Trước chính sách phản động của thực dân Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ đã soạn thảo Đề cương khởi nghĩa Nam Kỳ. Tuy nhiên phải qua nhiều cuộc tranh luận, nhiều hội nghị lớn của xứ ủy, đặc biệt là đến Hội nghị toàn xứ từ ngày 21 đến ngày 27-7-1940, chủ trương khởi nghĩa vũ trang mới được quyết định dứt khoát. Sau Hội nghị Xứ ủy tháng 9-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử ra Bắc bàn việc phối hợp hành động và họp hội nghị để bầu lại Trung ương mới.
Theo chủ trương của Đảng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (từ ngày 6 đến 9-11-1940), thể hiện trong bản nghị quyết của hội nghị: “Trong giờ tranh đấu quyết liệt, mặt trận phải trực tiếp võ trang cho dân chúng cùng Đảng tổ chức nhân dân cách mệnh quân, trực tiếp tham gia điều khiển bạo động”. Như thế, Đảng đã đề ra việc tổ chức vũ trang bạo động trong lúc cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn đã nổ ra từ cuối tháng 9-1940 và liền sau hội nghị này là cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ do Đảng bộ Nam Kỳ chủ trương.
Ngày 23-9-1940, quân Nhật vượt qua biên giới Bắc Kỳ, đánh chiếm Lạng Sơn. Đồng thời tháng 10-1940, phát xít Nhật xúi giục và giúp bọn quân phiệt Xiêm (Thái Lan) tiến công vào các vùng biên giới Cao Miên (Campuchia), Ai Lao (Lào): “Nhật Bản xúi bẩy Thái đánh Pháp. Nhật cầu cho Thái-Pháp xung đột, một là để làm cho Pháp ở Đông Dương khốn đốn hơn nữa đặng nó có thể càng dễ dàng không phải đánh mà vào nắm toàn bộ Đông Dương. Hai là sự xung đột Pháp-Thái tạo ra cơ hội cho Nhật đứng ra “giảng hòa”, bắt Pháp phải nhượng bộ một phần đất cho Thái, do đó mà Nhật có thể có nhiều uy thế đối với Thái và có thể đánh bật uy thế của Anh ra khỏi Thái, biến Thái thành đất dụng võ của Nhật... Pháp cắt mấy phần đất rộng 70.000 cây số vuông của Lào, Miên giao cho Thái” .
|
|
Sắc lệnh số 163-SL (ngày 14-4-1948) tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đội quân Khởi nghĩa Nam Bộ. |
Hành động này của Pháp đã bị Đảng Cộng sản Đông Dương cực lực phản đối. Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương phát hành bản tuyên bố: “Đất Đông Dương bị chia cắt. Dân Đông Dương bị gán gấp như một thứ hàng. Cuộc đàm phán Tokyo khác nào cuộc Hội nghị Munich, chia cắt nước Tiệp hơn hai năm trước đây!” .
Để ứng phó, thực dân Pháp ở Đông Dương một mặt phải chấp nhận tất cả yêu sách của Nhật, mặt khác huy động lực lượng quân sự, phần lớn là những đơn vị binh lính Việt Nam ra biên giới chống lại quân Xiêm. Việc binh lính Việt Nam sắp bị đẩy ra làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp ở biên giới Cao Miên-Xiêm đã thêm một yếu tố thổi bùng ý chí khởi nghĩa của Đảng bộ Nam Kỳ.
Tại hội nghị, các đồng chí trong Thường vụ Trung ương đã nhận định rằng cuộc khởi nghĩa đó chưa được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, khởi nghĩa Bắc Sơn vừa mới thất bại, chưa có đủ điều kiện khách quan và chủ quan bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa này thắng lợi. Hội nghị đã nhất trí rằng: “... Chúng ta chưa đứng trước một tình thế trực tiếp cách mạng”. Tuy vậy, hội nghị cũng chỉ rõ: “Tinh thần dân tộc của nhân dân ta càng ngày càng bị bọn phát xít Pháp và quân phiệt Nhật chà đạp. Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: Lĩnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập” .
