Vẳng bên tai lời bài hát “Người là Bác Tôn” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp: Thuở ấy dân ta còn sống đời nô lệ/ Vận nước như treo đầu con sóng/ Người đã xa quê từ lúc còn thiếu thời/ Lòng nuôi ý chí phá tung xiềng...
Điểm đến đầu tiên trong hành trình tham quan của đoàn du khách là Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Với địa thế khá đẹp, nằm trong quần thể di tích danh thắng mang đặc trưng của TP Hồ Chí Minh, như: Công viên bến Bạch Đằng, Khu liên hợp Ba Son, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng, Tượng đài Trần Quốc Tuấn…, Bảo tàng Tôn Đức Thắng trở thành điểm kết nối trong hành trình du lịch về nguồn của du khách đến TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi lãnh đạo thành phố dâng hương, dâng hoa trong dịp lễ, tết hay trước những sự kiện lớn của dân tộc, một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Bảo tàng Tôn Đức Thắng tọa lạc bên con đường Tôn Đức Thắng, gần Bến Nhà Rồng. Tuyến đường này cũng nằm trong hành trình đưa du khách tới tham quan các điểm đến ở trung tâm thành phố. Sự sắp xếp hữu ý ấy mang những ý nghĩa văn hóa, giáo dục sâu sắc. Bởi chính tại nơi đây, chàng trai trẻ Tôn Đức Thắng với tuổi thanh niên rực lửa, sục sôi lòng yêu nước đã từng nhiều năm hòa mình vào giai cấp công nhân Sài Gòn, lập nên “Công hội đỏ” đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng…
|
|
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các đại biểu tham quan tư liệu, hiện vật về Bác Tôn tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Ảnh: NAM HOÀI. |
Bà Nguyễn Thị Khánh Hằng, Phó giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, cho biết: “Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Tôn, bảo tàng đang tổ chức hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh với Bác Tôn” lần thứ 13, năm 2018, thu hút đông đảo thiếu nhi thành phố tham gia. Bên cạnh đó, bảo tàng còn trưng bày nhiều chuyên đề, tranh, tượng về Bác Tôn trong khuôn viên rộng rãi để nhân dân và du khách thuận tiện tham quan, tưởng nhớ công lao, khắc ghi dấu ấn Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong phong trào yêu nước và cách mạng ở Sài Gòn-Chợ Lớn”.
Theo tư liệu lưu trữ, cách đây 30 năm, Bảo tàng Tôn Đức Thắng được xây dựng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Tôn. Ban đầu, bảo tàng có tên là “Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng”; đến tháng 8-1990, được đổi tên thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Đây là nơi duy nhất ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đáp ứng tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố. Bảo tàng có 7 phòng trưng bày với khoảng 1.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh khắc họa một cách chân thực nhất những cống hiến của Bác Tôn đối với dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo tàng còn tái hiện không gian làm việc và nghỉ ngơi của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, toát lên đức tính giản dị, khiêm tốn của vị Chủ tịch nước, một người con ưu tú của đất Nam Bộ.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, khi còn là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 1985-1989), là người dành nhiều tâm huyết chỉ đạo xây dựng Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Thời điểm đó, Sở Văn hóa thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh) đề xuất xây dựng bảo tàng làm không gian tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đồng chí Phan Văn Khải đã cùng Thường trực UBND thành phố thống nhất lựa chọn vị trí tư dinh của thủ tướng chính quyền Sài Gòn Trần Thiện Khiêm để chỉnh trang, xây dựng mới thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Vị trí này gần trung tâm hành chính của thành phố, tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, nằm trong quần thể danh thắng lịch sử, hướng về Bến Nhà Rồng, có tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi (nay được thay thế bằng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh). Điều này vừa chứng tỏ được tầm vóc của lãnh tụ, vừa thể hiện tình cảm gắn bó giữa Bác Hồ với Bác Tôn và khẳng định tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Lựa chọn đó đã nhận được sự đồng thuận cao trong các giới chức, tầng lớp, giúp lãnh đạo thành phố triển khai thực hiện phương án xây dựng, sửa sang đúng tiến độ.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã đón hàng triệu lượt khách tham quan trong hành trình du lịch đến với các danh thắng, di tích lịch sử ở TP Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của nhà sử học Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng và khám phá Bến Nhà Rồng, chúng ta sẽ thấy được tầm vóc, công lao to lớn của hai người con ưu tú của dân tộc thời trai trẻ. Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành theo chiếc tàu buôn Latouche Tréville rời cảng Sài Gòn “để đi xem nước Pháp và các nước làm thế nào, rồi sẽ trở về giúp đồng bào”. Một năm sau - năm 1912, để tránh sự truy nã của chính quyền thực dân, Tôn Đức Thắng làm thủy thủ trên tàu Lacooc, sang Pháp với lòng mong mỏi học tập được thật nhiều điều bổ ích để sau này về nước tổ chức đấu tranh cách mạng có hiệu quả hơn. Đó là tư tưởng lớn của những vĩ nhân cùng hướng về mục tiêu giúp dân, cứu nước. Bởi vậy, không gian lịch sử, văn hóa Tôn Đức Thắng kết nối với không gian Hồ Chí Minh tại vị trí trung tâm của Thành phố mang tên Bác càng thêm ý nghĩa.
