Sống dưới ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, từ năm 16 tuổi, người thanh niên Nguyễn Phương Thảo đã tham gia phong trào cách mạng, cứu nước. Năm 1925, đấu tranh bãi khóa ở Trường Kỹ nghệ Hải Phòng; năm 1926, lãnh đạo học sinh làm lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh để phản đối chế độ thực dân Pháp tại Dư Hàng Kênh (Hải Phòng); năm 1927, bị bọn thực dân truy lùng, đồng chí vào Sài Gòn sinh sống; năm 1928, vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Phương Thảo gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, khi Việt Nam Quốc dân đảng còn là một đảng tiến bộ, hoạt động chống Pháp xâm lược.

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Bình. Ảnh tư liệu

Năm 1929, Nguyễn Phương Thảo bị thực dân Pháp bắt, đày ra Côn Đảo. Trong lao tù của đế quốc, được tiếp xúc, học hỏi, được sự giáo dục, giác ngộ của những người tù cộng sản, Nguyễn Phương Thảo đã có sự chuyển đổi về nhận thức, đây là một sự thay đổi lớn về quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị. Xu thế cách mạng là mở rộng ra nước ngoài tìm đồng minh, để có thêm sức mạnh chống đế quốc, thực dân. Nhận ra sự chuyển hướng của một nhóm đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, những kẻ cầm đầu tù Việt Nam Quốc dân đảng đã tiến hành thanh trừng và chúng nghi ngờ Nguyễn Phương Thảo là chủ mưu. Cuộc thanh trừng của những kẻ cầm đầu tù Quốc dân đảng được chuẩn bị công phu và bí mật. Nhà văn Nguyên Hùng viết: “...trong bóng đêm, một bóng đen nhẹ nhàng mò đến cạnh Nguyễn Phương Thảo, tay cầm một bàn chải đánh răng nhằm vào mắt trái của Thảo bổ xuống. Thảo rú lên một tiếng làm cho cả phòng náo loạn. Hung thủ vội biến vào bóng đêm. Mắt trái của Nguyễn Phương Thảo đã bị tàn phế vĩnh viễn...”. Lúc này, Nguyễn Phương Thảo đã nhận rõ hơn về hướng đi cho cuộc đời mình, ông nói: “Tuy mất một mắt nhưng tôi lại thấy sáng ra hơn khi còn hai mắt”.

Năm 1935, Nguyễn Phương Thảo đã trả xong bản án 5 năm tù giam tại Côn Đảo, trở về đất liền và bị quản thúc tại quê hương.

Thời gian bị quản thúc, những suy tư về quê hương, về dòng tộc, về sự nghiệp khiến ông băn khoăn, trăn trở. Ông quyết định đoạn tuyệt con đường cũ và một cái tên mới được Nguyễn Phương Thảo lựa chọn-Nguyễn Bình (bởi theo ông, “Bình” là bậc cao nhất của người quân tử theo quan niệm Nho giáo: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”). Bất chấp sự quản thúc của chính quyền thực dân, ông tích cực tham gia các phong trào đấu tranh với niềm tin thắng lợi vào cách mạng.

Năm 1938, Nguyễn Bình và một số anh em đảng viên cộng sản đi Thái Nguyên làm kinh tế và gây dựng cơ sở cách mạng. Ở đây, Nguyễn Bình bị mật thám tỉnh Thái Nguyên bắt giam rồi chuyển về mật thám tỉnh Hưng Yên quản lý.

Năm 1941, Nguyễn Bình bí mật lên Hà Nội bắt liên lạc. Đến năm 1942, ông được Xứ ủy Bắc Kỳ phái lên Lai Châu tìm nhiên liệu chế tạo lựu đạn. Năm 1943, ông được Trung ương giao thêm nhiệm vụ mua sắm vũ khí cho cách mạng ở khu vực Hà Nội-Hải Phòng và Nguyễn Bình bắt đầu tìm gặp các bạn tù, móc nối với các cơ sở cách mạng ở Hải Phòng, thành lập cơ sở Việt Minh tại đây.

