Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại cuộc gặp đặc biệt này. Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
...Chúng tôi vẫn phải đợi đồng chí Vương để giải quyết công tác. Hằng ngày, sau bữa cơm, chúng tôi lại ra Thúy Hồ ngồi học tiếng Trung Quốc. Thúy Hồ là một thắng cảnh của Côn Minh. Hồ khá rộng, có đường chạy ngang và chạy vòng quanh. Gần hồ, có trường Giảng Võ, học sinh quân thường kéo ra đây luyện tập. Giờ nghỉ, họ hát những bài ca kháng Nhật. Lần đầu được nghe một đội quân hát những bài kháng chiến, tôi có ý nghĩ: Dù sao, binh sĩ ở một nước nửa thuộc địa vẫn còn hơn một nước thuộc địa.
Gần nửa tháng, vẫn chưa thấy đồng chí Vương về. Các anh ở đây không nói với tôi đồng chí Vương là người như thế nào. Nhưng qua thái độ kính trọng của các anh khi nói đến đồng chí Vương, tôi đoán được đồng chí Vương là một đồng chí rất quan trọng. Tôi liên tưởng đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Đối với nhiều người vào lớp tuổi chúng tôi hồi đó, hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một hình ảnh lý tưởng.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu. |
Khoảng những năm 1926-1927, do ảnh hưởng của cách mạng Nga và cách mạng Trung Quốc, phong trào học sinh ở Huế phát triển khá mạnh. Chúng tôi hay đến nhà cụ Phan Bội Châu để nghe nói chuyện tình hình thế giới và trong nước. Khi đó, cụ Phan mới bị đưa từ Hà Nội về Huế an trí. Trong nhà cụ, ảnh Lênin treo cạnh ảnh Tôn Dật Tiên và Thích Ca Mâu Ni. Chúng tôi là những thanh niên háo hức đi tìm chân lý. Có khi chúng tôi ngồi hàng buổi nghe cụ Phan nói chuyện.
Nhưng rồi trong anh em bắt đầu có những lời thì thào, bàn tán về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Một hôm, anh Nguyễn Khoa Văn (anh Hải Triều) kiếm đâu được một quyển Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, đem về chuyền tay chúng tôi. Ngoài bìa cuốn sách có in cả chữ Ả-rập.
Anh em lượm lặt khắp nơi về kể cho nhau nghe nhiều chuyện ly kỳ về Nguyễn Ái Quốc. Những chuyện Nguyễn Ái Quốc bôn ba khắp nơi trên thế giới... Những người nói chuyện đều say sưa như chính mắt họ đã nhìn thấy
Nguyễn Ái Quốc trong các câu chuyện mà họ kể lại. Có một thời kỳ, bỗng nghe tin đồn Nguyễn Ái Quốc mất vì ho lao. Ít lâu sau, mọi người tìm ra đó chỉ là một tin bịa đặt của bọn đế quốc. Chúng không biết làm cách nào để ngăn chặn ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc trong thanh niên, nên đã tung ra tin này. Rồi không biết anh em lại tìm đâu được một tấm ảnh Nguyễn Ái Quốc. Trong ảnh, Nguyễn Ái Quốc còn trẻ, có đôi mắt rất linh lợi, đầu đội mũ phớt đen. Tấm ảnh đã mờ. Nhưng với trí tưởng tượng và lòng kính phục của chúng tôi, đấy là hình ảnh sáng ngời của người thanh niên cách mạng đầy nhiệt tình và chí lớn...
Sau cuộc bãi khóa năm 1927 của học sinh Huế, tôi phải trở về quê. Một hôm, anh Nguyễn Chí Diểu, một người bạn rất thân ở Huế về, đưa tôi một tập tài liệu. Đó là một cuốn sách về chủ nghĩa cộng sản bằng tiếng Pháp, một tập tài liệu của liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới in ở Bruxelles (Bỉ), và một số văn bản về cuộc họp ở Quảng Châu, đặc biệt trong đó có bài nói chuyện của Nguyễn Ái Quốc. Tôi đem tập tài liệu ra cánh đồng vắng, trèo lên cây, ngồi đọc. Lần đầu tiên tôi được đọc một tập tài liệu có hệ thống về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc tế. Có thể nói là tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản đã được cắt nghĩa qua từng trang sách. Sau đó, tôi trở lại Huế. Lần này không phải là đi học mà là đi hoạt động cách mạng. Ở Huế, anh Phan Đăng Lưu từ Quảng Châu về, nhiều lần nói chuyện về đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Mấy năm trước, trong thời gian làm Báo Tiếng nói của chúng ta (Notre voix), một tờ báo công khai của Đảng bằng tiếng Pháp ở Hà Nội, chúng tôi thường được nhận những bài đánh máy ký tên “P.C.Lin” từ nước ngoài gửi về. Qua một vài lần, chúng tôi đoán được những bài đó của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Mỗi khi nhận được bài của “P.C.Lin”, chúng tôi lại chuyền tay nhau đọc đi đọc lại, và khi đăng báo thì xếp vào mục Những lá thư từ Trung Hoa. Nhiều bài viết khá dài, chúng tôi phải đăng trên báo thành nhiều kỳ. Có lần anh em trong tòa soạn tìm mua một chiếc máy chữ gửi cho đồng chí “P.C.Lin”. Chiếc máy chữ đó Bác dùng mãi về sau này.
Tất cả những câu chuyện, những hình ảnh đó đều gây cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Nhớ đến lời anh Hoàng Văn Thụ nhắn trước khi ra đi, tôi càng tin đồng chí Vương chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Sang đầu tháng 6 (1940), một hôm anh Phùng Chí Kiên rủ chúng tôi đi Thúy Hồ. Dọc đường, anh Kiên nói:
- Đồng chí Vương đã đến và hẹn chúng mình tới gặp ở Thúy Hồ.
Đến Thúy Hồ, tôi thấy anh Vũ Anh ngồi trong một chiếc thuyền với một người đứng tuổi, gầy gò, có đôi mắt sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám, đội mũ phớt.
Tôi nhận ra ngay chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều. Hồi đó, Người gầy và chưa để râu.
Trước khi gặp Bác, tôi đoán con người Bác chắc hẳn phải có những điều rất đặc biệt. Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình đã được ở gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát lên sự trong sáng, giản dị. Tôi không nhận thấy ở Bác có gì là đặc biệt cả. Chỉ có một điều làm tôi chú ý lúc bấy giờ là trong câu chuyện, Bác thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền Trung. Không ngờ một con người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương.
Bác và chúng tôi rời thuyền lên bờ, vừa đi dạo quanh hồ và nói chuyện. Bác hỏi chúng tôi về những khó khăn khi đi đường, hỏi tình hình trong nước gần đây, hỏi tình hình mặt trận dân chủ và hỏi chuyện chúng tôi làm báo. Bác nói: Các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí.
Tôi nói với Bác điều anh Thụ dặn dò về vấn đề “Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”. Bác nói:
- Vẫn rất cần, nhưng điều kiện tổ chức thì hiện nay chưa chín nên chưa đặt ra.
“Cho đến mãi về sau này, được công tác trực tiếp với Bác, tôi vẫn giữ lại nguyên vẹn cái cảm giác như ngày gặp Bác lần đầu tiên trên bờ Thúy Hồ. Ở Bác, trước sau vẫn là phong cách giản dị và trong sáng ấy. Tôi nghĩ, con người vĩ đại thường là con người lúc nào cũng giản dị”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
|
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
(*) Đầu đề của Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng