QĐND - Đến Bệnh viện Quân y 105, chúng tôi nhận rõ sự đổi thay về cảnh quan, cơ sở vật chất và số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị… Chính ủy bệnh viện, Đại tá Đỗ Quang Mão, bộc bạch: “Được cấp trên nâng cấp lên bệnh viện hạng 1, chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu để xứng đáng là cơ sở quân y số 1 trên vùng “đất lính Sơn Tây”. Tới đây (1-9) là kỷ niệm 65 năm thành lập nên bệnh viện càng quyết tâm thi đua phát huy truyền thống đơn vị anh hùng”.
Những ca mổ đẫm mồ hôi, nước mắt
Đưa chúng tôi đi thăm Phòng Truyền thống của bệnh viện, Đại tá Đỗ Quang Mão, Chính ủy Bệnh viện Quân y 105 giới thiệu nhiều về lịch sử, truyền thống của đơn vị, nhưng rồi anh vẫn “bật mí”: “Các nhà báo muốn tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử bệnh viện từ ngày đầu thì nên gặp bác Ngô Hà Trung, một trong 8 thành viên đầu tiên của Đội Phẫu thuật tiền phương phục vụ Chiến dịch Biên Giới-tiền thân của Bệnh viện Quân y 105”.
Bác Trung vốn công tác tại Báo Vui sống, được Cục Quân y cử vào Đội Phẫu thuật tiền phương từ ngày đầu thành lập (1-9-1950). Là đảng viên duy nhất của đội khi đó, lại sẵn có nghề báo nên bác Trung cung cấp nhiều tư liệu rất chi tiết: “Ngày ấy, Cục Quân y quyết định thành lập Đội Phẫu thuật tiền phương phục vụ Chiến dịch Biên Giới tại Bản Chang, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Với quân số ban đầu chỉ 8 người, ngoài đội trưởng chỉ có 2 sinh viên y khoa, 2 quân y sĩ, 2 đồng chí cấp dưỡng và 1 liên lạc viên, nhưng Đội Phẫu thuật đã theo sát các đơn vị chủ lực, phục vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh từ Chiến dịch Biên Giới tới ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử toàn thắng”. Lặng đi hồi lâu, bác Trung trầm tư: “Thời ấy, cả con người, phương tiện và thuốc men đều rất thô sơ, thiếu thốn, trong khi đó thương binh từ mặt trận cứ dồn dập chuyển đến, chúng tôi phải trực mổ suốt ngày đêm là chuyện thường. Mà thương anh em thương binh lắm! Ở mặt trận không có thuốc gây mê nên khi phẫu thuật anh em rất đau. Chúng tôi bảo nhau phải cố gắng làm cho nhanh để anh em đỡ bị đau mà mình cũng bớt xót ruột, nhưng lại phụ thuộc vào đèn chiếu sáng, vì thiếu, phải đạp xe liên tục để có ánh sáng mổ nên cũng khó làm nhanh. Có những ca phẫu thuật, chiến sĩ quân y đẫm cả mồ hôi và nước mắt vì thương xót thương binh. Đau nhất là nhiều đồng chí làm nhiệm vụ tải thương đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường vì bom đạn địch, có cả một đồng chí bị hổ vồ lúc đang vận chuyển thương binh”.
|
Bệnh viện Quân y 105 khám bệnh cho người có công và đối tượng chính sách tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
|
Theo bác Ngô Hà Trung, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đội Phẫu thuật tiền phương (sau đó phát triển thành Đội Điều trị 5) đã liên tục cơ động theo các đơn vị, vượt hàng nghìn cây số, qua núi non hiểm trở từ Chiến khu Việt Bắc đến Tây Bắc xa xôi để phục vụ cứu chữa, vận chuyển thương binh, bệnh binh. Với thành tích đó, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đội Điều trị 5 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thưởng luân lưu.
Tìm hiểu lịch sử của Bệnh viện Quân y 105, chúng tôi thấy đây là một trong những cơ sở quân y có bề dày truyền thống gắn với nhiều lần thay đổi nhiệm vụ. Sau kháng chiến chống Pháp, tháng 1-1955, Đội Điều trị 5 chuyển về Ba Mô (Đức Thắng, Bắc Giang) làm nhiệm vụ thu dung điều trị các bệnh binh mắc bệnh lao và bệnh phong của toàn quân; đến tháng 1-1956 lại chuyển về thị xã Sơn Tây (Hà Nội), tiến hành củng cố, xây dựng Đội Điều trị Đa khoa khu vực. Tháng 10-1965, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp Đội Điều trị 5 thành Quân y viện 105, quy mô 400 giường bệnh, có nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị thương binh, bệnh binh trong khu vực và thương binh từ các chiến trường gửi về, đồng thời huấn luyện, đào tạo nhân viên y dược trung, sơ cấp. Trong 10 năm phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân y viện 105 đã giành được nhiều phần thưởng cao quý: Đội Điều trị 86 thuộc viện được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân; năm 1969, Quân y viện 105 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.
