Thật may mắn cho các phóng viên Việt Nam tham gia đưa tin về Army Games 2021 khi được Ban tổ chức sắp xếp cho tới thăm cụm công trình đầy ý nghĩa lịch sử, không chỉ của Liên Xô, của Liên bang Nga mà còn mang dấu ấn của mối quan hệ hữu nghị, gắn bó truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Cụm công trình có ý nghĩa lịch sử đặc biệt ngay từ vị trí được xây dựng. Đây chính là nơi quân phát xít Đức đã không thể vượt qua để tiến vào Moscow. Chính tại đây, quân phát xít Đức bị đánh lui và từ đó Hồng quân Liên Xô giành ưu thế cho đến khi giải phóng Berlin ngày 9-5-1945. Nhà thờ chính của lực lượng vũ trang Nga tọa lạc trong Công viên Patriot (Công viên Yêu nước), nơi được coi như “Disneyland quân sự” của Liên bang Nga, tại thị trấn Kubinka, quận Odintsovo, cách trung tâm thủ đô Moscow 70km.

leftcenterrightdel

Hình ảnh chiến sĩ Việt Nam được lưu giữ trong Bảo tàng “Con đường ký ức”.

Nằm giữa cụm công trình là Nhà thờ chính của lực lượng vũ trang Nga, một công trình đồ sộ và được thiết kế với những con số biết nói về lịch sử chiến tranh, nhất là Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà thờ cao 75m, khánh thành vào năm 2020. Lễ khánh thành dự kiến diễn ra vào ngày 9-5, đúng tròn kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên phải hoãn lại. Nhà thờ chính thức mở cửa vào ngày 22-6-2020, nhân kỷ niệm ngày Đức quốc xã tấn công Liên Xô năm 1941.

Bệ của mái vòm chính nhà thờ có đường kính 19,45m, đánh dấu chiến thắng phát xít năm 1945. Đặc biệt hơn, các bậc thềm dẫn lên nhà thờ và sàn của nó được làm bằng thép từ xe tăng chiến lợi phẩm thu được của phát xít Đức. Theo ý đồ thiết kế, mỗi khi ai đó bước lên bậc thềm, họ sẽ bước lên những vũ khí của quân thất trận và mỗi bước chân sẽ như một cú đánh vào kẻ thù. Nếu đọc về những cỗ xe tăng Đức nghiền nát châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai để rồi bước chân lên những tấm thép xám xịt được nấu chảy từ những cỗ xe tăng tàn bạo đó, chắc hẳn ý nghĩ gieo rắc chiến tranh, tội ác sẽ tan biến.

leftcenterrightdel

Hình ảnh các chiến sĩ Việt Nam được lưu giữ trong Bảo tàng “Con đường ký ức”. 

Nước Nga có rất nhiều bảo tàng chiến tranh, nhưng Nhà thờ chính của lực lượng vũ trang Nga là một công trình hoàn toàn mới mẻ vì nó thể hiện chiến tranh dưới góc độ tôn giáo. Thực tế, đây là nhà thờ đầu tiên trên thế giới để kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô và các nước đồng minh đã đánh bại phát xít. Đặc biệt hơn, nhà thờ này được xây dựng bằng tiền đóng góp của người dân và các tổ chức trong và ngoài nước Nga. Thông tin từ Thư viện Tổng thống Nga cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã góp tiền để làm bức tranh khảm trên mái vòm chính rộng 300m2 của nhà thờ. Đó là bức khảm Chúa Cứu thế trong nhà thờ lớn nhất thế giới.

Cũng để ghi nhớ công lao của những người đã ngã xuống trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhà thờ lưu giữ bộ sưu tập mẫu đất lấy từ những ngôi mộ của những người lính Xô viết hy sinh ở trong và ngoài nước Nga.

Bảo tàng “Con đường ký ức” được thiết kế như bức tường thành lớn hình móng ngựa bao quanh nhà thờ. Tên “Con đường ký ức” cũng rất ý nghĩa bởi bảo tàng còn có tên "1.418 bước tới chiến thắng"-mỗi bước là một ngày nỗ lực của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, từ ngày đầu bị tấn công cho tới khi đánh tan quân phát xít. Các khung cảnh được tái hiện để khách tham quan có thể cảm nhận mùi, nhiệt độ của chiến tranh, cùng những hình ảnh, thước phim từ màn hình LED, trình chiếu 3D, hay những bức tượng, công cụ lao động, vũ khí...

"Bảo tàng “Con đường ký ức” lưu giữ hình ảnh của hơn 33 triệu người đã tham gia trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có hình ảnh của 7 chiến sĩ Việt Nam. Con số tuy khiêm tốn so với 33 triệu người, nhưng lại nói lên sự đóng góp to lớn của những người Việt Nam ngay từ đầu của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại...".

Khai trương cùng ngày với nhà thờ, bảo tàng có 27 phòng trưng bày nối tiếp nhau, được ngăn bởi những bức rèm. Mỗi phòng có cách thiết kế, bố trí khác nhau thể hiện không gian gắn với từng giai đoạn của cuộc chiến. Thế nhưng, có một điểm chung giữa các phòng trưng bày là chạy dọc ven tường bên phải từ lối vào được thể hiện bằng các trang báo Sự thật về diễn biến chiến sự của ngày hôm đó. Mỗi ngày trong 1.418 ngày chiến đấu chống quân phát xít được thể hiện bằng các số báo, các trang thư của người lính gửi về hậu phương, hay các mệnh lệnh, chỉ thị chiến đấu. Chạy dọc phía trên dãy báo này là hình ảnh của hơn 33 triệu người đã tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ảnh của những người đã tìm được sẽ được thay bằng hình ảnh ngọn lửa vĩnh cửu. Thế nhưng, những bức ảnh ngọn lửa vĩnh cửu rất ít và như thế có thể hiểu hàng chục triệu người con Xô viết vẫn chưa được tìm thấy dù chiến tranh đã kết thúc hơn 76 năm.

Hình ảnh của các chiến sĩ Việt Nam cũng vậy. 7 là con số khiêm tốn so với 33 triệu người, nhưng lại nói lên sự đóng góp to lớn của những người Việt Nam ngay từ đầu của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tên tuổi 7 chiến sĩ Việt Nam được hệ thống lưu trữ của bảo tàng thể hiện trên máy tính bằng tiếng Nga. Đây cũng là cách để ai muốn thấy hình ảnh người thân có thể tự nhập tên để thấy hình ảnh của họ. May mắn thay, trong danh sách 7 chiến sĩ Việt Nam vẫn có người sống sót sau cuộc chiến, sau đó sinh sống và lập nghiệp ở nước Nga. Những thông tin liên quan đến các liệt sĩ Việt Nam tham gia Chiến tranh vệ quốc vĩ đại hiện đang được các cơ quan của hai nước tích cực xác minh để củng cố, bổ sung. Tên tuổi và hình ảnh của họ ở Bảo tàng “Con đường ký ức” như một minh chứng sống động cho lịch sử gắn bó giữa Việt Nam-Liên Xô trước đây và Việt Nam-Liên bang Nga ngày nay.

Bài và ảnh: NGỌC HƯNG