Trải qua nhiều lần sửa chữa lớn, hiện nay, tuy di tích không còn bảo tồn được nguyên gốc nhưng giá trị về lịch sử vẫn còn nguyên vẹn.
Nhà số 4 phố Nhà Thương Khách nguyên nằm trên địa phận thôn Hòe Nhai, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Sở dĩ có tên Hòe Nhai vì tương truyền rằng đời Lý (1010-1225) có lệ quy định các triều thần mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ Hoàng thành ra tới bến Đông, do đó mà thành tên Hòe Nhai, tức là “đường cây hòe”. Từ tên một con đường, Hòe Nhai được lấy làm tên thôn. Thời Pháp thuộc, đây là hai con phố khác nhau: Từ đường Yên Phụ đến phố Hàng Than là đường số 34 và từ phố Hàng Than đến phố Phan Đình Phùng là phố Bệnh viện Trung Quốc mà dân chúng quen gọi là phố Nhà Thương Khách. Năm 1964, hai phố được nhập làm một, gọi chung là phố Hòe Nhai để hợp với sự tích “đường cây hòe” từ cửa thành Thăng Long ra bờ sông Hồng.
|
|
Ông Hoàng Tam Tỉnh giới thiệu về tấm biển nhà số 4 phố Nhà Thương Khách, nay là nhà số 4 phố Hòe Nhai, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Ảnh: QUANG ĐỨC |
Trong những năm 1930-1931, vùng đất Ba Đình là một trong những địa bàn hoạt động của Trung ương Đảng. Nhà số 4 phố Nhà Thương Khách là nơi đặt cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng năm 1930. Tầng 1 là cửa hàng bán đồ sứ, tầng trên là nơi cơ quan làm việc. Phía sau ngôi nhà có một đường hầm chạy thông ra đường Nguyễn Trường Tộ để mỗi khi hội họp có động, các đồng chí cán bộ cách mạng có thể rút theo đường hầm này, sau này con đường hầm đã bị lấp. Mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn khủng bố, đàn áp, cấm đoán nhưng Báo Lao khổ, Tin tranh đấu vẫn được phát hành bí mật, đóng góp trong công tác tuyên truyền của Đảng, trong việc củng cố và xây dựng tổ chức đảng cũng như lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh tránh sự khủng bố của kẻ thù trong những ngày tháng đầy khó khăn của cách mạng. Đây là nơi đồng chí Trường Chinh, Trịnh Đình Cửu thường lui tới hoạt động bí mật.
Hiện nay, kiến trúc của ngôi nhà được xây hai tầng bê tông mái bằng kiên cố. Tầng một được chia thành 3 gian, gồm 3 hộ gia đình sinh sống. Mặt tiền ngôi nhà gắn một tấm biển đá màu đỏ hình chữ nhật, khắc chữ vàng có nội dung: “Nhà số 4 phố Nhà Thương Khách (nay là phố Hòe Nhai) là nơi đặt cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng năm 1930, nơi biên tập các Báo Lao khổ và Tin tranh đấu của Đảng”. Bên trái ngôi nhà có một cầu thang bê tông dẫn lên tầng thứ hai. Trên tầng hai chia thành 4 gian gồm 4 gia đình sinh sống. Ông Hoàng Tam Tỉnh, sinh năm 1950, người dân sinh sống tại tầng hai căn nhà số 4 phố Hòe Nhai cho biết, ông và gia đình chuyển về đây sinh sống từ năm 1954. Khi đó, nơi đây là một ngôi biệt thự hai tầng có hàng rào bao quanh, từ tầng hai có giàn nho rủ xuống, phía sau ngôi biệt thự có khoảng đất trống để trồng hoa.
Bà Dương Thị Thu Huyền, công chức văn hóa-xã hội, UBND phường Nguyễn Trung Trực cho biết, căn nhà số 4 phố Hòe Nhai thuộc loại hình di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện). Năm 1982, căn nhà được Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội gắn biển lưu niệm. Năm 1997, Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội lập hồ sơ khảo sát hiện trạng bảo quản căn nhà. Năm 2000, kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, UBND phường Nguyễn Trung Trực đã tiến hành tu bổ, chỉnh trang và gắn lại biển giới thiệu di tích. Để phát huy tốt giá trị lịch sử của di tích, chính quyền địa phương đã giới thiệu nội dung giá trị lịch sử của di tích trên hệ thống thông tin truyền thanh của UBND phường vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm và tổ chức các buổi ngoại khóa cho các học sinh trên địa bàn phường, quận… giới thiệu về nhà số 4 phố Nhà Thương Khách, để toàn thể nhân dân hiểu rõ lịch sử cách mạng của địa phương.
LA DUY