Tạo hóa đã cho ở nơi đây một thung lũng, hai ngăn trong và ngoài, nối thông với nhau bằng một “quèn” (dốc đi giữa hai vách đá) gọi là Quèn Vông. Những dải và hòn núi đá vôi liên kết thành một đường cong tự do khép kín, quây lại trong lòng một rừng lau bạt ngàn, rộng đến 300ha. Vì thế mà có tên là động Hoa Lư.

Động Hoa Lư đã “lọt mắt xanh” của Đinh Bộ Lĩnh-quê làng Đại Hữu (nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn)-từ thuở còn tấm bé chăn trâu cắt cỏ và “cờ lau tập trận” đã luôn qua lại nơi đây. Và lúc trưởng thành, mang cờ Vạn Thắng vương đi đánh dẹp loạn “Thập nhị sứ quân”, Đinh Bộ Lĩnh cũng từng dẫn quân đi ngang đây nhiều lần.

Vì thế, đồng bộ với việc lên ngôi Đại Thắng Minh hoàng đế, dùng niên hiệu Thái Bình, thành lập nước Đại Cồ Việt…, thì Đinh Bộ Lĩnh cũng quyết định xây dựng kinh đô ở Hoa Lư.

Việc đầu tiên là tạo một quy hoạch. Và đây là một quy hoạch kinh thành độc đáo, không giống và không thấy có ở bất cứ nơi nào và thời nào. Vì đã quy định hai chức năng (công năng) là: Khu vực triều chính và khu vực hậu cung, nhưng không đặt hai khu vực ấy lồng vào nhau theo kiểu “nhị trùng (hoặc tam trùng) thành quách”, mà để chúng ở cạnh nhau: Mé bên trong, mạn tây (bây giờ vẫn bảo lưu tên gọi “Thư nhị xã”) dành cho “thế giới hậu phương” của vua quan: Vợ con, của cải, kho tàng…, và mạn bên ngoài, phía đông: Vua quan, bộ máy công việc và sức mạnh của họ!

leftcenterrightdel
Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư. Ảnh: HÀ VIỆT

Hai “ngăn” tự nhiên của thung lũng Hoa Lư thông bên trong (mạn tây) với bên ngoài (mạn đông) bằng dốc Quèn Vông-như trên vừa nói-tương thích với hai “phân khu chức năng” của Kinh thành Hoa Lư, bây giờ vẫn có tên gọi: Thành Nội (là thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) và Thành Ngoại (là các thôn Yên Thượng, Yên Trung, Yên Hạ, Yên Thành, cùng một xã Trường Yên)! Rõ ràng, đây là một quy hoạch kinh thành theo mô hình và chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống “cắm đất trung tâm” của thời các thị tộc-bộ lạc, từ xã hội nguyên thủy nhiều nghìn năm trước đấy. Không phải là quy hoạch kinh thành thời trung cổ, từ ấy về sau.

Tiếp theo là việc tạo dựng các tường thành bảo vệ kinh đô. Và lại thấy thêm ở đây một tính độc đáo nữa của Kinh thành Hoa Lư.

Như trên đã nói: Có cả một vành đai núi đá vôi tự nhiên quây lấy thung lũng Hoa Lư (hoa lau) ở bên trong. Sản phẩm “trời cho” vô cùng quý báu và hết sức lợi hại này, bản thân nó đã chính là một vòng quân thành rồi. Nhưng không liền (kín) mạch mà thỉnh thoảng lại vẫn xuất hiện những chỗ là khe hở. Thành ra cần có các công trình nhân tạo, tiếp sức cho tự nhiên ở những chỗ này. Tức là: Đào móng, “giậm bổi” (là những thân cây, cành cây) xuống làm nền rồi nhồi đất lên trên, xây ốp gạch vào, tạo ra hình thức nối liền, bịt kín những chỗ núi non bị hở. Thế là hoàn chỉnh một công trình trúc thành tự nhiên lẫn với nhân tạo! (ở Khu di tích Cố đô Hoa Lư, hiện vẫn còn nhận diện được những bức “Thành Đông”, “Thành Vầu”… ở vùng Thành Ngoại và các đoạn “Thành Dền”, “Thành Bồ”, “Thành Bim”… ở trong Thành Nội, là di tích của những công trình nhân tạo kết hợp với những rặng và quả núi tự nhiên, làm nên tính độc đáo của kiến trúc thành ở Kinh đô Hoa Lư nghìn năm trước).

Rõ ràng, đây lại một lần nữa có sự kế thừa và chịu ảnh hưởng của việc xây dựng tường thành, chẳng hạn như của thời An Dương Vương đắp thành Cổ Loa (thế kỷ 3 trước Công Nguyên).

Thành Cổ Loa đã được nương theo vị thế tự nhiên của những dãy và quả đồi (gò) sẵn mọc ở địa bàn, đắp nối lại những quãng chưa liền mạch, cho nên có hình thù không chuông chắn, nhưng vẫn rất nhiều giá trị phòng thủ, đồng thời có điều rất quan trọng là: Tiết kiệm được nhiều nhân công và tài vật! Thành Hoa Lư cũng giống như thế.

Cuối cùng là việc xây dựng các kiến trúc cung đình ở Kinh đô nước Đại Cồ Việt. Cho đến ngày nay, ở Hoa Lư vẫn truyền tụng câu cổ ngữ: “Nhà Đinh xây thành, nhà Lê dựng điện”. Có nghĩa là: Ở buổi đầu thời định hình Kinh đô Hoa Lư, triều đại nhà Đinh (của Đinh Bộ Lĩnh)-đúng quy luật thời thế-tập trung công sức vào việc xây dựng thành lũy để phòng thủ. Còn việc kiến thiết các công trình cung điện, đài các… của kinh đô thì để cho thời Tiền Lê (của Lê Hoàn) kế tục thực hiện, trong bước phát triển tiếp theo của lịch sử Kinh thành Hoa Lư.

Quả nhiên, những dòng chính sử của bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” nói về năm 984, đời Hoàng đế Lê Hoàn nhà Tiền Lê, đã cho thấy rõ: “Làm nhiều cung điện, nhà cửa: Dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng thêm điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ, bên cạnh là điện Long Lộc, mái lợp ngói bạc”…

AN LY