Tấn công lên Việt Bắc thể hiện sự phiêu lưu, mạo hiểm của quân Pháp, khi phải hành quân một quãng đường xa xôi, đồi núi chia cắt. Căn cứ địa Việt Bắc cách Hà Nội khoảng 130km về phía Bắc và đại thể là một khối tròn với bán kính khoảng 80km. Những đỉnh núi cao và thung lũng sâu chia địa hình Việt Bắc ra nhiều ngăn. Ít đường cái qua lại, chỉ có các đường mòn nối liền những thung lũng đi vào các triền núi… Mặc dù có nhiều sông, suối nhưng chỉ có thể đi lại được bằng thuyền nhỏ trên sông Lô và nhánh của nó là sông Gâm. Địa hình Việt Bắc khó khăn khiến cho quân Pháp phải mạo hiểm tấn công chẳng khác nào tập trung lực lượng lớn để đấm vào chỗ không người.
Tháng 3-1947, Chính phủ Pháp cử Bollaert làm Cao ủy quân Pháp ở Đông Dương, thay cho D’Argenlieu bị triệu hồi “vì bị coi là thủ phạm làm tan vỡ mối quan hệ Việt-Pháp”. Kế hoạch đánh chiếm Việt Bắc gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh là Léa và Cloclo. Dưới hình thức một cuộc hành binh lớn theo thế gọng kìm. Hai gọng kìm đó sẽ khép chặt vùng căn cứ địa du kích của Việt Minh. Một gọng kìm theo đường thủy tiến theo sông Lô rồi rẽ sang sông Gâm, trong khi một gọng kìm khác chặn con đường thuộc địa số 4. Phần lớn con đường này như một nhát chém không sâu lắm vào vách đá vôi. Cùng một lúc, khi các lực lượng ở hai gọng kìm rời điểm xuất phát thì lực lượng lính dù sẽ nhảy xuống vùng trung tâm Việt Minh. Quân dù sẽ ghìm lực lượng Việt Minh tại chỗ cho đến khi nào họ nhận được tăng viện từ hai gọng kìm tới để tập trung tiêu diệt gọn ban lãnh đạo Việt Minh.
Ðô đốc Georges Thierry d’Argenlieu (bên trái) bị thay thế bởi Cao ủy Emile Bollaert và tướng Leclerc (bên phải) ngày 5-3-1947.
Cơ quan tình báo của tướng Valluy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, đã xác định được vị trí cơ quan đầu não của Việt Minh ở Việt Bắc. Đó là thị xã Bắc Kạn nghèo khổ vắt ngang Đường số 3 ở phía bắc Thái Nguyên. Valluy nói rằng: “Nếu đánh thẳng vào cơ quan đầu não của Việt Minh, giết hay bắt sống được những người lãnh đạo Việt Minh thì việc chiếm căn cứ địa của Việt Minh không còn là vấn đề lớn nữa…”. Mục tiêu chủ chốt là bắt giữ toàn bộ chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh bằng một cuộc hành quân nhảy dù táo bạo, bất ngờ, “úp chụp”.
Tấn công lên Việt Bắc, theo kế hoạch của Valluy là muốn đánh nhanh thắng nhanh, để sớm kết thúc chiến tranh. Chúng cố gắng đánh một đòn quân sự quyết định tạo điều kiện cho Bollaert đưa Bảo Đại về tìm cách kết thúc chiến tranh. Tướng Valluy đã trình bày với Thủ tướng Chính phủ Pháp Ramadie sự cần thiết phải gây ra một thứ nội chiến giữa người Việt với nhau, nhằm vô hiệu hóa, thậm chí bắt sống cả Chính phủ Hồ Chí Minh để có thể điều đình ở thế mạnh với Bảo Đại.
Cuộc hành binh Léa bắt đầu từ sáng 7-10-1947 với 1.137 quân dù nhảy xuống Bắc Kạn, Chợ Đồn và Chợ Mới. Cùng lúc gọng kìm phía Bắc cũng bắt đầu xuất phát với xe bọc thép, bộ binh, pháo binh, cấp tốc hành quân để kịp tiếp ứng quân dù… Quân dù nhanh chóng bao vây Bắc Kạn, lùng sục khu vực trung tâm của Việt Minh. Nhưng kế hoạch của quân dù đã không thành công do tình báo của Valluy đã đoán sai nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cách đó không xa theo đường chim bay.
Lược đồ Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947. Ảnh tư liệu.
Trận nhảy dù xuống Bắc Kạn đã tạo được yếu tố bất ngờ. Yve Gra trong cuốn Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương cho biết, sau khi nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn và gặp thương vong rất ít, lính Pháp đã bắt giữ được gần 100 công nhân, viên chức, trong đó có một Bộ trưởng (cụ Nguyễn Văn Tố) của Việt Minh. Tưởng nhầm là đã bắt được Hồ Chí Minh… rằng ông Hồ xin ngừng bắn. Cao ủy Bollaert và quyền Tổng chỉ huy Battet hấp tấp bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, để xác minh xem có đúng là Hồ Chí Minh không? Thực tế có mặt tại Bắc Kạn lúc đó, có Tổng Bí thư Trường Chinh đang chuẩn bị làm việc với Tỉnh ủy Bắc Kạn, đồng chí Hoàng Văn Thái đang nói chuyện với bộ đội và học sinh tại sân vận động thị xã.
