Nắm chặt tay các cựu chiến binh Lê Vĩnh Đề, Hồ Xuân Cảnh, Võ Văn Minh và các đồng đội năm xưa, Đại tá Trương Công Vọng rưng rưng: “Chúng ta hãy dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ 12 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này”. Dưới tán bồ đề mát rượi, qua lời kể của các cựu chiến binh, chiến thắng Lệ Sơn 65 năm trước dần được tái hiện một cách hào hùng.

Mùa hè năm 1952, trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng hạn hán, mất mùa thiếu đói xảy ra khắp nơi, nhất là vùng tây bắc Hòa Vang. Cùng với thiên tai, giặc Pháp tăng cường vây bố, mở nhiều đợt càn quét, mở thêm đồn bốt, ra sức kìm kẹp hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân trong vùng tạm chiếm.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 trong buổi giao lưu, kể chuyện lịch sử về chiến thắng Lệ Sơn. 
Nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch hè thu 1952, từ hậu phương, Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 803, Liên khu 5) hành quân liên tục 18 ngày đêm vượt hàng trăm cây số từ Bình Định qua Quảng Ngãi ra đến Quảng Nam. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Lựu-Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Phạm Đạo- Chính trị viên, từ đêm 21-7 đến 19-8-1952, Tiểu đoàn 59 liên tục tấn công tiêu diệt địch tại Khu hành chính Phủ Kỳ, cứ điểm Văn Ly và Khu hành chính Kỳ Nam (Điện Bàn, Quảng Nam), sau đó chuyển ra Tây Hòa Vang nhận nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Lệ Sơn (Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Lệ Sơn là một cứ điểm khá kiên cố, do một đại đội hỗn hợp Pháp-ngụy chiếm đóng, được trang bị hỏa lực mạnh và được chi viện của các trận địa pháo binh ở Vĩnh Điện, Đà Nẵng và Ái Nghĩa. Cứ điểm Lệ Sơn có tên đội Tước khét tiếng gian ác, đã gây nhiều đau thương tang tóc cho bà con khắp vùng. Hồi đó nhân dân vùng này từng có câu “Lò sát sinh Quá Giáng, địa ngục Lệ Sơn”.

Muốn đánh đồn Lệ Sơn, bộ đội phải tìm cách vượt sông Yên, băng qua khu đất rộng và trống trải vì địch đóng quân ngay giữa cánh đồng. Để bảo đảm thắng lợi, sau khi điều nghiên, tính toán kỹ, tiểu đoàn quyết định tấn công trên hai hướng: Đại đội 11 tấn công trên hướng chủ yếu đông nam, Đại đội 211 (từ Tiểu đoàn 365 tăng cường cho Tiểu đoàn 59) tấn công trên hướng thứ yếu tây nam.

Đêm 18-9-1952, bộ đội bí mật cơ động từ bìa rừng Đồng Xanh, Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) xuống Cẩm Toại. Cơ sở của ta đã vận động được hàng trăm lượt ghe câu của ngư dân địa phương bí mật chở bộ đội vượt sông Yên. Đêm ấy, bầu trời, mặt đất tối đen như mực, biết đơn vị lạ đường, anh chị em cơ sở có sáng kiến đốt hương cắm dọc đường đi và trên cả cánh đồng để làm lộ tiêu cho bộ đội đi đúng vào trận địa.

Khẩn trương chiếm lĩnh trận địa, làm công tác chuẩn bị chiến đấu, đúng 0 giờ 15 phút ngày 19-9, sau tiếng súng hiệu, các loại súng SKZ, súng cối, đại liên, trung liên của ta dồn dập chế áp vào các mục tiêu được phân công, các bộc phá viên thoăn thoắt lên-xuống mở hàng rào, lửa cháy sáng rực cả cánh đồng. Quá bất ngờ, phải một lúc lâu súng địch từ trong đồn mới điên cuồng đáp trả. 30 phút giằng co, ta chiếm được đầu cầu, các mũi xung kích lao nhanh vào trận địa tiêu diệt địch. Trước sức tấn công mãnh liệt của quân ta, sức đề kháng của địch yếu dần rồi tê liệt hẳn. Sau một giờ chiến đấu, từng tốp lính địch giơ tay đầu hàng, ta bắt sống tại chỗ 15 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị và nhiều quân trang quân dụng, xác địch la liệt khắp nơi.

Tiếng súng vừa dứt, người dân trong vùng vui mừng chạy thẳng vào đồn reo hò, cổ vũ. Cùng bộ đội soi đèn ngó mặt các tù hàng binh, lật từng xác chết để kiểm tra, bà con không giấu được sự lo lắng: “Sao không thấy mặt thằng đội Tước, nó chết chưa hay đã chạy thoát? Diệt Lệ Sơn mà để sổng thằng này thì bà con ta còn khổ”. Nghe thấy vậy, một cháu bé la lớn: “Cháu thấy đội Tước đang khiêng thương binh mình ngoài kia”. Đội Tước bị tóm cổ khi đang giả dạng dân công, hăng hái tải thương để tìm cơ hội tẩu thoát. Mấy ngày sau, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Tòa án Quân sự mở tại xã Hòa Khương bắt tên Việt gian khét tiếng này phải đền tội. 

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG