Từ năm 1950, Liên hợp quốc (LHQ) chính thức công nhận ngày 10-12 là Ngày Nhân quyền quốc tế và trong những năm gần đây, LHQ còn chọn chủ đề cho ngày này mỗi năm. Về tổng quát, quyền con người bao gồm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo đó, LHQ đã có Bộ luật Nhân quyền quốc tế bao gồm 3 văn kiện chính: Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (thông qua năm 1948), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR-với hai nghị định thư kèm theo) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR). Hai công ước trên có hiệu lực từ năm 1976 và Việt Nam đã tham gia cả hai công ước này.
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2006, LHQ còn thành lập Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC), nơi có tiếng nói quan trọng nhất trong hệ thống các thể chế của LHQ về quyền con người, góp phần thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ trên phạm vi toàn cầu các quyền con người và tự do cơ bản một cách công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Đặc biệt, Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đóng vai trò quan trọng để các quốc gia có thể bàn thảo một cách cởi mở, minh bạch và đóng góp ý kiến về việc thúc đẩy, thực thi nhân quyền ở mỗi nước. Cụ thể, UPR là cơ chế lần lượt rà soát việc thực thi các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của các quốc gia thành viên LHQ thông qua Nhóm làm việc về UPR của UNHRC. Thông qua đối thoại giữa quốc gia được rà soát và các quốc gia thành viên LHQ, quốc gia được rà soát công bố những biện pháp đảm bảo nghĩa vụ nhân quyền, các thách thức và ưu tiên để cải thiện tình hình nhân quyền ở nước mình; các quốc gia tham gia rà soát gửi câu hỏi và khuyến nghị về những hành động quốc gia được rà soát cần thực hiện để cải thiện tình hình nhân quyền ở nước được rà soát. Quốc gia được rà soát tuyên bố chấp thuận hoặc ghi nhận các khuyến nghị này. Kết quả một phiên rà soát được thông qua tại UNHRC. Như vậy, ở tầm quốc tế UNHRC với “công cụ” UPR là cơ chế minh bạch nhất mang tính toàn cầu để thúc đẩy thực thi nhân quyền ở các quốc gia thành viên LHQ.
Với Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm thúc đẩy quyền con người của mỗi công dân ngay từ ngày đầu lập nước. Ngay trong “Tuyên ngôn Độc lập” đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về quyền con người qua trích dẫn “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Tới năm 1982, khi khó khăn còn chồng chất sau chiến tranh, Việt Nam đã chủ động gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người như ICCPR và ICESCR. Tới nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người cùng rất nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến nhân quyền, như: Công ước về quyền trẻ em (1989) và hai nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm; Công ước về quyền của người khuyết tật (2006); Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người... Việt Nam cũng nỗ lực nội luật hóa các công ước này và tích cực tham gia các hoạt động của UNHRC.
Tháng 11-2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào UNHRC nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu ủng hộ 184/192, cao nhất trong số các quốc gia ứng cử. Ðây rõ ràng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng... Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2019, Việt Nam cũng đã bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi ICCPR, một trong những công ước được xem là “khó” và thu hút được sự quan tâm cao của dư luận quốc tế. Phiên bảo vệ diễn ra thành công trên tinh thần trao đổi thẳng thắn. Việt Nam đã giải đáp rõ ràng với lập luận vững chắc về chính sách và pháp luật của Việt Nam về quyền con người, cũng như thực tiễn triển khai các nghĩa vụ theo công ước và cung cấp thông tin để giúp các thành viên ủy ban công ước hiểu rõ hơn về tình hình thực tế Việt Nam, nhất là khi một số ủy viên còn tiếp cận với những thông tin không chính thống và không được kiểm chứng.
Với những thành tích được cộng đồng quốc tế ghi nhận, Việt Nam tiếp tục ứng cử làm thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025. Tại Hội thảo quốc tế tham vấn về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo UPR chu kỳ III của Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 22-10-2021, với tư cách là một trong số ít các quốc gia trên thế giới xây dựng báo cáo tự nguyện này, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung. Hành động này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng đây là một nỗ lực tích cực “thể hiện cam kết của Việt Nam về các vấn đề nhân quyền ở cấp độ quốc tế”. Theo bà Torres, Báo cáo giữa kỳ tự nguyện tạo thêm cơ hội cho Việt Nam trở thành thành viên UNHRC, thể hiện thiện chí, quyết tâm chính trị và hướng đi đúng đắn trong nỗ lực thực hiện các khuyến nghị.
Ở góc độ song phương, Việt Nam cũng rất chú trọng tăng cường cơ chế đối thoại và hợp tác về vấn đề quyền con người hằng năm với nhiều đối tác, như: Mỹ, Thụy Sĩ, Australia, Liên minh châu Âu (EU), Na Uy; tham gia và đóng góp tích cực tại Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền.
Song hành với việc thực hiện các cam kết quốc tế về thúc đẩy quyền con người, Việt Nam cũng cụ thể hóa vấn đề này bằng việc bảo đảm tốt hơn đời sống của người dân và giúp họ thực thi các quyền của mình theo luật định. Chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam đã tăng 45,8% trong giai đoạn 1990-2019, thuộc danh sách các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Theo Báo cáo chỉ số hạnh phúc của LHQ năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với năm 2019. Các chuyên gia LHQ nhận định, chỉ số của Việt Nam đã tăng vượt bậc, bắt nguồn từ những ưu tiên, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển quyền con người, thúc đẩy bình đẳng xã hội. Cùng với đó, các thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những điểm sáng của Việt Nam và được quốc tế ghi nhận. Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo”. Còn tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng đầu khối ASEAN về chính sách bảo đảm an sinh, dù điều kiện đất nước còn không ít khó khăn.
Đó là những bằng chứng sống động, thuyết phục cả ở tầm quốc tế, khu vực, đa phương và song phương về việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Vậy tại sao đây đó vẫn còn có những tiếng nói lạc lõng xuyên tạc vấn đề quyền con người ở Việt Nam? Cần phải khẳng định, những giọng điệu phủ nhận những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam, nói xấu chế độ, chính quyền, hay vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, xâm phạm quyền con người... được rêu rao trên các trang mạng nước ngoài, của các cá nhân, tổ chức phản động, không am hiểu tình hình Việt Nam. Tự do, hay quyền của mỗi công dân, ở mỗi nước đều nằm trong khuôn khổ luật pháp của nước đó. Ví dụ, Điều 19 của ICCPR cũng nêu rõ, quyền tự do ngôn luận phải có một số hạn chế nhất định.
Tự do hay việc thực hiện các quyền con người của các cá nhân ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều bị chi phối, hạn chế bởi chính các luật lệ, quy định hay phong tục, tập quán của chính nước sở tại. Cơ chế UPR hay sự giám sát của UNHRC cùng các cuộc đối thoại nhân quyền song phương giữa các quốc gia mới là kênh chính thức để đối thoại thẳng thắn, minh bạch, mang tính xây dựng về vấn đề nhân quyền. Cuộc đối thoại này sẽ luôn tiếp diễn để các quốc gia ngày càng bảo đảm tốt hơn quyền của mỗi con người, mỗi công dân, hướng tới chuẩn mực cao hơn. Do vậy, cần cảnh giác với các cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu khi họ tung tin về tình hình nhân quyền ở một quốc gia nào đó vì lợi ích của riêng họ, chứ thực chất chẳng bênh vực quyền con người cho bất kỳ ai.
NGỌC HƯNG