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bảy đã quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa vì cho rằng ở Nam Kỳ chưa có đủ điều kiện khách quan và chủ quan bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi và giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu truyền đạt chủ trương này cho Đảng bộ Nam Kỳ.
Trước tình hình khẩn trương của phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, các đồng chí trong Thường vụ Trung ương đã bàn bạc, đưa ra quyết sách đối với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, một mặt Thường vụ Trung ương cử đồng chí Phan Đăng Lưu lập tức trở về hoãn cuộc khởi nghĩa, mặt khác, ngay sau hội nghị, đồng chí Quyền Tổng Bí thư (Trường Chinh) và Thường vụ Trung ương ra “Hiệu triệu các đồng chí cấp bộ Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Trong hai ngày 15 và 16-11-1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp tại một địa điểm bí mật ở Hóc Môn, ngoại thành Sài Gòn, có mặt đủ các ủy viên và do đồng chí Tạ Uyên chủ trì. Hội nghị cân nhắc so sánh lực lượng giữa ta và địch về quân sự, chính trị, cho rằng ưu thế chính của cách mạng là về chính trị. Cụ thể là phong trào phản đế dâng cao, trong binh lính người Việt Nam tại ngũ có sự thúc bách đòi khởi nghĩa, không chịu đi chết thay cho thực dân Pháp ở biên giới Thái Lan và LLVT của cách mạng biểu lộ quyết tâm cao trong việc nổi dậy đánh đổ chính quyền địch. Hội nghị quyết định hạ lệnh khởi nghĩa và giao cho Ban Thường vụ Xứ ủy quyết định ngày, giờ khởi nghĩa.
Ngày 20-11-1940, khi đồng chí Phan Đăng Lưu còn chưa về đến cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ, Ban Thường vụ Xứ ủy họp khẩn cấp quyết định cho tất cả các nơi nổi dậy. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy thông báo cho các cấp cuộc khởi nghĩa được bắt đầu vào 24 giờ ngày 22-11-1940. Lệnh được phát đi từ thành phố Sài Gòn. Ngày hôm sau, Thường vụ Xứ ủy khẳng định trong một bản tuyên bố mới rằng ngày phát động khởi nghĩa đã được ấn định vào ngày 22-11. Đêm 22-11-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu từ ngoài Bắc trở về tới Sài Gòn mang theo chỉ thị của Trung ương, đúng vào lúc thực dân Pháp đang phá tan cuộc khởi nghĩa sắp bùng nổ, vây bắt những chiến sĩ cách mạng, nên đồng chí Phan Đăng Lưu cũng bị rơi vào tay mật thám.
Đêm 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở các tỉnh Nam Kỳ rất anh dũng. Nhiều đồn bốt địch bị hạ, nhiều cầu cống, đường sá bị phá... Chính quyền địch ở một số xã và quận hoang mang, tan rã. Chính quyền cách mạng những nơi đó được thành lập, đã thực hiện những quyền dân chủ, bảo vệ trị an... Lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện lần đầu tiên. Sài Gòn là trung tâm quyết định cuộc khởi nghĩa nhưng thực dân Pháp đã biết trước (do có nội gián). Chúng tìm mọi cách chặn lại, nên Sài Gòn không có nổi dậy, dù việc chuẩn bị rất khẩn trương và tích cực. Một số nơi, nhất là các đô thị lớn, cũng bị Pháp chặn trước. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra với khí thế xung thiên ở hầu khắp các tỉnh Nam Kỳ.
