Xuất ngũ về địa phương, với bản tính hiền lành, giản dị, anh không nói với ai chiến công đó, lặng lẽ đương đầu với những khó khăn đời thường, cho đến một ngày nhà văn Nguyễn Trọng Luân, đồng đội xưa tìm gặp anh...

DŨNG SĨ ĐƯỜNG SỐ 7

Ngày 3-9-2014, sau 39 năm xa cách, tôi gặp lại Nguyễn Xước Hiện. Ngần ấy năm trôi qua, chúng tôi đều ngoài 60 tuổi. Nhưng khi nhìn thấy Hiện, tôi không khỏi bùi ngùi vì anh gầy gò, ốm yếu đến thế, không thể ngờ rằng gia đình bạn tôi nghèo khó, vất vả đến thế. Chiến tranh lùi xa nhưng hệ lụy của nó vẫn in hằn lên người dũng sĩ xưa những khắc khổ đau buồn vì cuộc sống riêng tư. Nhìn Hiện, tôi bồi hồi nhớ ngày xưa vào trận cùng nhau. Nhớ mùa xuân 1975 trong trận Cheo Reo lừng lẫy. 

leftcenterrightdel
Trung tướng Khuất Duy Tiến trao kỷ niệm chương của Sư đoàn 320 tặng CCB Nguyễn Xước Hiện tại nhà riêng Ảnh: Nguyễn Trọng

Nguyễn Xước Hiện sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo ở xã Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Anh nhập ngũ tháng 9-1972, đầu năm 1973 vào chiến đấu trong đội hình Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Mặt trận Tây Nguyên. Ngay khi bổ sung về đơn vị, Hiện đã được tham gia những trận đánh chống lấn chiếm ở Làng Dịt, Đồi 30, Đường 20 và Lệ Ngọc, Làng Siêu… Xuất thân là người thanh niên nông dân chịu đựng gian khổ, nên bất kỳ cuộc hành quân chiến đấu nào, dù sức vóc nhỏ bé nhưng anh luôn xốc vác và giúp đỡ đồng đội. Khẩu B41 của Hiện luôn là chỗ dựa tin cậy trong mỗi trận đánh tiêu diệt hỏa điểm của địch.

Trận đánh điển hình nhất, đã đi vào lịch sử của anh và đồng đội là trận đánh trên Đường số 7 tại Cheo Reo, tỉnh Phú Bổn trước đây (nay thuộc thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) trong Chiến dịch Tây Nguyên mùa xuân 1975.

Ngày 10-3-1975, ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút khỏi Tây Nguyên, co cụm về đồng bằng duyên hải. Ngay sau đó, toàn bộ lực lượng còn lại của quân địch ở Tây Nguyên, chủ yếu là quân đoàn 2 tháo chạy, hình thành một đạo quân lớn rút về Tuy Hòa theo Đường số 7 qua Cheo Reo. Thung lũng Cheo Reo trở thành mồ chôn quân giặc.

Theo lệnh trên, Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48 của Sư đoàn 320 phải nhanh chóng tiếp cận và bao vây toàn bộ Cheo Reo, Phú Bổn để chặn đường rút lui của địch. Suốt một đêm vượt qua núi đá hiểm trở và chạy tắt 8km đường rừng, sáng 18-3-1975, Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 của Nguyễn Xước Hiện được lệnh chốt chặn tại cầu Cây Sung, nam Cheo Reo. Lúc này, đoạn Đường số 7 từ cầu Sông Bờ đến cầu Cây Sung dài 4km tập trung hàng trăm xe thiết giáp và hàng chục nghìn lính địch cùng hàng trăm xe quân sự đang hành quân. Do bị Tiểu đoàn 9 của Trung đoàn 64 đánh vào đội hình trên cầu Sông Bờ, hàng chục xe tăng và thiết giáp mở đường máu điên cuồng bắn phá và rút chạy. Lực lượng quân ta vừa đến nơi chỉ có Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 7, nhưng phải tổ chức chiến đấu chống lại 3 liên đoàn biệt động quân, 2 chiến đoàn xe tăng thiết giáp và hàng trăm khẩu pháo. Đại đội 3 của Hiện chốt chặn tại cầu Cây Sung quyết không cho địch chạy thoát về phía biển Tuy Hòa.