Chiến công thời bình
Sau khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2010), Bệnh viện Quân y 105 tiếp tục đạt nhiều thành tích: 5 năm liền là Đơn vị Quyết thắng (2010-2014), trong đó năm 2013 và 2014 được tặng Cờ thi đua Bộ Quốc phòng, 2 năm được tặng Cờ thi đua của Tổng cục Hậu cần, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, UBND các tỉnh: Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam… Bệnh viện đang được cấp trên đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba. Những phần thưởng cao quý ấy, cùng với sự tin cậy của người bệnh và bộ đội, nhân dân, đã phần nào nói lên “chiến công” thời bình của Bệnh viện Quân y 105.
Nguyên nhân sâu xa để đạt được những thành tích đó có lẽ xuất phát từ quan điểm xuyên suốt đã được lãnh đạo bệnh viện xác định và quán triệt tới mọi cán bộ, nhân viên: “Bệnh viện cần người bệnh. Phục vụ bệnh nhân tốt thì bệnh viện mới phát triển và ngược lại”.
|
Tiết mục biểu diễn tôn vinh người thầy thuốc tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng của Bệnh viện Quân y 105.
|
Đại tá Lê Anh Tuấn, Giám đốc bệnh viện thổ lộ bằng giọng rất tâm huyết: “Lãnh đạo, chỉ huy chúng tôi luôn tâm niệm mình phải có trách nhiệm góp phần đưa bệnh viện phát triển để vừa xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng, vừa phục vụ bộ đội và nhân dân tốt hơn. Để thực hiện được điều đó, Đảng ủy bệnh viện đã ra nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó xác định rõ chất lượng và uy tín của bệnh viện được đánh giá trên ba tiêu chí cơ bản, gồm: Y thuật (chất lượng, hiệu quả khám và điều trị); y đức (tinh thần, thái độ phục vụ) và sự thuận tiện (thủ tục hành chính và sinh hoạt của người bệnh). Thời gian qua, cả ba yếu tố này luôn được bệnh viện coi trọng duy trì thực hiện. Tuy nhiên, về sự thuận tiện thì bệnh viện còn phải phấn đấu nhiều bởi cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, ví dụ những phòng bệnh cũ chưa có nhà vệ sinh khép kín… Còn về y đức, bệnh viện đã thực sự tạo được niềm tin yêu trong bộ đội và nhân dân; về y thuật, cùng với được đầu tư nhiều phương tiện, trang thiết bị y tế hiện đại, bệnh viện đặc biệt quan tâm nâng cao trình độ khám và điều trị bệnh cho đội ngũ y, bác sĩ bằng cách cử đi học nâng cao và đào tạo, bồi dưỡng tại những bệnh viện tuyến trên. Đến nay, chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ được nhiều kỹ thuật y khoa phức tạp”.
Trao đổi với các y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 105, tôi được nghe họ nói nhiều đến mục tiêu “quyết tâm không bó tay, không đầu hàng trước những ca bệnh khó” mà lãnh đạo bệnh viện thường xuyên nhắc nhở trong các buổi giao ban, sinh hoạt. Đây chính là áp lực, mục tiêu để tất cả cán bộ, nhân viên phải trăn trở và nỗ lực phấn đấu.
“Bệnh viện Quân y 105 là cơ sở y tế hàng đầu ở phía tây Hà Nội, đồng thời là cơ quan thực sự văn hóa và luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động xã hội trên địa bàn đóng quân, góp phần thiết thực xây dựng địa phương, nhất là thực hiện chủ trương chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng”-Đồng chí Nguyễn Quang Sơn, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây nói với chúng tôi như vậy và đây cũng là lời khen chung của những người dân ở vùng “đất lính Sơn Tây” đối với Bệnh viện Quân y 105 anh hùng.
Bài và ảnh: QUANG LONG - QUÂN SƠN