Tháng 9-1945, mặc dù lúc này Nguyễn Bình chưa phải là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trực tiếp giao nhiệm vụ cho Nguyễn Bình vào Nam thống nhất các lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần dặn: “Tổ quốc trên hết, tôi giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Bình ái quốc, ái dân và bình thiên hạ cho an sinh hòa mục”. Không phụ lòng tin của Bác, ngay sau khi đặt chân vào Sài Gòn-Gia Định, với tư cách là phái viên của Bác Hồ và Trung ương, Nguyễn Bình đã tổ chức hội nghị tại An Phú Xã (Gia Định). Tại hội nghị này, với uy tín của mình, Nguyễn Bình được bầu làm Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ. Trong bức thư gửi luật sư Nguyễn Thành Vĩnh trước khi ra Bắc, Nguyễn Bình viết: “Chúc bạn đầy sức khỏe và mạnh tiến trên con đường giải phóng dân tộc và nhân loại khỏi ách tham tàn bóc lột của bọn tư bản đế quốc”. Đó cũng chính là lý tưởng chiến đấu của Nguyễn Bình. Cho đến tận lúc hy sinh, Nguyễn Bình luôn thể hiện là một người sống có lý tưởng, chấp hành nghiêm túc các chỉ thị của Đảng, của Bác Hồ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho dân, cho nước, cho lý tưởng cộng sản.

leftcenterrightdel
Xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên - quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Trung tướng Nguyễn Bình và nhiều danh nhân. Ảnh: NGUYỄN XUÂN

Năm 1951, trên đường ra Bắc báo cáo Trung ương, đồng chí bị địch phục kích và hy sinh ngày 29-9-1951.

Trong Sắc lệnh số 84-SL, ngày 24-2-1952 truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhiều công trạng của Trung tướng, trong đó ghi rõ những biệt tài quân sự của đồng chí: “Suốt thời gian trước Tổng khởi nghĩa, tham gia đánh Nhật đuổi Pháp đã có công nhiều trong phong trào tranh đấu và khởi nghĩa ở các tỉnh miền Duyên hải Bắc Bộ. Tổ chức đánh tàu Com-măng-đăng Buốc-đe, thu vũ khí, xây dựng bộ đội Chiến khu Tư. Tháng 8-1945, được lệnh tổng khởi nghĩa, dẫn bộ đội chiếm Hải Phòng, Kiến An, Đồ Sơn, chống quân Pháp đổ bộ, đánh chiếm tàu chiến và tàu vận tải của địch. Được lệnh vào Nam Bộ, trong khi bộ đội ở đó chỉ còn một số ít đang bị hàng vạn quân giặc bao vây, đã kiên quyết sáng suốt xây dựng bộ đội lớn mạnh và chỉ huy chiến đấu đánh thắng quân địch nhiều trận lớn trên các chiến trường Nam Bộ...”.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Trung tướng Nguyễn Bình đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng tài, thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản; trung thực, thẳng thắn, chan hòa với đồng bào, đồng chí, đồng đội.

Tưởng nhớ Trung tướng Nguyễn Bình, chúng ta tự hào về một người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên. Tình cảm của đồng chí Nguyễn Bình với quê hương Hưng Yên và tình cảm của quê hương Hưng Yên với đồng chí thật ấm áp, sâu đậm. Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, đồng chí đã đem hết nhiệt huyết cách mạng đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước. Trong những năm tháng kháng chiến, đồng chí đã có những cống hiến to lớn, để lại trong lòng Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên những tình cảm sâu sắc.

Bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến của đồng chí đối với quê hương, đất nước; tưởng nhớ đồng chí, chúng ta nguyện học tập ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí: Tận tụy, hy sinh phấn đấu trọn đời vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Hưng Yên hôm nay đang khởi sắc từng ngày. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực tuy mới là bước đầu song rất đáng tự hào, là những tiền đề quan trọng để Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp, xứng đáng là quê hương của thân mẫu Bác Hồ, quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Trung tướng Nguyễn Bình.

ĐỖ TIẾN SỸ

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên