Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành sinh ra và lớn lên ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Năm 23 tuổi, ông được tuyển vào học khóa đào tạo phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Hai năm sau đó, ông làm phóng viên chuyên trách mảng thời sự-chính trị. Với chiếc máy ảnh cá nhân, nhà báo Đinh Quang Thành đã đi dọc chiều dài đất nước để ghi lại chiến thắng hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

leftcenterrightdel
“Đường ra tiền phương”. Ảnh: ĐINH QUANG THÀNH 

Trong hàng nghìn bức ảnh tư liệu quý giá về các chiến dịch, trải dài từ Bắc vào Nam, đến tận sào huyệt cuối cùng của địch là Dinh Độc Lập, thì bức ảnh “Đường ra tiền phương” dường như để lại nhiều ấn tượng, làm lay động người xem hơn cả. Hình ảnh cô thanh niên xung phong với mái tóc buông dài, khoác tấm vải ni lông che mưa trong suốt không biết là bởi ánh đèn flash của máy ảnh hay đèn pha của những chiếc xe ô tô đang hành quân ra mặt trận rọi vào. Trên vai cô là khẩu súng, tay cầm cờ lệnh đỏ, đứng ở đầu cầu phân luồng cho xe qua, nơi hằng ngày diễn ra những trận ném bom khốc liệt. 

Ở tuổi 86, vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, hiện đang sống ở quận Long Biên, TP Hà Nội, nhớ lại hoàn cảnh chụp bức ảnh, nhà báo Đinh Quang Thành kể: “Một đêm tháng 6-1966, tôi cùng đoàn công tác đi đến cầu Gián Khuất nằm trên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam) thì được biết về sự hy sinh của đội viên Đại đội Thanh niên xung phong 193 Nguyễn Thị Phúc. Khi đang chỉ đường cho đoàn xe qua cầu phao trong đêm, bất ngờ một loạt bom nổ, Phúc bị thương. Không kịp cấp cứu, máu ra nhiều, cô đã hy sinh. Ngay đêm sau, nhiều đội viên nữ trong đơn vị đã tranh nhau làm nhiệm vụ của Nguyễn Thị Phúc. Đêm ấy, đúng nơi Nguyễn Thị Phúc từng đứng, tôi đã chụp tấm ảnh này. Cô gái trong bức ảnh đến giờ tôi cũng chẳng biết tên. Nhưng cô và rất nhiều cô gái Việt Nam đang độ tuổi xuân phơi phới đã lên đường đánh giặc theo cách riêng của mình. Họ đã thầm lặng góp công vào mùa xuân của đất nước”. 

Tuy bức ảnh chụp từ phía sau, không nhìn thấy mặt nhân vật nhưng vẫn phản ánh sự chân thực, tính nhân văn qua khoảnh khắc ghi hình đắt giá. Năm 2016, cùng với gần 400 bức ảnh quý khác của mình, “Đường ra tiền phương” đã được nhà báo Đinh Quang Thành tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam làm hiện vật trưng bày. Còn nhà báo Đinh Quang Thành, khi nghỉ không làm công tác chuyên môn đã trở thành cộng tác viên giảng dạy của một số trường đại học trong nước. Bằng tài năng và kinh nghiệm, ông đã trở thành giảng viên chuyên nghiệp, truyền thụ kỹ năng cho các bạn trẻ yêu thích môn nhiếp ảnh. Hiện nay, nhiều phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, trong đó có tôi, từng là học sinh của thầy Thành.

PHƯƠNG HOA