề quan trọng. Tại hội nghị, nghị quyết quân sự của Trung ương được quán triệt và một kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 đã được thông qua. Tiếp sau hội nghị, Tổng Quân ủy ra quyết định thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Lai Châu-Phongsaly. Đồng chí Hoàng Văn Thái là Tư lệnh chiến dịch; đồng chí Lê Liêm là Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Hạ tuần tháng 11-1953, trên 3 chiếc xe quân sự, chúng tôi bước vào Chiến dịch giải phóng Lai Châu-Phongsaly. Xe đi đầu gồm Tư lệnh Hoàng Văn Thái; đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo và tôi-bí thư của anh Thái kiêm phái viên Cục Tác chiến. Xe thứ hai là của Bí thư Đảng ủy Lê Liêm và bộ phận đi tiền phương của Tổng cục Chính trị. Xe cuối cùng gồm lực lượng bảo vệ, hậu cần. Khi đến cách Sơn La chừng 30km thì một đồng chí cán bộ của tiểu đoàn địa phương Quân khu Tây Bắc ngăn đoàn xe lại yêu cầu không đi tiếp. Anh Thái nói tôi xuống kiểm tra thì được cho biết, gần đây, bọn phỉ với số lượng khoảng một tiểu đoàn hoạt động rất mạnh trên tuyến đường đi Lai Châu, nếu đi tiếp sẽ không an toàn. Sau hội ý, anh Thái và anh Liêm quyết định dừng tại chỗ, đề nghị địa phương giúp đỡ tổ chức ngay một trạm làm việc tạm thời coi như trạm tiền phương để nắm tình hình và báo cáo về trung tâm chỉ huy cơ bản ở Định Hóa, Thái Nguyên.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng chí Trần Quyết-Bí thư Tỉnh ủy Sơn La lúc bấy giờ, chúng tôi nhanh chóng tổ chức bộ phận làm việc. Bên quân báo liên tục bám nắm tình hình. Tôi được giao liên lạc thường xuyên với đồng chí Bằng Giang-Tư lệnh Quân khu Tây Bắc về tình hình biến đổi trong tương quan lực lượng ta-địch, những chuyển biến của quân Pháp và lực lượng phỉ trong khu vực, rồi báo cáo anh Thái, anh Liêm để phân tích. Suốt thời gian đó, chúng tôi hầu như làm việc không nghỉ. Trung tâm chỉ huy cơ bản ở Định Hóa cũng thường xuyên thông báo tình hình. Và chúng tôi được biết, ngày 20-11, Pháp đã sử dụng lính đổ bộ đường không đánh chiếm Điện Biên Phủ, quân số ngày càng tăng nhanh. Đến ngày 20-12, chúng tôi được anh Bằng Giang, anh Trần Quyết cho biết tin địch đang rút khỏi Lai Châu về Điện Biên. Đồng thời, chúng hết sức củng cố Điện Biên Phủ, máy bay vận tải cỡ lớn của Mỹ cũng hạ cánh liên tục xuống sân bay Mường Thanh, có ngày lên đến 10 lượt. Một số nhân vật quân sự cao cấp của Mỹ, Pháp cũng đã có mặt ở Điện Biên Phủ. Địch đã lựa chọn Điện Biên Phủ để xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trên toàn chiến trường Đông Dương.

Trong một lần trao đổi, anh Thái nói với anh Nghĩa và tôi: “Các cậu ạ, thế là mình lỡ cơ hội tiêu diệt địch ở Lai Châu rồi”. Và dù không chủ động chọn Điện Biên Phủ, nhưng ta đã nhanh chóng làm chủ tình hình, sẵn sàng phương án tác chiến với địch. Dịp đó, chúng tôi họp liên tục, sáng họp, đêm họp, có tin của mặt trận báo về hay bắt được của địch là các bộ phận nhanh chóng bám nắm, phân tích, báo cáo để các thủ trưởng quyết định. Riêng tôi gần như nằm nghỉ ngay bên cạnh máy điện thoại để kịp thời nhận, báo tin. Tình thế càng cấp bách, chúng tôi được lệnh tiếp tục hướng về phía Lai Châu. Đồng hành, đồng chí Tư lệnh Bằng Giang và Bí thư Trần Quyết có kế hoạch bảo đảm an toàn. Nhiệm vụ của Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Lai Châu-Phongsaly cũng được chuyển hướng nhanh chóng, trở thành cơ quan tham mưu tiền phương của Bộ Tổng chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới.

Sang đầu tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954), chúng tôi đi đến Km62 đường Sơn La đi Điện Biên Phủ. Anh Thái dừng lại để tổ chức làm việc. Nơi đó sau thành sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tên địa phương gọi là hang Thẩm Púa. Chính tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chủ trì nhiều phiên họp với Bộ Tham mưu tiền phương, đi đến một kế hoạch chính thức để báo cáo lên Bác và Trung ương Đảng quyết chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Kế hoạch đó được Bác Hồ và Trung ương phê duyệt cuối tháng Giêng năm Giáp Ngọ lấy tên là Chiến dịch Trần Đình...

NGUYỄN NGỌC TUÂN (GHI)