|
|
Bảo tàng Tôn Đức Thắng ở quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐÌNH THÀNH. |
Trong chuỗi liên kết đó còn có địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu liên hợp Ba Son (Xưởng Cơ khí 323-nơi Bác Tôn làm việc) đã được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1993. Tại đây còn lưu giữ nhiều kỷ vật quý và những hình ảnh của người công nhân Hai Thắng, là “địa chỉ đỏ” của giai cấp công nhân và các thế hệ người Việt Nam.
Không gian Bác Tôn ở TP Hồ Chí Minh còn được tái hiện tại đình Bình Đông (quận 8), nơi đã được Bác Tôn chọn làm địa điểm hội họp và liên lạc vào những năm 1925-1929 của tổ chức Công hội vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. Cụ Cao Văn Pháp, 77 tuổi, thành viên Ban quản lý Di tích đình Bình Đông, giới thiệu: Nhà tưởng niệm và tượng chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở đình Bình Đông được UBND quận 8 khánh thành ngày 20-7-2004. Tượng đúc bằng đồng, nặng 300kg, chiều cao 1,2 mét và được đặt trên bục cao 2 mét. Từ đó đến nay, đình Bình Đông không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương mà còn là nơi diễn ra lễ hội của làng và địa điểm tham quan, tìm hiểu truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Sài Gòn-Gia Định năm xưa.
Ở phía trước đình, tượng Bác Tôn hướng ra bến Bình Đông tấp nập thuyền bè, nhộn nhịp chợ hoa ngày Tết. Nhiều chủ thuyền hoa trên bến Bình Đông thường thành kính dâng hương, dâng hoa dưới chân tượng Bác Tôn để tỏ lòng thành kính và cầu mong cho công việc mưu sinh thuận lợi.
Ngoài những di tích trên, tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều địa danh gắn liền với Chủ tịch Tôn Đức Thắng, như: Trường Bá nghệ Sài Gòn (nay là Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, quận 3), nơi Bác Tôn theo học niên khóa 1915-1917 và vận động học sinh tham gia bãi khóa chống lại sự hà khắc của chính quyền thực dân; Nhà máy đèn Chợ Quán (quận 5) là nơi Bác Tôn tập hợp, đoàn kết công nhân, thợ thuyền để tổ chức các phong trào đấu tranh chống sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp… Một số cơ quan, công sở cũng dựng tượng Bác Tôn trong khuôn viên, như: Trường Đại học Tôn Đức Thắng (quận 7); Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh (quận 4)… Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Từ lâu, những địa danh gắn liền với Bác Tôn luôn là điểm đến mang giá trị lịch sử, văn hóa giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật của các thế hệ công nhân thành phố; đồng thời là địa chỉ ghi dấu ấn công lao của Bác Tôn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, không gian văn hóa Bác Tôn giữa TP Hồ Chí Minh thân thiện, nghĩa tình.
HOÀNG THÀNH