Để viết bài về ông, chúng tôi đã dày công tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu, cũng như tìm gặp những bạn bè cùng thời và người thân trong gia đình ông. Quá trình đó, chúng tôi nhận ra rằng, dù ông mất đến nay đã 62 năm, nhưng hình ảnh người thủ trưởng đáng kính, một tấm gương bất khuất trước kẻ thù và một tấm lòng yêu thương vô hạn với đồng chí, đồng đội của Tổng cục trưởng Trần Đăng Ninh chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí họ.
Tổng Quân ủy họp bàn kế hoạch tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu tháng 1-1954. Từ trái sang, các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh,Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong ký ức của bà Phan Thanh Hòa, người cùng công tác với bà Nguyễn Thị Hồng-phu nhân của đồng chí Trần Đăng Ninh tại Trường Mầm non Việt Bắc, cũng là hàng xóm lâu năm của gia đình tại phố Lý Nam Đế, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh là một người sống rất giản dị, gần gũi và tình cảm. Hồi ở chiến khu, vợ chồng ông được bố trí một gian nhỏ trong khu nhà cán bộ ở trường. Hôm nào đi làm về, dù bận rộn đến mấy, sau khi hỏi han vợ con, bao giờ ông cũng phải đi hỏi thăm một vòng các chị em trong trường. Bà Hòa nhớ lại: Khi chị Hồng mang bầu con gái lớn, mọi người đến thăm, anh Ninh cứ luôn hỏi đã đến thăm các chị em khác chưa? Thời chiến tranh, chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp của anh Ninh là “to” lắm. Nhưng chưa bao giờ anh ấy tơ hào bất cứ cái gì cho bản thân mình. Ở Việt Bắc muỗi nhiều, chăn màn rất quý, anh Ninh có thể cho vợ con mình một bộ chăn màn, nhưng anh ấy không làm thế. Bao giờ anh Ninh cũng nghĩ đến người khác trước, gia đình khác có chăn màn rồi, anh Ninh mới cấp cho gia đình mình”.
Năm 1949, trước khi về quân đội công tác, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan đóng ở Việt Bắc. Đêm nào cũng làm việc tới khuya, nhưng buổi sáng, khi anh em đi tăng gia sản xuất, đi vào rừng lấy gỗ làm nhà, ông cũng đi theo. Anh em cản lại, ông nói: “Tôi cũng là người như các đồng chí, tại sao việc các đồng chí làm được, tôi lại không làm được?”. Ông Nguyễn Thanh (tức Trương Văn Hợp), nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ Nội vụ thì nhớ mãi thời kỳ ông Trần Đăng Ninh về Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) hoạt động và sống cùng gia đình ông một thời gian dài. “Có lần anh Ninh ốm thập tử nhất sinh, lúc tỉnh thì cắn răng chịu đựng, rất kín đáo trong buồng, lúc mê sảng cũng chỉ phát ra tiếng rên nho nhỏ. Tỉnh lại, anh lại lao vào công việc. Khi rảnh đôi chút thì tham gia đủ thứ việc trong nhà tôi: Xay lúa, giã gạo, cho lợn gà ăn, nấu cơm, giặt giũ... Tuy ốm nhưng anh rất chịu khó. Anh thường nói với tôi, tuổi trẻ mà lười biếng, lớn lên chỉ có đi ăn bám thì không hay ho gì, ai cũng khinh ghét”.
Sinh thời, đồng chí Trần Đăng Ninh là một người rất thương bộ đội. Ông có cách nói đơn giản, nôm na, mộc mạc, dễ thấm vào lòng người. Chính vì vậy, mặc dù ông đã qua đời từ năm 1955, nhưng những người đồng chí, đồng đội từng sống bên cạnh ông, vẫn không ngưng kể về ông và chưa bao giờ nguôi nỗi tiếc nuối cho một người cộng sản có tài, có đức, nhưng lại ra đi khi còn quá trẻ. Qua lời kể của họ, chúng tôi hiểu thêm về một con người cách xa cả một thế hệ, chưa từng gặp nhưng vô cùng đáng kính. Ông Hoàng Đình Phu-nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tổng cục Cung cấp, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước kể rằng, hầu như ngày nào anh em cán bộ ở Tổng cục Cung cấp cũng nhắc đến thủ trưởng Ninh. Họ nhớ những buổi họp hay liên hoan của cơ quan, dù là cán bộ cao cấp nhưng khi cấp dưới mời ông, bao giờ ông cũng đến đúng giờ hoặc trước giờ, không bao giờ đến trễ để mọi người phải đợi. Nhớ khi dự họp, anh em mời ông vào dãy ghế trên, ông đều cười xòa: “Nếu các anh tôn trọng thủ trưởng, muốn cho ngồi chỗ danh dự, thì thủ trưởng ngồi đâu, chỗ ấy là chỗ danh dự, sao cứ phải là dãy ghế đầu”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trần Đăng Ninh sau khi kết thúc Chiến dịch Biên giới tháng 10-1950.