Phân tích ý đồ chiến dịch của quân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ:“Hội quân ở Bắc Kạn tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi cụp ô xuống, dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của kháng chiến… Chúng mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách và cuộc tiến công thất bại”.
Một yếu tố bất ngờ làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến tranh có lợi cho quân ta là khi quân Pháp nhảy dù xuống Cao Bằng, đại đội trợ chiến của Trung đoàn 74, bố trí trên đồi Thiên Văn, đã bắn rơi một máy bay Junker-52. Máy bay này chở một số sĩ quan tham mưu của bộ chỉ huy chiến dịch Việt Bắc đi thị sát chiến trường. Những người đi trên máy bay đều chết, trong đó có Lambert, đặc phái viên của Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh ở miền Bắc Đông Dương. Trong số những tài liệu thu được từ máy bay có “một tài liệu vô giá”, đó là bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của quân Pháp kèm theo bản đồ.
Ngày 15-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị: “Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”.
Cuộc chiến đấu của quân và dân ta hết sức ngoan cường theo sự ghi chép của học giả nước ngoài: “Bộ đội Việt Minh còn nấp sau các hốc đá, bụi cây bắn tỉa chia cắt các đội hình, bao vây, tiêu diệt từng toán quân đi lẻ của Pháp như ở bên kia Na Sầm, qua đèo Dứa, Lũng Phầy gần Đông Khê, đèo Tunnel (Đường hầm) đến tận Cao Bằng…”.
Tới đầu tháng 11-1947, chiến dịch tấn công Việt Bắc của quân Pháp đứng trước nguy cơ thất bại, quân Pháp rơi vào tình thế khó khăn, tiếp tế bị cắt, đường hàng không không bảo đảm. Cánh quân của Commumal đã tập trung lại ở thị xã Tuyên Quang. Phần lớn cánh quân của Beaufre cũng dồn về thị xã Bắc Kạn. Mặc dù Valluy không dám tuyên bố hủy bỏ cuộc hành binh Léa trước ngày 8-11 nhưng mọi cố gắng đều là công dã tràng, không đạt được một mục tiêu nào.
Cuối tháng 11-1947, tướng Valluy đã mở cuộc hành binh tiếp theo mang mật danh Ceinture: Vành đai. Hai thành phố quan trọng nhất ở ranh giới phía nam căn cứ địa Việt Bắc là Tuyên Quang và Thái Nguyên bị Việt Minh chiếm đóng và Valluy hy vọng sẽ tiêu diệt hết quân Việt Minh đồn trú ở đây. Lực lượng được ném vào cuộc hành binh này đông không kém kế hoạch Léa nhưng lần này Valluy tập trung quân với mật độ đông hơn vì vùng mục tiêu thu hẹp, không trải rộng như cuộc tiến công trước.
Thực chất những cuộc hành quân “đèn cù” hạ tuần tháng 11 của quân Pháp chỉ nhằm nghi binh, hạn chế mức thiệt hại của hai binh đoàn Beaufre, Commumal trên đường rút lui. Chiến dịch Ceinture là một cuộc “giương đông kích tây” để đánh “bài chuồn” nhằm giảm tổn thất đến mức thấp nhất hay một cuộc rút lui trong danh dự.
Ngày 22-12, quân Pháp rút khỏi Việt Bắc, lặng lẽ kết thúc cuộc hành binh Ceinture. Để che đậy thất bại này, Valluy cố an ủi bằng tuyên bố cuối năm 1947 rằng đã tiêu diệt được 9.500 quân Việt Minh. Cuối tháng 12-1947, chiến dịch tấn công Việt Bắc của quân Pháp hoàn toàn thất bại. Mưu toan chính trị của chính quyền Pháp trong “canh bạc Việt Bắc” hòng tiến công xóa bỏ “thánh địa Việt Minh” ở Việt Bắc đã bị đánh bại hoàn toàn.
Sau thất bại tại Việt Bắc, tướng lĩnh Pháp đổ lỗi cho nhau, đổ cho những nguyên nhân khách quan làm sụp đổ kế hoạch của chúng. Không khí chính trị ở nước Pháp đã chống lại tất cả những cái đó, đối với phần lớn dư luận chung, chiến tranh Đông Dương đã là một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”, và đối với Chính phủ là cuộc “chiến tranh đáng xấu hổ, nhục nhã”. Quân đội thì bị xộc xệch với những cuộc thanh lọc và cắt giảm lớn về ngân sách”, “Cuộc chiến tranh không dám xưng tên” (Henri Navarre, Đông Dương hấp hối).
Hai mươi ba năm sau, năm 1971, trong Hồi ký “Kết thúc một đế chế: Quân Việt Minh-đối thủ của tôi” tướng Salan đã dành một đoạn dài viết về cuộc tiến công Việt Bắc. Salan cũng thấy đây là một chủ trương mạo hiểm. Nhưng với tin tức tình báo thu lượm được và hai binh đoàn quân viễn chinh gồm toàn những đơn vị thiện chiến trong tay, ông ta tin tưởng có thể nắm chắc phần thắng lợi...
NGUYỄN VĂN BIỂU