Động Hoa Lư thứ nhất còn có tên là Thung Lau, hay Thung Ông, nằm ở hướng tây bắc huyện Gia Viễn, thuộc địa phận xã Gia Hưng hiện nay.

Đây là một thung lũng núi đá vôi hiểm trở, ở cách sông Kim Bôi 2km về phía đông, diện tích khoảng 6ha, xưa mọc đầy những cây lau nên Thung Lau mới thành tên gọi. Đây chính là nơi lui tới để “cờ lau tập trận” của anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh (thời còn nhỏ tuổi) nên gọi là Thung Ông.

Vào năm 968, khi dẹp xong loạn “Thập nhị sứ quân”, lên ngôi Hoàng đế nước Đại Cồ Việt, nhiều người đã nghĩ rằng Đinh Bộ Lĩnh, theo thông lệ, tất sẽ chọn chỗ động Hoa Lư này mà xây dựng kinh đô. Vì đây là “chỗ quen thuộc” từ tấm bé, lại ở gần ngay quê nhà (làng Đại Hữu, nay thuộc xã Gia Phương, cùng huyện Gia Viễn), và là nơi có thể phòng ngự tốt.

Nhưng vị Hoàng đế nước Đại Cồ Việt đã không chọn xây kinh đô ở nơi này. Có thể suy đoán hai lý do: Một là, nơi này tiện cho việc thủ hiểm đấy, nhưng vị thế lại hẻo lánh mà lùi sâu vào vùng rừng núi, không tiện cho việc vươn xa mà quản lý toàn bộ giang sơn đất nước. Hai là, diện tích quá nhỏ hẹp, không dung chứa nổi tầm cỡ lớn lao, quy mô đồ sộ của một tòa kinh đô đất nước, ở thời đại cần xây dựng một “nước Việt hai lần to lớn” (Đại-Cồ, Việt).

Thế là “cặp mắt xanh” của người có chí lớn và thích làm lớn đã hướng về phía đông, ra mạn ngoài. Và gặp “động Hoa Lư thứ hai” ở đấy.

Nơi đây cũng có một thung lũng núi đá vôi hiểm trở, xưa mọc đầy cây lau và bạc trắng một rừng hoa lau, nên cũng gọi là Hoa Lư.

Nhưng trước hết, ở đây có một không gian rộng, đã đo đếm được một diện tích lên tới 300ha-gấp 50 lần động Hoa Lư thứ nhất!

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Cố đô Hoa Lư nhìn từ đỉnh núi Mã Yên. Ảnh: Đinh Thủy

Thứ hai, rất “tiện hình thế núi sông”-từ giao thông đến phong thủy-vì giữa “một đường cong tự do khép kín” của những dải và ngọn núi đá vôi trùng điệp quây quanh thung lũng, là êm ả dòng nước Sào Khê chảy dọc thung lũng nối thông với sông Hoàng Long chảy men bên ngoài, và đến lượt mình, Hoàng Long lại thông với dòng sông Đáy chiến lược ở trung tâm tam giác châu thổ sông Hồng-“chiếc nôi của lịch sử và văn minh dân tộc!”.

Về mặt đường bộ, hai con đường xuyên Việt là đường Thượng Đạo (nay là đường Hồ Chí Minh) chạy ở ngay mé sau, sát ngay trước mặt là đường Cái Quan (nay là Quốc lộ 1).

Thứ ba, quan trọng nhất là: Khu “động Hoa Lư thứ hai” này (ngày nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) đã vươn nhích được ra về phía đông, với giãn cách 17km so với vị trí của “động Hoa Lư thứ nhất”, tọa lạc trong vùng rừng núi phía tây (của xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn).

Có nghĩa là “động Hoa Lư thứ hai” đã ra được tới sát rìa tam giác châu thổ sông Hồng, mạn góc tây nam, trông thẳng và mở ra cả trung tâm lẫn toàn bộ “chiếc nôi của lịch sử và văn minh dân tộc” này, để “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” mà kiểm soát, quản lý, điều hành toàn bộ đất nước Đại Cồ Việt đương thời.

Anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh, ngay sau thời gian giương cờ Vạn Thắng vương dẹp tan loạn “Thập nhị sứ quân”, khi lên ngôi Đại Thắng Minh hoàng đế, khai sinh nước Đại Cồ Việt, dùng niên hiệu Thái Bình mà ngồi ngai quân chủ, trị vì đất nước, từ năm 968-cách ngày nay vừa đúng 1.050 năm-đã chọn “động Hoa Lư thứ hai” mà xây dựng Kinh đô Hoa Lư, chính là vì những lẽ đó.

AN CƯƠNG