Địch nhận rõ nút chặn hiểm ấy nên sáng 19-3, chúng tổ chức nhiều đợt tấn công với hàng nghìn lính cùng hàng chục xe tăng tràn vào trận địa Đại đội 3. Lúc này, đại đội có 44 tay súng AK, 8 khẩu B40 và 2 khẩu B41 quyết tâm chặn địch để tiêu diệt. Có lúc địch dùng 51 xe, trong đó có 15 xe tăng đánh tràn vào các chốt. Xe tăng chúng đè lên cả hầm chốt của các chiến sĩ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Tiểu đội phó Nguyễn Xước Hiện dẫn 3 chiến sĩ mới lần đầu ra trận chặn xe tăng địch. Chỉ trong buổi sáng 19-3 đáng nhớ ấy, khẩu B41 của Hiện đã bắn 5 quả đạn đều trúng mục tiêu, làm 4 xe tăng M48 của địch bốc cháy, 1 chiếc xe M113 chở đầy lính lao xuống sông bị anh bắn quả đạn thứ 5 tiêu diệt nốt. Phấn khởi noi gương xạ thủ Hiện, Đại đội 3 lao vào tiêu diệt địch nhưng quân địch liều lĩnh cho xe làm sập cầu. Trận chiến đấu càng quyết liệt hơn. Hết đạn B41, Hiện dùng súng AK của một đồng đội đã hy sinh tiêu diệt bộ binh địch, đuổi chúng ra tận bờ sông Ba. Cho tới chiều 19-3, anh đã tiêu diệt 20 tên và bắt sống tại trận 10 tên địch. Suốt một ngày đánh địch, cơm không kịp ăn, nước bi đông cạn khô, mặt mũi đen sạm khói súng, Nguyễn Xước Hiện cùng đại đội tiêu diệt hàng trăm tên địch và tiêu diệt hơn 10 xe tăng tại cầu Cây Sung. Toàn bộ ý đồ rút về duyên hải của quân đoàn 2 địch bị phá sản hoàn toàn. Đó là điểm sáng chói trong trận chiến đấu then chốt thứ ba của Chiến dịch Tây Nguyên 1975. Sau trận này, Nguyễn Xước Hiện được công nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt địch cấp ưu tú, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì ngày 15-4-1975.

Những ngày sau, Hiện cùng đơn vị đánh vào thị xã Củng Sơn, Phú Túc và ngày 1-4-1975 tiến công địch ở Hòn Một, Tuy Hòa. Tại đây, anh bị trúng mảnh pháo vào đầu nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội cho đến trận đánh cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG IM LẶNG

Năm 1977, Nguyễn Xước Hiện xuất ngũ trở về địa phương. Anh tham gia dân quân xã, là hội viên Hội CCB xã Phượng Vĩ. Cuộc sống của Hiện gặp nhiều bất hạnh, nhưng chưa bao giờ anh kêu ca, chán nản. Người vợ đầu không đợi anh về đã bỏ đi với người khác, anh lấy vợ mới, sinh con nhưng liên tục 6 lần sinh thì các con đều mất sớm, giờ chỉ có đứa con thứ 7. Là một giáo dân yêu nước, anh luôn được bà con trong giáo xứ tin yêu.         

Dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, Hiện luôn sẵn lòng giúp đỡ những người khó khăn, neo đơn, là tấm gương cho thanh niên xã nhà trong lao động cũng như trong sinh hoạt cộng đồng. Nhiều năm liên tục, Nguyễn Xước Hiện là Trung đội trưởng dân quân. Bản chất là một người khiêm tốn, giản dị, nên chưa bao giờ địa phương cũng như gia đình biết về chiến công xuất sắc của anh trong kháng chiến chống Mỹ. Những chiến công và những tấm huân chương mình anh nâng niu cất giữ, xem như báu vật riêng…

Sau ngày tìm gặp Nguyễn Xước Hiện, tôi về báo cáo với Ban liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 320, trực tiếp là Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3. Trung tướng phân công tôi viết báo cáo thành tích của Nguyễn Xước Hiện. Từ đó, tôi lên quê anh nhiều lần, vừa giúp đỡ kinh tế, vừa hỗ trợ đưa anh đi chữa bệnh và viết tài liệu. 7 tháng sau, tôi đưa Ban liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 320 lên gặp mặt lãnh đạo xã Phượng Vĩ thì địa phương và gia đình, dòng họ lúc này mới biết Hiện đã từng có một chiến công như vậy. Lãnh đạo xã rất ngạc nhiên khi nghe kể về tấm gương dũng cảm chiến đấu của Nguyễn Xước Hiện và vô cùng tự hào có một công dân anh hùng nhưng khiêm tốn, giản dị. Lãnh đạo xã Phượng Vĩ và huyện Cẩm Khê kêu gọi mọi người quyên góp, làm tặng anh Hiện một ngôi nhà mới khang trang, khánh thành tháng 7-2015. Ngày 26-7-2017, Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã có quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp hằng tháng cho Nguyễn Xước Hiện. Giáo xứ Phượng Vĩ đã lấy tấm gương của anh giáo dục cho cộng đồng về tấm lòng yêu nước và lòng quả cảm để toàn thể giáo dân tin tưởng vào Đảng, biết ơn Đảng đã rèn luyện một người con yêu nước, xả thân vì Tổ quốc.

Với thành tích trong chiến đấu và đạo đức công dân mẫu mực, Ban liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 320 đã hoàn thành hồ sơ gửi các cơ quan chức năng đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Nguyễn Xước Hiện. Anh không bị lãng quên trong lòng đồng đội và quê hương, đất nước.

NGUYỄN TRỌNG LUÂN