Có thể nói khởi nghĩa Nam Kỳ với trang sử vô cùng oanh liệt và đau thương đối với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định nói riêng và toàn Xứ ủy Nam Kỳ nói chung. Chiều tối 22-11-1940, sát giờ khởi nghĩa đã định, nhiều cán bộ chủ chốt của Xứ ủy và Thành ủy sa vào tay giặc Pháp. Việc địch bắt được các đồng chí chủ chốt trước giờ sắp nổ súng là do mật báo của tên Huy (tức Quới)-một đảng viên đầu hàng, phản bội được địch gài vào trong nội bộ cơ quan lãnh đạo Thành ủy và Xứ ủy. Lúc 17 giờ ngày 22-11-1940, bọn cầm đầu các tỉnh nhận được bức điện số 7325 của chánh mật thám Sài Gòn. Tiếp ngay sau đó, lúc 18 giờ 30 phút lại nhận được điện khẩn hỏa tốc số 317 với ưu tiên tuyệt đối của thống đốc Nam Kỳ. Nội dung hai bức điện cho biết: Theo nguồn tin tình báo, đêm nay (22-11), cộng sản sẽ nổi dậy đánh chiếm nhiều nơi, trong đó có Sài Gòn, một số lính người bản xứ tham gia. Tất cả các nơi phải đề phòng, ra lệnh báo động, không cho lính ra khỏi trại, canh giữ chặt các kho súng đạn, kiểm soát kỹ càng. Nếu nơi nào nổi dậy thì thẳng tay đàn áp.
Như vậy, do địch đã chủ động bắt trước những người lãnh đạo chủ chốt và triển khai nhiều biện pháp đề phòng nghiêm ngặt, cuộc nổi dậy ở nội thành Sài Gòn đã không nổ ra và đã không có lệnh khởi nghĩa phát đi từ Sài Gòn như kế hoạch đã vạch ra. Nội thành Sài Gòn không nổ súng được nhưng Gia Định, Chợ Lớn sát nách nội thành và đồng loạt các tỉnh khác của Nam Kỳ nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh đã ban hành. Cuộc khởi nghĩa diễn ra tại nhiều nơi nổi dậy với khí thế triều dâng thác đổ.
Trong đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra ở hầu hết các tỉnh của Nam Kỳ từ Gia Định, Chợ Lớn đến Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa..., mạnh nhất là ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên và Bạc Liêu. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 đã đi vào lịch sử với nhiều địa danh, tên tuổi anh hùng, nữ kiệt với những sự kiện như lần đầu tiên xuất hiện cờ đỏ sao vàng năm cánh trước trụ sở của Ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho tại đình Long Hưng, ở Chợ Lớn và một số tỉnh khác.
Cuộc khởi nghĩa đã thu hút đông đảo nông dân tham gia, nhưng do chưa có thời cơ cách mạng trong cả nước, một khu vực Nam Kỳ khó thành công trước bộ máy thống trị của kẻ thù. Hơn nữa phong trào ở các thành thị không đủ mạnh, kế hoạch lại bị lộ trước ngày khởi nghĩa. Địch kịp thời đối phó nên cuối cùng cuộc khởi nghĩa lớn nhất, mạnh nhất đến lúc đó để chống chính quyền thực dân đã không thành công như mong muốn.
Sau đó, thực dân Pháp thi hành chính sách khủng bố trắng, đàn áp hết sức dã man cuộc khởi nghĩa, tàn sát nhân dân ở những vùng nổi dậy. Hàng chục nghìn người bị bắt. Sự đàn áp khốc liệt của địch đối với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ có hai mặt: Tuy có làm phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng tạm thời chững lại, nhưng lại tăng thêm lòng căm thù trong nhân dân. Gương hy sinh anh dũng tuyệt vời của các chiến sĩ cộng sản đã cổ vũ tinh thần yêu nước, dâng lên lòng cảm phục và niềm tin vào Đảng Cộng sản. Đó là những nhân tố làm bùng lên khí thế cách mạng của cả dân tộc trong những giai đoạn sau này.
NGUYỄN VĂN BIỂU