Tiếp chúng tôi, anh Đỗ Đức Vượng, con trai cụ cho biết: “Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến hay những ngày lễ trọng đại của đất nước, bố tôi thường được mời đến Di tích pháo đài Láng để kể chuyện chiến đấu. Nhưng năm nay, đã ở tuổi 96, bố tôi mệt nhiều, không đi lại được, trí nhớ cũng không còn minh mẫn như trước. Nhưng mỗi lần nhớ ra điều gì về ký ức năm xưa, ông lại gọi con cháu vào trò chuyện. Pháo đài năm xưa và câu chuyện của cha là niềm tự hào của chúng tôi và nhân dân phường Láng Thượng”.
Anh Nguyễn Xuân Đông cho chúng tôi biết, theo những tài liệu lịch sử địa phương còn lưu giữ được, vào hồi 20 giờ 3 phút ngày 19-12-1946, từ pháo đài Láng, liên tục 3 loạt đạn đã bắn vào thành Hà Nội, sau đó bắn khống chế vào các khu vực hoạt động của giặc Pháp. Do bị bất ngờ nên quân Pháp hết sức lúng túng, mãi đến hôm sau, chúng mới bắn trả nhưng không hề trúng pháo đài Láng. Ngày 20-12, trận địa Láng chuyển hướng sang nhiều vị trí trọng yếu như: Thành Hà Nội, dinh Toàn quyền, ga Hàng Cỏ, Nhà dầu Shell, Nhà đúc Tiền, Nhà máy Bia... Ngay hôm sau, địch cho máy bay trinh sát thành phố tìm vị trí pháo đài Láng để ném bom. Bằng cách ngắm trực tiếp, các pháo thủ đã lập chiến công vang dội bằng việc bắn rơi một chiếc máy bay địch trên bầu trời Thủ đô. Đây là lần đầu tiên máy bay Pháp bị ta bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội. Ngày 22-12-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi, biểu dương các chiến sĩ pháo đài.
Năm 1993, Di tích pháo đài Láng đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong khuôn viên của di tích, ngoài phòng truyền thống trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến toàn quốc còn có khẩu pháo 75mm, với thân súng dài 2m, bệ súng dài 0,8m. 

leftcenterrightdel
 

Phối cảnh Di tích pháo đài Láng sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Ảnh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa, TP Hà Nội cung cấp.

Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, những năm qua, công tác quân sự, quốc phòng của địa phương luôn đi vào nền nếp, công tác tuyển quân luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp trên giao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn phường luôn ổn định, bà con yên tâm làm ăn, sinh sống. “Là phường được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Pháp, chúng tôi luôn nhận thức được ý nghĩa của công tác tuyên truyền đến người dân về truyền thống hào hùng ấy. Mọi năm, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, chúng tôi thường tổ chức cho các đoàn học sinh, nhân dân đến tham quan, nghe kể chuyện truyền thống tại pháo đài, nhưng năm nay thì công tác tuyên truyền được thực hiện qua loa phát thanh”, anh Đông cho biết. 
Tham quan Di tích pháo đài Láng, chúng tôi khá ngạc nhiên khi con đường chính dẫn vào đây bị ngăn bởi những xe bê tông và đất đá ngổn ngang. Qua trao đổi với anh Vương Hoàng Phong, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa, chúng tôi được biết, thành phố đang tiến hành thi công dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, di tích đã trả lại 487m2 mặt bằng theo đúng quy định. Hiện diện tích còn lại của di tích là 533m2. Thời gian tới, thành phố sẽ phê duyệt Dự án xây dựng công trình Di tích pháo đài Láng với mức đầu tư dự kiến khoảng 22 tỷ đồng. Anh Hoàng Phong nhấn mạnh: “Từ địa điểm này, tương lai một công trình hiện đại sẽ được xây dựng với nhà trưng bày và khuôn viên xanh mát. Đây sẽ là điểm nhấn về du lịch truyền thống để nhân dân Thủ đô và cả nước đến tham quan, tìm hiểu những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc”.

KHÁNH AN