Năm 1950, đồng chí Trần Đăng Ninh nhận nhiệm vụ phụ trách Tổng cục Cung cấp đúng lúc chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới. Ông và một cán bộ của Tổng cục Cung cấp lên đường thị sát. Trước khi đi, thấy trong ba lô của ông chỉ có hai bộ quần áo bộ đội cũ, người cán bộ cấp dưới nói: “Để em đi đề nghị cấp cho anh một bộ quân phục mới. Đi thị sát, phải mặc đồ mới cho ra dáng lãnh đạo cao cấp”. Nhưng Tổng cục trưởng Trần Đăng Ninh khiêm tốn từ chối: “Sao lãnh đạo thì phải mặc quần áo mới? Chỉ có tôi và đồng chí đi thị sát, cần gì phải ra dáng với ai?”. Cũng trong lần đi này, khi dừng nghỉ ở một nhà dân, đồng chí Trần Đăng Ninh gặp Đại tá Lê Đình Thiệp, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự, lúc đó là phái viên của chiến dịch. Thấy ông Thiệp nằm co quắp trong một chiếc chăn sợi bên bếp lửa, không có màn nên thỉnh thoảng lại đập muỗi, hẳn không ngủ được nên Trần Đăng Ninh cũng thức cùng trò chuyện, hỏi han. “Sáng hôm sau, anh Ninh lấy cái màn của anh ấy cho tôi. Đêm ấy, hóa ra anh đã nhường màn của mình cho một cán bộ bị ốm, nên cũng nằm co ro bên bếp lửa giống tôi mà vẫn rất lạc quan khi nói chuyện”-ông Thiệp kể.
Có thể thấy, hầu hết những người chúng tôi tiếp xúc đều có chung nhận xét, trong con người Trần Đăng Ninh có sự kết hợp hài hòa của tính nghiêm túc, kỷ luật chặt chẽ với lòng khoan dung độ lượng, thương yêu anh em đồng chí và quần chúng. Ông luôn chú trọng đến công tác giáo dục, bồi dưỡng cán bộ. Thiếu tướng Vũ Văn Ðôn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, kể lại, có lần, để nhắc nhở đồng chí Đinh Đức Thiện vì tính nóng nảy, ông đã gọi đồng chí Đinh Đức Thiện (lúc này đang là Cục trưởng vận tải) đến. “Còn chưa kịp thở, anh Thiện thấy thủ trưởng Ninh đặt phịch một đĩa sứ to lên bàn: “Ðây, mời anh văng hết cả ra đây cho tôi! Tôi là người phụ trách anh, vậy là tôi phải tiếp nhận chứ không phải là cán bộ, chiến sĩ dưới quyền anh phải chịu đựng!”. Hiểu ngay bị phê bình vì nóng nảy và hay văng tục nên anh Thiện vò vò tóc: “Có gì đâu mà đưa ra ạ! Mà cái đĩa của anh cũng to quá!”, rồi nghiêm túc tự phê bình và xin hứa sửa chữa, đồng chí Trần Ðăng Ninh mới gạt cái đĩa sang một bên và mời Đinh Đức Thiện ở lại ăn cơm “tớ mới có một chai nước mắm ngon!”-Thiếu tướng Vũ Văn Đôn nhớ lại.
Cũng trong hồi ức của tướng Đôn, nhớ về thủ trưởng Trần Đăng Ninh, luôn gợi nhắc ông đến hai lần chính bản thân “bị chỉnh” gay gắt: Lần thứ nhất, khi có hơn 30 xe chở hàng dồn dập về tổng kho Canh Man. Lực lượng bốc dỡ không đủ, tôi đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ ở trạm vận tải cùng tham gia bốc xếp ngay trong đêm để giải phóng hàng. Chắc mẩm phen này báo cáo sẽ được khen ngợi, chẳng ngờ anh Ninh nghiêm mặt: Tôi cử các anh ra đấy để chỉ huy chứ không phải để bốc vác. Dân công ở các kho khác thì “thất nghiệp”, sao các anh không biết đưa xe đến chở anh em về Canh Man để họ giúp, cho họ có việc làm. Người cán bộ chỉ huy phải làm việc bằng cái đầu là chính, chứ không phải bằng chân tay. Lần thứ hai, khi vận chuyển hàng, tranh thủ sáng sớm còn sương mù, hai lái xe chạy cố ai ngờ sương tan nhanh nên bị máy bay địch phát hiện, thả bom. Hai xe chở đạn bị bắn trúng, cháy nổ hết hàng. “Ai cho các anh làm như vậy. Thế là mất cả xe, mất cả đạn, tổn thương chiến sĩ anh có tính được không. Tôi sẽ cách chức anh!”-anh Ninh mắng tôi gay gắt, rồi im lặng một lúc, nói: “Cái này cũng có lỗi của tôi vì cho phép các anh nếu sáng còn sương mù có thể chạy tiếp. Nhưng các anh là người thực hiện, phải biết vận dụng linh hoạt, phải ra đường kiểm tra thật chặt chẽ. Rút kinh nghiệm xương máu rồi về phổ biến cho anh em”...
Chuyện về đồng chí Trần Đăng Ninh còn nhiều, không thể viết hết trong một bài viết nên thay cho lời kết, tác giả xin mượn lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của ông: Anh Ninh là con người của Đảng, của cách mạng, của lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những năm tháng làm việc với anh Ninh là những năm tháng đầy kỷ niệm đẹp đối với tôi. Anh Ninh là tấm gương sáng để noi theo.
BÍCH TRANG